Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp (bìa phải) cùng TS Nguyễn Thị Hậu và ông Tim Doling tại buổi giao lưu. Ảnh: L.Điền |
Vừa về Việt Nam từ Úc, tác giả Nguyễn Đức Hiệp cùng hai người bạn là TS Nguyễn Thị Hậu và ông Tim Doling vừa giới thiệu loạt sách viết về Sài Gòn - Chợ Lớn, vừa chia sẻ những quan niệm về bảo tồn di sản đô thị.
Sài Gòn - Chợ Lớn Thể thao và báo chí trước 1945 là quyển sách thứ ba sau hai quyển Sài Gòn - Chợ Lớn qua những tư liệu quý trước 1945 và Sài Gòn - Chợ Lớn ký ức đô thị và con người, đều do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành từ đầu năm 2016.
Thật thú vị khi tiếp cận những trang sách của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, không chỉ có ngồn ngộn tư liệu, mà độ khả tín được diễn đạt bằng cách hành văn mềm mại dễ chịu khiến nhiều người dự giao lưu sực nghĩ rằng: Giá như các vấn đề lịch sử cũng được diễn đạt kiểu thế này hẳn tình hình học sử của học sinh chúng ta đã khác đi nhiều.
Sách do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành - Ảnh: L.Điền |
Câu chuyện về các bộ môn thể theo tại Sài Gòn hồi trước 1945 như thế nào, đề tài thật thú vị nhưng lâu nay ít ai chuyên tâm biên khảo như nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp.
Đọc tập sách này, mới biết đội banh tròn đầu tiên của người Việt được thành lập năm 1908, tên là Gia Định Sport.
Không những là cái nôi của bóng đá ở Việt Nam, đọc những trang sưu khảo về Hàng không thuở ban đầu: Môn thể thao mới, mới biết Sài Gòn là nơi có chuyến bay đầu tiên trong cả khu vực Đông Á. Đó là vào ngày 10-12-1910, phi công người Bỉ Charles Van den Born là người đầu tiên cất cánh bay trên chiếc máy bay Farman IV ở trường đua Sài Gòn. Đây là chuyến bay hàng không đầu tiên ở Đông Á.
Từ thông tin này, một số bạn đọc tại buổi giao lưu đã gợi ra ý tưởng rằng có thể sử dụng thông tin trên cho việc quảng bá ngành hàng không Việt Nam hoặc chí ít cũng quảng bá tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay.
Nhà nghiên cứu Tim Doling - người từng tích cực vận động bảo tồn thương xá Tax - nhận định rằng các di sản của Sài Gòn - Chợ Lớn đang mất dần đi do hư hại, và các công trình sách của ông Hiệp sẽ giúp các thế hệ người Việt sau này biết đến một Sài Gòn trong lịch sử qua các thông tin và hình ảnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận