24/06/2019 08:40 GMT+7

Ra trường kiếm việc làm đầu tiên đã khó, trụ lại còn khó hơn

RA NY
RA NY

TTO - Từ môi trường học đường bước sang môi trường làm việc, không ít bạn trẻ chưa thích ứng kịp, cộng với quá nhiều rắc rối không biết giải quyết ra sao nên dễ chông chênh giữa làm tiếp hay nghỉ.

Ra trường kiếm việc làm đầu tiên đã khó, trụ lại còn khó hơn - Ảnh 1.

Văn phòng là nơi có nhiều niềm vui nhưng cũng có thể khiến bạn "đau đầu" - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

"Người ta nói công việc đầu tiên giống như mối tình đầu, mình nghỉ việc mà buồn như sắp chết. Nhưng làm tiếp chỗ đó thì không chịu nổi" - M.P. (23 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) nhớ lại khi nghỉ việc lần đầu tiên.

Tạm biệt "mối tình đầu" vì... không biết sống sao 

Tốt nghiệp bộ môn lưu trữ học - quản trị văn phòng, sau 2 tháng nộp hồ sơ các nơi, P. được nhận vào thử việc thư ký hành chính tại một công ty chuyên về vận chuyển hàng hóa đi quốc tế.

"Công việc của mình tại văn phòng ban đầu bên nhân sự có thái độ khá thân thiện, nói là chỉ tập trung xử lý các loại công văn và thông báo lịch họp cho trưởng phòng", P. kể. Nhưng sang tuần tiếp theo, P. thấy như một núi công việc đổ xuống: một loạt công văn, ghi biên bản họp, quản lý danh sách cán bộ và nhân viên, lập kế hoạch nghỉ mát, lãnh tiền quà để phân phát cho nhân viên mỗi dịp lễ, mua văn phòng phẩm… 

Chưa kể các chị ở phòng ban khác như văn phòng, phòng nhân sự cứ thấy mặt P. lại gọi "em ơi chị nhờ tí". Lúc họ nhờ đưa giúp giấy tờ, lúc nhờ xem danh sách lãnh thưởng...

"Việc của mình là thư ký hành chính, nhưng lại làm tất cả việc lặt vặt của các phòng ban. Ức chế nhất là giữa trưa, có anh nhắn tin trách tại sao không đưa văn phòng phẩm cho ảnh, có chị nửa đêm nhắn báo mai nghỉ họp…", P. nói.

Nghĩ rằng mình mới ra trường, P. cố gắng nhẫn nại. Nhưng mỗi ngày lượng công việc lại nhiều thêm, ai gặp cũng sai vặt, cô quyết định nghỉ. "Lúc mình nghỉ, mấy chị đồng nghiệp nói sao không ráng làm, sau này có nhân viên mới thì em đỡ cực. Nhưng mình thấy môi trường như vậy không chuyên nghiệp nên nghỉ luôn", P. nói.

Còn Đình Thắng (24 tuổi, nhân viên kinh doanh một công ty tin học tại Q.6, TP.HCM) cho biết cũng đang hoang mang vì không biết nên nghỉ hay làm tiếp. Thắng tốt nghiệp loại khá đúng chuyên ngành công ty cần nhưng điểm yếu của anh là giao tiếp.

"Vô công ty, dù rất muốn làm quen với mọi người, gặp ai tôi cũng chỉ gật đầu chào, không biết nói gì. Có lần cùng cả phòng liên hoan, sếp mời bia, nhưng tôi từ chối vì thực sự không uống được. Tan sở tôi lẳng lặng đi về vì ngại tám chuyện", Thắng kể.

Vài lần trưởng phòng nhờ soạn thảo kế hoạch kinh doanh trong quý, Thắng "dạ dạ" rồi cuối cùng soạn quá sơ sài. "Tôi cũng muốn hỏi lại kỹ hơn, nhưng sợ sếp quạu nên nghĩ rằng cứ soạn rồi bổ sung sau. Ai ngờ sếp phê bình một tràng. Từ lần đó tôi lại càng nhát, ngại chuyện trò", Thắng kể.

Xác định sống chung lâu dài để hạn chế chia tay sớm 

Gắn bó 11 năm với chỗ làm hiện nay, anh Nguyễn Phúc (37 tuổi, giám đốc chi nhánh một tập đoàn viễn thông tại TP.HCM) cho biết anh cũng từng trầy trật ở chỗ làm cũ là một công ty xăng dầu. 

Ra trường kiếm việc làm đầu tiên đã khó, trụ lại còn khó hơn - Ảnh 2.

Để trụ vững ở nơi làm việc, trước hết nên xác định gắn bó lâu dài - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

"Lúc mới ra trường, do có ngoại hình tôi được vô nhóm tìm mối làm ăn cho công ty. Công việc đòi hỏi khả năng giao tiếp, thuyết phục người ta, lại hay đi xa, môi trường làm việc khá bỗ bã nên tôi thấy không hợp. Nhưng lúc đó đang cần tiền, tôi ráng làm gần 3 năm mới nghỉ", anh Phúc nói.

Qua công ty mới, mọi thứ quy củ và nhân viên đông nên anh Phúc nhanh chóng thích ứng theo kiểu mỗi người một việc. Anh kể: "Ban đầu tôi làm nhân viên kinh doanh, ngày nào cũng đi theo dõi việc mở đại lý sim card, tiếp thị sản phẩm, làm việc nhóm… Cũng có lúc công việc không như ý, quá tải, nhưng tự nhủ đây là tập đoàn lớn, nhiều cơ hội, tôi luôn cố gắng".

Theo anh Phúc, khi đã xác định gắn bó lâu dài, mỗi người sẽ có động lực làm việc hơn. Từ đó, những chuyện bỡ ngỡ nơi công sở cũng sẽ thành chuyện nhỏ. 

"Phải làm thêm việc của người khác, bị sếp la rầy, công việc quá áp lực, bạn nên suy nghĩ xem mình có cần công việc này và có thích hay không. Bạn cũng nên cân nhắc các yếu tố như thu nhập, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc… để làm tiếp hay bỏ việc", anh chia sẻ.

Còn chị Thanh Hiên (30 tuổi, trưởng nhóm truyền thông Công ty Dược phẩm MK, Hà Nội) cho biết chị gắn bó với công việc này cũng đã 6 năm. "Lời khuyên của tôi đơn giản chỉ là bạn trẻ cần xác định có hợp với công việc đang làm không, từ đó sẽ có cách giải quyết những vấn đề khác", chị nói. 

"Hợp" ở đây là có năng lực và yêu thích công việc. Theo chị Hiên, bạn trẻ nên cố gắng học cách giao tiếp hòa nhã, khiêm tốn, kiên trì học hỏi đồng nghiệp lớn tuổi để nhanh thạo việc. 

Chị chia sẻ: "Trong công ty, các sếp thường chỉ quan tâm hiệu quả công việc. Bạn trẻ đừng nên có thuyết âm mưu rằng mình bị trù dập, sếp không ưa, quen biết thì mới được cưng… Ai cũng nên làm tốt công việc ngay từ đầu cho mọi người thấy năng lực của mình trước".

Môi trường nào cũng không đánh giá cao người hay buôn chuyện, hóng hớt, không biết giúp đỡ đồng nghiệp, không chịu trau dồi chuyên môn. "Vì vậy, trước khi đổ lỗi cho xung quanh, bạn trẻ nên tự hỏi thất bại một phần cũng do mình hay không", chị Hiên nói.

Theo anh Nguyễn Phúc, quỹ thời gian của bạn trẻ mới ra trường còn dư dả. "Vì vậy bạn đừng ngại thử sức ở nhiều công việc. Thất bại ở công việc đầu tiên không là gì cả. Nếu suy nghĩ tích cực, thất bại đó sẽ giúp bạn rút kinh nghiệm ở nơi làm việc mới. Đừng chán đời, suy sụp hoặc hoài nghi về cuộc đời, năng lực của mình chỉ qua lần vấp ngã đầu tiên này", anh chia sẻ.

Ngay từ khi còn sinh viên, các bạn trẻ nên thử sức với những công việc làm thêm vừa sức. Theo anh Phúc, bạn trẻ đừng xấu hổ với công việc đó, có thể là nhân viên phục vụ, bán hàng online, tiếp thị sản phẩm, công việc soạn thảo văn bản… Quá trình này sẽ giúp bạn trẻ tiếp xúc với môi trường mà sau này sẽ va chạm khi đi làm, từ đó tự tin hơn và cũng không bị ảo tưởng.

Bạn có những câu chuyện muốn chia sẻ về cuộc sống nơi công sở? Mời bạn gửi email về tto@tuoitre.com.vn. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Những thói quen quý cô văn phòng nên từ bỏ sớm để tránh mệt mỏi Những thói quen quý cô văn phòng nên từ bỏ sớm để tránh mệt mỏi

Ngồi bắt chéo chân, gõ mạnh tay vào bàn phím… là những thói quen mà các quý cô công sở cần tránh nếu không muốn tiếp tục bị mệt mỏi, căng thẳng.

RA NY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên