09/09/2016 08:13 GMT+7

Quyết liệt làm mới ngăn được ô nhiễm

XUÂN LONG - D.N.HÀ ghi
XUÂN LONG - D.N.HÀ ghi

TTO - Từ lời kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã có mong chờ về sự quyết liệt từ chối các dự án có khả năng gây ô nhiễm và xử lý nhanh nhà máy đang gây ô nhiễm.

Nhà máy ximăng Hà Tiên, Q.Thủ Đức, TP.HCM gây ô nhiễm nên buộc phải di dời -  Ảnh: HỮU THUẬN
Nhà máy ximăng Hà Tiên, Q.Thủ Đức, TP.HCM gây ô nhiễm nên buộc phải di dời - Ảnh: HỮU THUẬN

* GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN):

Xác định rõ trách nhiệm tiên phong

Trong kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường, Thủ tướng đã nêu rất rõ bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình phát triển và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, điều này rất đúng nhưng tôi cho rằng cần xác định rõ trách nhiệm tiên phong của một số đơn vị.

Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nêu rất rõ không vì tăng trưởng kinh tế mà đánh đổi môi trường hay nghiêm cấm nhập khẩu công nghệ lạc hậu, triển khai dự án có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, tôi nghĩ từng bộ, ngành, địa phương, từng người đứng đầu các đơn vị phải thấm nhuần trách nhiệm này.

Mỗi cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm phải thể hiện rõ trách nhiệm riêng, trách nhiệm của người đứng đầu với vấn đề ngăn chặn ô nhiễm môi trường xuyên suốt từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án.

Trong xem xét cho nhập khẩu, như với nhập khẩu công nghệ sản xuất vào VN, hiện nay trách nhiệm này là của Bộ Công thương, nhưng quản lý chuyên sâu về khoa học - công nghệ là Bộ Khoa học - công nghệ.

Tôi cho rằng với thực tế là một nước đang phát triển, mình đi sau vừa có lợi thế nhìn thấy được bài học về công nghệ sản xuất từ những nước đã phát triển nhưng cũng là thách thức, là nơi mà nhiều nước muốn thải bỏ công nghệ lạc hậu vào, vì vậy Bộ Công thương và Bộ Khoa học - công nghệ phải thể hiện rõ trách nhiệm trong kiểm tra, kiểm soát với tất cả công nghệ sản xuất khi đưa vào VN, phải chặn được những công nghệ mà các nước đã phát triển muốn thải đi.

Nếu để lọt những công nghệ lạc hậu vào thì người đứng đầu các bộ, ngành, các đơn vị quản lý về lĩnh vực phải chịu trách nhiệm.

Trách nhiệm riêng cũng phải thể hiện rõ trong quản lý, thu hút đầu tư, đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch - đầu tư.

Việc này, Thủ tướng đã nêu không thu hút đầu tư bằng mọi giá, phải chú trọng tiêu chí môi trường, vì thế với bất kể một dự án nào thì vấn đề môi trường cần phải đặt lên đầu tiên và bộ hãy thẳng thắn từ chối những dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Quan trọng và phải rõ hơn cả là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường khi quản lý toàn diện về lĩnh vực. Trách nhiệm này phải thể hiện từ việc đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, đánh giá môi trường chiến lược đến việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động về môi trường.

Hiện nay việc kiểm tra, giám sát chấp hành bảo vệ môi trường dù được thực hiện xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, tuy nhiên thực tế việc kiểm soát môi trường chưa ổn, chưa quyết liệt.

Có những chỗ ô nhiễm nghiêm trọng nhưng chưa quyết liệt xử lý, tôi nghĩ trong kiểm tra, kiểm soát đến lúc cần thiết phải đóng cửa những cơ sở sản xuất liên tiếp gây ô nhiễm, liên tiếp tái vi phạm.

* Bà Lê Thị Sờ (tổ 4, khu phố 4, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM):

Dân nghe hứa nhiều rồi, mong chính quyền làm đi

Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm ở khu phố 4, khu phố 5 có giảm nhưng không được bao nhiêu. Ngày thứ bảy, chủ nhật khói bụi từ các cơ sở công nghiệp bay ra nhiều hơn.

Còn sáng thứ hai mùi hóa chất, mùi nước thải nồng nặc hơn những ngày khác. Bàn, ghế, tủ trong nhà lau buổi sáng thì buổi chiều phủ bụi lại, trong bụi còn có chất gì đó như dầu, mỡ phải lau bằng xà phòng mới sạch.

Cứ mỗi lần họp tổ dân phố, khu phố là bà con lại phản ảnh chuyện ô nhiễm, yêu cầu Nhà nước sớm di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp giấy, dệt, nhuộm... gây ô nhiễm ở khu vực này.

Tuy nhiên, tôi nghe chính quyền nói và các cơ sở cũng hứa di dời từ nhiều năm nay mà đâu vẫn vô đó, quá thời gian hứa lại nghe các doanh nghiệp xin gia hạn thời điểm di dời.

Đầu năm nay, chúng tôi được thông báo cuối năm 2016 các cơ sở sẽ di dời hết, đến nay lại nghe gia hạn đến hết năm 2017. Liệu có khả năng gia hạn đến 2018, 2019... hay không? Các bên đưa ra mốc thời gian rồi gia hạn, lùi lại hoài khiến chúng tôi mất lòng tin.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phải di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư là hợp lý hợp tình và cần thiết. Chúng tôi sống trong ô nhiễm nhiều năm nay, khổ sở vì hằng ngày bị khói bụi, mùi hôi hành hạ nên tôi rất ủng hộ chỉ đạo của Thủ tướng.

Mong các cấp dưới, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo này để bà con chúng tôi sớm thoát khỏi ô nhiễm.

Cùng hành động để sống sạch, sống lành

“Tổ đọc báo” của xóm nhỏ chúng tôi ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TP.HCM) sáng nay có chút xôn xao với câu chuyện đăng ở báo Tuổi Trẻ: Thủ tướng kêu gọi chung tay bảo vệ môi trường. Ai cũng nói bảo vệ môi trường đúng là chuyện cấp bách, bây giờ là lúc phải quyết liệt hành động.

Ông Hùng “giáo sư” (ông Đỗ Văn Hùng) lên tiếng: “Tui thấy còn một vấn đề khá căng là hồi xưa vì chúng ta ở nông thôn nên ham có nhà xưởng để con em có việc làm, giờ được quy hoạch thành khu dân cư thì mấy xưởng sản xuất này lại thành nơi thải ra nước bẩn, gây ồn… làm bà con bị ảnh hưởng.

Tui nghĩ chắc cũng phải xin Thủ tướng và Nhà nước quyết liệt di dời sớm các nhà xưởng gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư”.

Ông Mười “quốc tế” (ông Huỳnh Văn Mười) lại nhìn vấn đề ở góc cạnh Thủ tướng kêu gọi chung tay thì người dân cũng nên góp sức: “Xưa rày bờ rào bờ giậu là cây, nay phát triển đô thị thì dân mình làm toàn rào gạch bêtông. Giờ đâu cần đợi Nhà nước, mình chịu khó trồng cây quanh nhà, có cây, có vườn thì môi trường sống sẽ tốt hơn”.

Chị Phượng tổ trưởng (chị Trần Thị Hồng Phượng) cũng góp lời: “Tôi thì cứ từ trong nhà suy ra, các chị cứ dạy con những việc nhỏ như gom các túi nilông rác lại để bỏ riêng. Con tôi bảo cái bọc nilông trông thế thôi chứ vùi xuống đất cả trăm năm cũng chưa phân hủy, ô nhiễm lắm”.

Được các “cây đa cây đề” mở lời, bạn Đỗ Minh Hội - thành viên trẻ trong xóm - góp thêm rằng không chỉ là người lớn lo toan chuyện môi trường, đám con nít cũng cần biết yêu cái nhà sạch, biết quý từng cái cây…

“Mùa Trung thu này, khi sinh hoạt và phát quà cho bọn nhỏ, tụi con xin phép lồng ghép sinh hoạt thêm về chủ đề yêu thiên nhiên quanh mình nữa” - bạn Hội đề xuất.

Ghi lại vài nét từ buổi đọc báo buổi sáng của bà con xóm nhỏ, hi vọng rằng những ước mong của bà con được Nhà nước lưu tâm để đưa ra những chương trình bảo vệ môi trường hợp lý và thiết thực.

Chuyện lớn còn là mong đợi, nhưng chuyện nhỏ tôi cam chắc cái gì hợp với mong mỏi của bà con thì bà con sẽ tham gia hăng say, ủng hộ hết mình.

Có được chính sách tốt và được sự ủng hộ của nhân dân, chắc chắn việc kiến tạo một môi trường sống sạch, sống lành sẽ thực hiện được.

THU HƯƠNG (TP.HCM)

XUÂN LONG - D.N.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên