15/10/2015 08:55 GMT+7

Quyết trở lại giảng đường

LAM GIANG - DOÃN HÒA
LAM GIANG - DOÃN HÒA

TT - “Quyết chí trở lại giảng đường” là tâm nguyện của Nguyễn Thị Tân và Lê Thị Hạnh. Họ đã từng một lần gác lại ước mơ khi cánh cửa ĐH mở ra vào năm ngoái.

Nguyễn Thị Tân học bài trên căn gác xép của nhà trọ - Ảnh: L.Giang
Nguyễn Thị Tân học bài trên căn gác xép của nhà trọ - Ảnh: L.Giang

Nhưng khi cả hai xác định chỉ có việc học mới có thể đem lại tương lai tốt hơn, họ đã nỗ lực thực hiện chí hướng của mình.

Phận mồ côi đến trường

Lọt lòng mẹ được hơn bảy tháng tuổi thì cha mẹ và chị gái Nguyễn Thị Tân, tân sinh viên khoa sư phạm toán Trường ĐH Quảng Bình, mất trong một vụ tai nạn giao thông, Tân được ông bà ngoại ẵm về nuôi trong tiếng khóc đòi sữa ngằn ngặt. Khi Tân 7 tuổi thì ông ngoại mất, vậy là hai bà cháu nương tựa vào nhau trong căn nhà nhỏ ở thôn Nam Thủy, xã Quảng Thủy (thị xã Ba Đồn, Quảng Bình).

Từ khi học THCS và THPT Tân đã cùng bà ngoại làm ruộng, trồng rau lấy cái ăn và chằm nón bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày...

Năm 2014 Tân đã một lần trúng tuyển ĐH nhưng vì không có tiền theo học, và cũng để báo đáp phần nào cho bà ngoại đã 85 tuổi nên Tân quyết định không nhập học mà một mình lặn lội vào Bình Dương làm việc. Sau sáu tháng chăm chỉ với công việc dán keo lắp ghép bàn và tủ, khoản tiền thu nhập được, sau khi trừ mọi chi phí, Tân lận lưng được hơn 6 triệu đồng và trở về quê ôn thi ĐH.

Năm nay Tân trúng tuyển vào khoa sư phạm toán Trường ĐH Quảng Bình. Cầm giấy báo nhập học, một lần nữa Tân lại phân vân không biết là nên đi học hay ở nhà kiếm việc làm ăn để nuôi thân và phụng dưỡng bà ngoại.

Vì số tiền hơn 6 triệu đồng có được từ Bình Dương Tân đưa cho bà ngoại đã chi ra khá nhiều cho cuộc sống hằng ngày của hai bà cháu. Bà ngoại thương Tân cứ khóc mãi, rồi cũng động viên Tân cứ nhập học, đến đâu xoay đến đó. Vậy là cô tân sinh viên Nguyễn Thị Tân khăn gói vào TP Đồng Hới nhập học với khoản tiền hơn 1,5 triệu đồng mà hai bà cháu chắt bóp được.

Để theo đuổi bốn năm ĐH, với Tân, không có con đường nào khác là phải kiếm việc làm ngoài giờ học. Tân cho biết: “Mấy ngày qua tôi đi kiếm việc làm ở vài quán ăn và cà phê rồi nhưng chưa có chỗ nào làm được, vì họ cần người vào thời gian từ 6 - 10g sáng, mà thời gian đó tôi lại có lịch học”.

“Giải pháp” trước mắt của Tân khi chưa kiếm được việc làm là: “Chắc phải ra quê mượn tạm vài trăm ngàn đồng từ bà con họ hàng đã, rồi đi tìm việc làm vào thời gian buổi trưa hoặc buổi tối...” - Tân buồn buồn nói.

Lê Thị Hạnh chăm sóc bò, tài sản lớn nhất của hai mẹ con từ quà tặng của một chương trình từ thiện. Mẹ muốn bán bò cho Hạnh đi học, nhưng cô nói sẽ cố gắng để giữ lại tài sản quý đó - Ảnh: D.Hòa
Lê Thị Hạnh chăm sóc bò, tài sản lớn nhất của hai mẹ con từ quà tặng của một chương trình từ thiện. Mẹ muốn bán bò cho Hạnh đi học, nhưng cô nói sẽ cố gắng để giữ lại tài sản quý đó - Ảnh: D.Hòa

Tin vào con đường đã chọn

“Tôi định bỏ học để đi làm thuê kiếm tiền phụ mẹ nhưng chỉ có con đường học hành mới mong thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ước mơ của tôi là được trở thành một bác sĩ giỏi...”.

Đó là những dòng tâm sự xúc động của cô tân sinh viên ĐH Y khoa Vinh Lê Thị Hạnh ngụ xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) trong bức thư gửi Tuổi Trẻ.

Nhà chỉ có hai mẹ con, hơn một sào ruộng khoán mùa được mùa mất không đủ sống nên bà Lê Thị Kiểu (46 tuổi) phải đắp đổi bằng đủ thứ nghề, từ gặt lúa thuê, cấy hái thuê, bốc gạch...

Tuổi thơ của Hạnh là những ngày đói khổ, thiếu thốn đến cùng cực. Năm Hạnh 8 tuổi, bà Kiểu dắt con đi ở thuê cho một gia đình tại thị trấn Hương Khê (Hà Tĩnh). Hạnh 15 tuổi, bà Kiểu gửi con ở quê rồi đến TP Vinh (Nghệ An) làm thuê.

Năm ngoái, Hạnh thi đậu vào ngành khoa học máy tính Trường ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội) nhưng không thể đến trường vì không có tiền. Thương mẹ, Hạnh quyết định không nhập học mà đi làm “ôsin”.

“Tôi ở cho nhà người ta. Ngày thì trông trẻ, làm việc nhà, tranh thủ ban đêm và những lúc rảnh rỗi để học bài, ôn thi...” - Hạnh ngậm ngùi kể. Những lúc đuối sức, Hạnh mang tờ giấy báo nhập học của Trường ĐH Kinh tế quốc dân ra để động viên mình không được gục ngã.

“Khó trăm bề cũng phải lần cho ra để nó đi học. Đời mình khổ rồi, đời nó còn dài lắm. Mình không nỡ để nó phải bỏ học nữa, lại quanh quẩn với đói nghèo như tôi...” - bà Kiểu quả quyết. Nhưng khoản tiền vay sửa nhà chưa trả hết, đến cái ăn còn phải chạy vạy hằng ngày thì lấy đâu ra tiền cho con nhập học, rồi tiền trọ, tiền ăn... Bao nhiêu câu hỏi bủa vây người mẹ khốn khó.

Khoản tiền hơn 6 triệu đồng bà Kiểu vay mượn cho con chỉ đủ đóng học phí, mua sách vở, tiền nhà trọ... Bởi vậy nên sau khi nhập học một tuần, Hạnh xin đi làm thêm cho một quán ăn với mức lương hơn 1 triệu đồng.

Hằng ngày, cứ mỗi buổi chiều cô tân sinh viên với dáng người gầy yếu lại đều đặn đạp xe đến quán làm thêm. “Mỗi ngày tôi đi làm thêm đến hơn 10g đêm mới về đến phòng trọ. Công việc làm thêm tuy vất vả nhưng tôi sẽ cố gắng bởi tôi tin con đường mà mình đã lựa chọn” - Hạnh tâm sự.

Sáng 16-10, chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 407 của báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tại TP Vinh (Nghệ An) với lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” (7 triệu đồng/suất) dành cho 121 tân sinh viên vượt khó bốn tỉnh Bắc Trung bộ.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, sở GD-ĐT bốn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình tổ chức, được tài trợ từ Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ và Công ty Golf Long Thành phối hợp tổ chức).

LAM GIANG - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên