17/01/2015 00:10 GMT+7

​Rà soát toàn bộ các cơ sở nuôi động vật hoang dã

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Đây là một trong những giải pháp của Bộ NN&PTNT nhằm đảm bảo tính mạng, an toàn của người dân trước tình trạng nhiều cơ sở nuôi động vật hoang dã không thực hiện đúng quy trình về quản lý động vật.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay nhiều cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ như voi, hổ, gấu, cá sấu, trăn, rắn trên toàn quốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, không thực hiện đúng các quy trình về quản lý, nuôi, chăm sóc… đã đe dọa đến tính mạng, an toàn của người dân, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng.

Đặc biệt, có một số cơ sở đã để động vật hoang dã tấn công gây thương vong cho người.

Việc quản lý các cơ sở này có nơi còn buông lỏng, chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Hiện tượng vi phạm các quy định về quản lý, buôn bán, sử dụng mẫu vật động vật hoang dã diễn biến phức tạp ở một số địa phương.

JAcPqV2S.jpg

Để ngăn chặn có hiệu quả những rủi ro trong hoạt động nuôi động vật hoang dã hung dữ, thực thi nghiêm những quy định của pháp luật về quản lý các trại nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương tập trung thực hiện các giải pháp tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý các trại nuôi, hoạt động mua bán, sử dụng động vật hoang dã.

Thứ nhất, cần tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở nuôi động vật hoang dã hung dữ, đặc biệt là đối với những loài như voi, hổ, gấu, cá sấu, trăn, rắn trên địa bàn, bao gồm cả những cơ sở là vườn thú, biểu diễn xiếc.

Kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký trại nuôi và tịch thu những cá thể động vật hoang dã hung dữ của những cơ sở không đảm bảo yêu cầu về an toàn, tiêu chuẩn chuồng trại theo quy định.

Thứ hai, các địa phương cần quy hoạch các cơ sở nuôi động vật hoang dã trên địa bàn, từng bước di dời các trại nuôi động vật hoang dã hung dữ ra khỏi khu dân cư và những nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai, làm động vật sổng ra khỏi môi trường có kiểm soát.

Thứ ba, địa phương cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, nuôi, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép động vật hoang dã.

Cùng với đó các địa phương cần sớm ban hành quy định cụ thể về điều kiện nuôi các loài động vật hoang dã, trong đó có các biện pháp phòng ngừa rủi ro phù hợp với thực tế địa phương và các quy định của pháp luật; chủ động ứng phó kịp thời với tình trạng động vật tấn công người hoặc thoát khỏi môi trường có kiểm soát.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên