![]() |
Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thùy Trâm -Ảnh tư liệu |
* Tôi đã đi xem phim "Đừng đốt" hôm 30-4. Có nhiều lúc tôi đã phải cố ngăn lòng mình lai để không chảy nước mắt. Tôi thật sự xúc đồng trước người phụ nữ ấy, người phụ nữ tiêu biểu cho rất nhiều người con của đất nước Việt Nam. Ở chị có một tình yêu thương lớn lao, chị luôn nghĩ đến người khác cho dù là lúc nguy hiểm nhất. Chị đã hy sinh khi quay lại để tiếp tục cứu thương binh, nếu không quay lại thì đã khác.
Đọc nhật ký của chị, và bây giờ khi xem phim về chị, tôi thấy thật đúng như tên của bộ phim "Đừng đốt", câu nói anh lính Cộng hòa đã nói: "Đừng đốt...Trong đó đã có lửa". Đúng vậy, trong đó có tình yêu nước, yêu hòa bình sâu sắc; tình yêu và thương nhớ mẹ, gia đình da diết; tình yêu con người dù chi chưa bao giờ gặp họ; và tình yêu với anh M...
Tôi nghĩ giới trẻ hãy xem phim này, đây là bài học lớn mà các em ngày nay đang rất cần khi các em đang quên đi những tình yêu cơ bản nhất trong cuộc sống. Khi đến mua vé xem phim tại trung tâm chiếu phim quốc gia, tôi nghe một bạn học sinh nói với bạn mình: "Cứ phim Mỹ mà chọn mày à". Tôi thấy thật buồn vì dường như ngày nay các em đã quá dễ dãi với chính mình, mà không biết mình cần gì, thiếu gì để học hỏi thêm.
* Phải khó khăn lắm tôi mới có đủ liều lĩnh vào Megastar bỏ ra 80.000đ để mua vé xem phim Việt Nam. Tuy cái tên đạo diễn Đặng Nhật Minh là một sự đảm bảo lớn cộng với vài lời của chị Kim Trâm, tôi vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ phải vào rạp để rồi một lần nữa thất vọng. Nhất là khi đèn đã tắt mà chỉ có 17 người trong phòng chiếu.
Lần này tôi đã không thất vọng. Phim bắt đầu với những cảnh quay rất “thật” nhưng không hề thô về trạm xá quân y ở chiến trường Đức Phổ và soundtrack hay một cách lạ thường. Có lẽ tôi chưa bao giờ xem được phim Việt Nam mà có nhạc phim hay và hợp cảnh như vậy. Cũng nhờ âm nhạc và tiếng động làm tốt mà phim ít đối thoại hơn nhiều so với những phim Việt Nam lê thê mà chúng ta vẫn hay gặp. Thậm chí có những chỗ đối thoại ngắn quá đâm ra thiên cưỡng. Ví dụ như khi thấy hết gạo thay vì phải có đắn đo suy nghĩ và lia máy ra cho thấy bối cảnh đang bị bao vây khó khăn thì đạo diễn để chị Thùy Trâm nói bình thản là “Hai em phải đi lấy gạo” rồi ôm lấy nhau. May mà đoạn sau nhìn theo hai em và đọc lời nhật ký còn cứu lại được.
Điểm khó khi làm kịch hoặc phim dựa theo nhật ký là nguy cơ bị cắt vụn thành nhiều mảnh. Đạo diễn đã rất khéo léo lồng những đoạn nhật ký vào trong các cảnh và những đoạn chuyển từ đọc nhật ký sang cảnh phim trên nền nhạc rất ngọt khiến ta cảm thấy lời nói cứ thế biến thành hình ảnh một cách hết sức tự nhiên. Từ giấc mơ chuyển sang hiện thực, từ thực sang mơ, từ thời nay về thời xưa và ngược lại, mọi thứ đều được chuyển nhuần nhuyễn khiến ta không bị những cú hẫng, ít nhất là đối với những người đã đọc nhật ký.
Cảnh Huân, người lính Việt Nam Cộng hòa nhặt được và đọc nhật ký đã rất thành công trong diễn xuất và quay phim. Dù không một lời thoại nào người xem vẫn cảm thấy những suy nghĩ đang cháy lên trong đôi mắt Huân. Giá mà những cận cảnh đối với Hương (vai Thùy Trâm) cũng đạt được như vậy. Từ câu nói “Đừng đốt, trong đó đã có lửa” của Huân, đạo diễn đã bám lấy sợi chỉ ngọn lửa để xâu chuỗi sự kiện. Chi tiết Huân tặng Fred chiếc đèn dầu làm từ vỏ lựu đạn hơi ngạt (?) đã giúp những cảnh phim sau này có “đất” để thắp lên ngọn lửa đèn dầu đó cả ở Mỹ, phụ trợ cho những cảnh Fred day dứt với ngọn lửa trong nhật ký.
Những diễn viên Mỹ trong phim lần này là dân chuyên nghiệp chứ không phải những tay Tây ba lô bị lôi vào diễn nên họ đã thể hiện được các nhân vật rất tốt. Fred thật cũng xuất hiện thoáng qua trong phim ở dạng “quần chúng”. Ngay sau cảnh một chiến sĩ của ta hy sinh, đến đoạn một lính Mỹ da đen vừa hát xong đã trúng đạn ngã xuống cho thấy cái nhìn của đạo diễn (và của chúng ta) về cuộc chiến tranh đã thay đổi rất nhiều.
Đoạn Ted đi xe ôm để tìm gia đình Đặng Thuỳ Trâm tuy không đúng với câu chuyện nhưng lại rất thật và có chút hài hước. Hài hước đáng ra có thể đẩy lên hơn khi Ted đi vào đi ra các bệnh viện và làm tươi sáng thêm những cảnh quay giúp đẩy phim lên khoảng sáng trước khi cho nó lao xuống vùng tối (hay lên đỉnh điểm) khi Thùy Trâm hy sinh.
Cảnh những ngọn cây chao đảo trên đầu khi Thùy Trâm ngã xuống đã “đụng hàng” với “Đàn sếu bay qua” kinh điển dù đã bù lại bằng hình ảnh Thùy Trâm đạp chiếc xe Thống nhất có gác đờ sen nhôm. Không có những ngọn cây quay thì phim vẫn ổn mà lại khỏi "đụng hàng". Kết thúc phim với hình ảnh Thùy Trâm đạp xe trên con đường bất tận mờ sương và “Bài ca hy vọng” hát mộc là sáng tạo mạnh của đạo diễn. Giá mà con đường xấu hơn và không có vạch sơn phân cách ở giữa thì cảnh sẽ thật hơn.
Tôi đã lại khóc khi xem phim cho đến hết, cũng như khi đọc nhật ký. Khi ra ngoài tôi bỗng cảm thấy lúng túng vì xung quanh là thế hệ trẻ đang náo nức vào xem những phim giả tưởng đầy kỹ xảo.
* Đây là một bộ phim xúc động, đầy tính nhân văn và rất đáng xem. Bộ phim không chỉ nói về riêng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm mà còn nói về số phận cuốn nhật kí và nỗi ám ảnh của những người đã từng đọc nó. Tuy nhiên, tôi không chắc những người chưa từng đọc cuốn nhật ký có thể hiểu hết được ý nghĩa bộ phim. Nếu bộ phim dài hơn (khoảng 120ph thay vì 102ph), khai thác sâu hơn nữa cuộc sống của bác sĩ Thùy ngoài chiến trường thì có lẽ phim còn hay hơn nữa.
* Sau bao ngày chờ đợi, chiều ngày 30-4 tôi đã đến rạp Tân Sơn Nhât để xem bộ phim "Đừng đốt". Tại đây phim được bố trí chiếu ở rạp số 3, là một rạp nhỏ, có lẽ vì có ít khán giả hơn các phim khác. Khán giả phần lớn là những người hưu trí, các cựu chiến binh và một số là những người nói giọng miền Trung, có lẽ là người Quảng Ngãi.
Tôi rất xúc động khi xem phim, nhất là cảnh quay bệnh xá nơi Bác Sĩ Đặng Thùy Trâm làm việc. Tôi nhận ra ngay vị trí bệnh viện ấy, vẫn là những lán tranh nhỏ, tựa vào bên một hang núi, xưa kia bệnh xá làm hầm trú ẩn cũng như là nơi cất giấu dụng cụ y tế và lương thực dự trử. Nơi đây tôi đã đến một lần vào khoảng năm 1969, khi tôi theo cánh quân của Nguyễn Trung Hiếu vào làm công tác Dân Sự Vụ. Tôi nhớ lúc chúng tôi đến thì bệnh xá đã bị phá hủy, trong hang núi có khoảng 5 thùng thiếc mắm cái bệnh viện còn bỏ lại. Mỹ đã đem 5 thùng mắm nầy dùng C4 cho nổ tung. Mùi của mắm làm cho lính Mỹ rất kinh hãi và họ hỏi tôi đó có phải là một loại bom bẩn không. Tôi bảo đó là một loại thức ăn, thì họ cho là tôi bullshits!
Nên nhớ là bệnh xá nầy đã bị Mỹ tập kích nhiều lần, nhưng tôi không hiểu sao lúc tập kích lần cuối, bác sĩ Thùy vẫn còn ở đó để phải gánh chịu một hậu quả quá đau lòng...
* Một bộ phim rất hay mang nhiều cảm xúc, xem phim thấy thấp thoáng hình ảnh của một "Bao giờ cho đến tháng 10" với những giá trị sống thực sự. Tiếc là do làm PR chưa tốt, và lớp khán giả hiện tại chỉ hướng tới phim nước ngoài và phim thị trường nên các rạp hầu như không có khán giả xem. Thật tiếc cho những ai không xem phim này. Hy vọng là sau khi chiếu trên truyền hình cho khán giả cả nước xem, bộ phim sẽ gây được tiếng vang lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận