​Rầm rộ xây sân bóng trong trường học

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TT - Các trường tiểu học và THCS ở Đà Nẵng đang xã hội hóa để doanh nghiệp đầu tư làm sân bóng đá mini.

Sân bóng đá nằm trong Trường Lý Thường Kiệt (Q.Hải Châu) đang được xây dựng - Ảnh: Phan Thành
Sân bóng đá nằm trong Trường Lý Thường Kiệt (Q.Hải Châu) đang được xây dựng - Ảnh: Phan Thành

Ai hưởng lợi từ chủ trương này, có trường tiểu học cho xây đến ba sân bóng trong khuôn viên trường.

Lâu nay các doanh nghiệp rất e ngại trước lời kêu gọi xã hội hóa đầu tư các công trình thể thao ở trường học vì khó sinh lãi.

Tuy nhiên, khi làn sóng sân bóng đá mini ở Đà Nẵng nở rộ thì các doanh nghiệp bắt đầu nhắm đến các miếng đất “ngon” ở trường học xin hợp tác đầu tư.

Từ nhà đa năng chuyển qua sân bóng

Trong khuôn viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu, Đà Nẵng) giờ đã có ba sân bóng mini do Công ty TNHH TM & DV An Phúc đầu tư khai thác theo mô hình xã hội hóa.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, do nằm ở khu trung tâm TP nên sân bóng này “hút” rất đông dân chơi thể thao là giới cán bộ công chức, sinh viên...

Mỗi ngày sân bóng này mở cửa từ sáng sớm đến chiều tối bất cứ lúc nào khách có nhu cầu. Bà Phan Thị Thu Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, cho biết năm 2012 quận Hải Châu đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sân bóng đá trên diện tích khu đất trống của trường.

Khu đất này rộng gần 3.000m2, là quỹ đất để dành làm nhà đa năng nhưng chưa có kinh phí nên quận đồng ý cho đầu tư xã hội hóa làm sân bóng.

“Ban đầu công ty xin đầu tư hai sân bóng mini và hai sân cầu lông, nhưng sau đó họ lại xin không xây hai sân cầu lông nữa mà chuyển sang làm luôn ba sân bóng.

Thực tế trường chỉ biết thực hiện chủ trương của quận, doanh nghiệp này quận kêu gọi về đầu tư chứ trường cũng không biết” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp kéo dài trong 10 năm. Khi xây sân bóng trường có cái lợi là học sinh được tập luyện, tổ chức các hoạt động thể thao miễn phí.

Ba năm đầu tiên khi sân bóng đi vào hoạt động, doanh nghiệp được khai thác, không phải chia lợi nhuận cho trường.

Bắt đầu từ năm thứ tư đến thứ sáu mỗi năm công ty phải trả cho trường 80 triệu đồng, từ năm thứ bảy đến thứ chín trường được hưởng mỗi năm 90 triệu đồng, năm cuối cùng sẽ được 100 triệu đồng.

“Vì họ mới khai thác chưa được ba năm nên đến nay trường chưa được chia lợi nhuận” - bà Lan cho biết.

Khi được hỏi trong khuôn viên của một trường tiểu học mà xã hội hóa xây tới ba sân bóng có nhiều không, bà Lan nói: “Hơi nhiều nhưng không ảnh hưởng đến quá trình học tập của học sinh.”

Đá lúc học sinh nghỉ

Còn tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu) nhà đầu tư cũng đang tiến hành các bước hoàn thiện hai sân bóng trong khuôn viên trường.

Ông Đỗ Văn Tây, hiệu trưởng Trường THCS Lý Thường Kiệt, cho biết hai sân bóng trên do quận kêu gọi Công ty TNHH TM & DV Hồng Phúc đầu tư theo phương thức xã hội hóa.

“Tuy nhiên về phía nhà trường chúng tôi bàn rất kỹ lưỡng khi ký kết hợp đồng, nếu công ty cho khách thuê trong giờ học sinh đang học thì trường không đồng ý vì sợ ảnh hưởng đến việc học của các em.

Vì vậy, nhà trường chỉ ký hợp đồng với điều kiện công ty chỉ được phép cho khách thuê sân bóng vào thời điểm ngoài giờ giảng dạy và học tập của nhà trường. Còn ngày thứ bảy và chủ nhật thì công ty tự do kinh doanh” - ông Tây nói.

Theo ông Tây, hợp đồng được ký kéo dài 20 năm, trong ba năm đầu kể từ ngày khánh thành sân bóng, trường không được chia lợi nhuận. Bắt đầu từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm trường được công ty chia cho lợi nhuận là 10 triệu đồng.

Sau năm năm tiếp theo hai bên ngồi lại để ký kết hợp đồng thống nhất chia lợi nhuận phù hợp với giá thị trường, bù khoản trượt giá.

Còn tại quận Liên Chiểu, hiện có tới bảy trường tiểu học, THCS đang được UBND quận đề xuất UBND TP Đà Nẵng cho xã hội hóa xây dựng mỗi trường hai sân bóng.

Ông Đinh Kế, phó trưởng Phòng giáo dục và đào tạo quận Liên Chiểu, cho biết vừa qua phòng đã tiến hành khảo sát đo đạc thì có bảy trường còn đất đủ để xây dựng sân bóng.

Sau đó, quận đã họp ra kiến nghị TP cho phép xã hội hóa kêu gọi doanh nghiệp làm sân bóng trong khuôn viên trường. 

“Theo tôi, xã hội hóa là rất tốt, học sinh có điều kiện luyện tập nhưng bây giờ cần tính toán cân bằng lợi ích giữa nhà trường và doanh nghiệp được hưởng.

Và nếu kêu gọi doanh nghiệp làm sân bóng trong khuôn viên trường thì chỉ nên giao cho doanh nghiệp được hoạt động ngoài giờ hành chính. Chứ để doanh nghiệp được cho khách thuê trong giờ học, họ đá bóng sẽ ảnh hưởng đến việc học của học sinh.

Thực tế làm sân bóng có lãi doanh nghiệp mới làm. Hiện tại đa số doanh nghiệp muốn được ký kết với thời gian dài, trên 10 năm, chứ ít hơn thì họ không có lãi” - ông Kế cho biết.

Môn thể thao khác khó thu hồi vốn

Ông Đoàn Ngọc Sơn, phó chủ tịch UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng), cho biết chủ trương xã hội hóa để huy động tiền từ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trong khi Nhà nước chưa có kinh phí xây dựng các cơ sở thể thao ở các trường học là hết sức cần thiết.

Hiện trên địa bàn quận có hai trường đã xã hội hóa để xây dựng sân bóng đá mini. Việc trường có được sân bóng đá cũng là cơ hội để học sinh có điều kiện rèn luyện thể thao. 

“Còn việc phân chia lợi nhuận trong chuyện xã hội hóa thì có sự tính toán để không bên nào bị thiệt. Nhà đầu tư khi xây dựng thì bao giờ cũng phải đảm bảo có yếu tố lợi nhuận thì họ mới làm.

Còn nói một trường xây ba sân bóng cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế hoạt động thể thao tại khu vực đó. Nhà đầu tư cũng cân nhắc, tính toán khi đầu tư công trình thể thao ở trường học, ví như bóng đá thì có người chơi, còn các môn khác thì hơi khó về thu hồi vốn của họ”- ông Sơn nói.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên