Từ trái qua: Hà Văn Đông, Phạm Nguyễn Huy và nhiếp ảnh gia Ân Nguyễn trong buổi giới thiệu sách giữa tháng 8 tại TP.HCM - Ảnh: M.T. |
Câu chuyện của Cuộc sống và khát vọng là một hành trình theo chân Hà Văn Đông - một nghệ sĩ khiếm thị đầy tài năng, mê nhạc rock và có nghị lực tuyệt vời theo đuổi con đường âm nhạc.
Đây cũng là dự án tiếp theo mà những người trẻ của dự án Lighthouse Việt Nam - một dự án mang nghệ thuật, kỹ năng và niềm cảm hứng tươi mới đến với những người khiếm thị.
Lighthouse và khát vọng của những thủ lĩnh trẻ
18 tuổi, Phạm Nguyễn Huy làm người khác tò mò tự hỏi: Liệu trong vẻ thư sinh ấy, chàng trai này có thể làm được gì? Học piano từ năm 5 tuổi, Huy có thể chơi đàn một cách thuần thục. Biết cách dẫn dắt, kể những câu chuyện làm người đối diện háo hức muốn nghe và đầy tự tin khi nói về Lighthouse - Ngọn hải đăng đầy khát vọng của những người trẻ tuổi.
Lighthouse ra đời vào mùa hè năm ngoái khi Huy từ Mỹ về thăm gia đình. Thời gian rảnh rỗi, anh chàng theo bạn ghi tên tham gia làm tình nguyện viên cho một tổ chức hỗ trợ người khiếm thị tại các trung tâm khiếm thị lớn trong thành phố.
“Tôi nhận thấy đây là một chương trình rất hay - Huy kể - Tuy nhiên, có một điều làm tôi suy nghĩ: những chương trình này đều tập trung ở các trung tâm lớn, được nhiều người biết đến, nhiều mạnh thường quân hỗ trợ.
Vậy những mái ấm ở xa hoặc mới thành lập, họ phải xoay xở ra sao? Ý tưởng này đã thôi thúc tôi sáng lập Lighthouse. Rủ rê thêm bạn bè, chúng tôi đã có những chuyến đi đầu tiên đến với hai mái ấm Nhật Hồng ở Thủ Đức và Thiên Ân ở quận Tân Phú, TP.HCM”.
Mỗi cuối tuần trong suốt gần hai tháng hè năm ấy, Huy và những người bạn đã “khăn gói” lên đường để thưởng thức ngày cuối tuần theo cách riêng của mình. Họ dạy tiếng Anh, dạy hát, dạy đàn, chơi các trò chơi vận động với các lớp khiếm thị (hoặc đa tật) từ bé đến lớn. “Trước đây tôi không có kinh nghiệm gì khi làm việc với người khiếm thị.
Nhưng dần dần mình cứ vừa làm vừa học hỏi. Các em rất hòa đồng nhưng cũng rất... mau chán nên phải làm mọi cách để những giờ sinh hoạt với Lighthouse thực sự sinh động. Một kỷ niệm tôi nhớ mãi là dạy học mệt quá, tôi và mấy người bạn mới ra sân chơi đá bóng.
Lúc đó các em cũng ùa ra và đòi chơi chung! Chúng tôi không biết làm sao để chơi chung đây? Nghĩ một lúc tôi quyết định là sẽ dìu các em chơi. Vừa chơi mình vừa hát, vừa ôn lại những từ tiếng Anh đã học. Tôi dạy các em những kỹ năng, còn các em dạy tôi bài học về lòng kiên nhẫn. Đó là mùa hè tôi cảm thấy mình trưởng thành nhất từ trước đến giờ” - Huy nói.
Để sống một cuộc đời bình thường
Đêm nhạc Giai điệu Giáng sinh do Lighthouse tổ chức tại Nhạc viện TP.HCM mùa Giáng sinh 2015 đã thu về hơn 57 triệu đồng từ sự đóng góp của những mạnh thường quân. Toàn bộ số tiền ấy được Huy sử dụng trao thành những phần học bổng về âm nhạc cho những học viên khiếm thị tại các mái ấm.
Số tiền ấy có thể chưa lớn nhưng là những viên gạch đầu tiên để Huy nhận ra Lighthouse là dự án mà chàng trai 18 tuổi này sẽ dùng tuổi trẻ, sự nhiệt thành và sáng tạo của mình để truyền đi những cảm hứng sống mạnh mẽ cho người khiếm thị, chứ không chỉ là việc làm từ thiện theo kiểu “con cá và cần câu”.
Huy nói điều này khi tự hào khoe anh Hà Văn Đông, nhân vật chính của cuốn sách ảnh, đang chăm chỉ học tiếng Anh để chuẩn bị cho một chương trình ca nhạc sẽ được tổ chức tại California (Mỹ) vào tháng 10 năm nay, trong đó anh là một nghệ sĩ được mời sang trình diễn.
Riêng sách ảnh Cuộc sống và khát vọng lần này được Huy thực hiện bằng ba ngôn ngữ: tiếng Việt, tiếng Anh và chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị, hiện đã được tặng miễn phí đến một số trung tâm khiếm thị tại TP.HCM như Thiên Ân, Nhật Hồng... để làm điều anh luôn ấp ủ: giúp người khiếm thị cảm thấy họ hoàn toàn có quyền ước mơ, khao khát và sống một cuộc đời bình thường như tất cả mọi người.
Phạm Nguyễn Huy chia sẻ nếu không theo chân Hà Văn Đông thực hiện cuốn sách lần này, anh sẽ không biết người khiếm thị giờ đây có thể di chuyển chủ động hơn bằng những phần mềm gọi xe ôm dành riêng cho họ và có thể phân biệt được các mệnh giá tiền khi mua sắm nhờ các ứng dụng thông minh...
“Kiếm tiền bằng chính thực lực của mình mà không phụ thuộc vào bất kỳ sự thương hại nào” như lời Đông nói, là điều khiến một người sáng mắt như Huy nể phục và mong mỏi được lan tỏa đi cảm hứng tích cực ấy đến cộng đồng người khiếm thị.
Nói về tính hiệu quả từ những dự án của Lighthouse, thầy Nguyễn Quốc Phong - người sáng lập và điều hành mái ấm Thiên Ân - chia sẻ: “Mùa hè năm ngoái và năm nay, Huy và các bạn của em đều chăm chỉ đến dạy tiếng Anh, trao học bổng về âm nhạc, dạy cho các bạn khiếm thị kỹ năng làm toán. Tôi ngạc nhiên vì Huy và Lighthouse đều là những thành viên còn rất trẻ nhưng sự hăng hái, những bài học mà các em truyền đi đã giúp cho những học viên khiếm thị không những có thêm kiến thức mà còn có thêm niềm tin mình cũng có thể tự lập, tự đi trên đôi chân của chính mình như tất cả mọi người”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận