25/06/2018 19:04 GMT+7

Rác thải độc hại đổ vào châu Á, cơn sóng thần còn chưa bắt đầu?

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Vài tháng sau khi Trung Quốc siết chính sách nhập khẩu phế thải, các nước châu Á đã nhanh chóng hành động để tránh trở thành bãi rác thay thế. Nhưng cơn sóng thần còn chưa bắt đầu.

Rác thải độc hại đổ vào châu Á, cơn sóng thần còn chưa bắt đầu? - Ảnh 1.

Rác thải điện tử giấu trong container bị phát hiện ở cảng Leam Chabang của Thái Lan - Ảnh: Reuters

Người nước ngoài hưởng tiền trong khi chúng ta đối mặt với ô nhiễm kim loại nặng trong đất lẫn nước

Ông Wirachai Songmetta cảnh báo

Mới đây nhất, Thái Lan đã ra tay hành động. Chính quyền Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha mạnh tay với rác thải điện tử, nhựa trong vài tháng qua với hàng loạt đợt truy quét hoạt động nhập khẩu rác trái phép và mở cuộc điều tra cặn kẽ trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy việc cấm nhập khẩu loại rác thải độc hại này.

Chính trị gia bắt tay doanh nghiệp Trung Quốc

Sở Hoạt động công nghiệp Thái Lan tuần qua đã đình chỉ giấy phép của năm nhà nhập khẩu phế liệu điện tử sử dụng các nhà máy bất hợp pháp để tái chế hơn 14.000 tấn rác thải độc hại và khẳng định sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở rác thải điện tử khác tại các tỉnh như Samut Prakan, Chachoengsao, Chon Buri và Nakhon Pathom.

Trong vụ kiểm tra nhà máy xử lý rác xả nước thải chưa qua xử lý ở Samut Prakan ngày 19-6, các quản lý người Trung Quốc đã bỏ trốn.

Trước đó, cảnh sát tại cảng Laem Chabang ở miền nam Bangkok hồi cuối tháng 5-2018 phát hiện hơn 50 tấn rác nhựa, 22 tấn thiết bị điện tử, bo mạch máy tính... phế thải giấu trong nhiều container hàng và tiến hành cáo buộc ba công ty xử lý chất thải với hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.

Đây chỉ là một số trong hàng loạt vụ bắt giữ và là nguyên nhân khiến Thái Lan mở cuộc điều tra sâu rộng về việc gia tăng nhập khẩu rác thải độc hại thời gian qua.

Theo hải quan Thái Lan, chỉ trong năm tháng đầu năm nước này đã nhập hơn 52.000 tấn rác thải điện tử và 210.000 tấn rác thải nhựa so với 64.000 tấn và 145.000 tấn của cả năm ngoái.

Bangkok Post ngày 24-6 dẫn lời phó cảnh sát trưởng Thái Lan Wirachai Songmetta cho biết bước đầu của cuộc điều tra xác định các hoạt động nhập khẩu rác điện tử thời gian qua có sự bắt tay giữa chính trị gia trong nước và doanh nghiệp Trung Quốc.

Cụ thể, các quan chức này đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc giành đất xây dựng nhà máy tái chế rác thải, nhập máy móc cũ kỹ từ Trung Quốc và dùng quyền lực đe dọa chính quyền địa phương muốn kiểm tra những nhà máy này.

Có công ty được cấp đến 15 giấy phép nhập rác. Theo thống kê, toàn bộ bảy nhà máy tái chế rác thải của nước này đều do người Trung Quốc điều hành và năm trong số đó hoạt động trái phép. Một số thậm chí thuê kế toán Thái Lan để né thuế.

Do đó, Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwon mới đây đã nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan từ Bộ Tài nguyên thiên nhiên, Công nghiệp, Nội vụ, Cơ quan kiểm soát ô nhiễm, hải quan cho đến cảnh sát tìm cách nhanh chóng cấm nhập khẩu rác thải điện tử, rác độc hại.

Nhập khẩu rác thải là một công việc béo bở. Tại Thái Lan, một container rác được trả hơn 1.000 USD. Số rác này sẽ được các nhà máy xử lý để thu các kim loại quý như vàng, đồng và thiêu những phần vô dụng. Trong khi đó, hải quan nước này xử lý rất nhẹ với hình phạt chỉ 600 USD và yêu cầu chuyển rác về nước xuất khẩu. Trên toàn cầu, ngành rác thải trị giá đến 55 tỉ USD vào năm 2016.

Trước mắt, Bangkok sẽ siết chặt hơn việc giám sát nhập khẩu rác.

Đắp đê ngăn cơn lũ rác

Tổ chức Mạng lưới hành động Basel (BAN) cảnh báo đây có thể chỉ là dấu hiệu đầu tiên của cơn sóng thần rác thải chuyển hướng từ Trung Quốc vào Đông Nam Á và Nam Á.

"Cần có những đạo luật mới hoặc áp dụng triệt để hơn luật hiện hành để ngăn việc nhập khẩu rác trái phép" - giám đốc BAN Jim Puckett nói, kêu gọi các nước châu Á nhanh chóng áp dụng các chính sách kiểm soát biên giới chặt chẽ tương tự như Trung Quốc nếu không muốn trở thành bãi rác thay thế.

Đến nay, chỉ có một số quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia đã phê chuẩn Công ước Basel mới về cấm xuất khẩu rác thải trong khi phần lớn các nước châu Á còn lại như Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia, Myanmar, Lào đều chưa phê chuẩn.

Dù vậy, các nước cũng đã nhanh chóng đắp đê ngăn cơn lũ rác, không chỉ có rác điện tử mà còn chất thải nhựa. Tại Việt Nam, nhiều cảng lớn đã tuyên bố ngưng nhập rác nhựa trong bốn tháng kể từ cuối tháng 6-2018.

Trong khi đó, Indonesia đã bắt đầu kiểm tra toàn bộ việc nhập khẩu rác thải nhựa và giấy sau khi chứng kiến lượng nhập khẩu tăng mạnh từ đầu năm.

Còn Malaysia tạm ngưng cấp phép nhập khẩu phế thải nhựa vào cuối tháng 5-2018 và bắt đầu xem xét lại chính sách liên quan đến nhập khẩu chất thải này. Thái Lan trong thời gian qua cũng bắt giữ hàng chục tấn rác thải nhựa nhập khẩu trái phép từ các nước.

World Cup 2018: Fan Nhật và Senegal chung tay dọn rác sau trận đấu World Cup 2018: Fan Nhật và Senegal chung tay dọn rác sau trận đấu

TTO - Một lần nữa, tinh thần kỷ luật và ngăn nắp của các cổ động viên Nhật lại nhận được sự khen ngợi từ dư luận quốc tế sau trận đấu hấp dẫn Nhật Bản - Senegal ngày 24-6.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên