02/09/2009 20:15 GMT+7

Quyết định 64 về kinh doanh thực phẩm của UBND TP.HCM: Bị "bắt giò"

Theo ĐỨC MINH - Pháp Luật TP.HCM
Theo ĐỨC MINH - Pháp Luật TP.HCM

Ngày 31-8, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị xem xét một số nội dung của Quyết định số 64/2009/QĐ-UBND ngày 31-7-2009 phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

EQSyGAem.jpgPhóng to
Theo ông Sơn, khái niệm và tiêu chí đối với cửa hàng “văn minh tiện lợi” trong việc kinh doanh bán lẻ các mặt hàng nông sản, thực phẩm chưa rõ ràng, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau - Ảnh: HTD

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quyết định này không phù hợp pháp luật, mâu thuẫn và không khả thi.

“Văn minh tiện lợi”: Chưa định nghĩa thì khó khả thi

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Lê Hồng Sơn cho biết: “Để có thêm cơ sở xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của một số nội dung quy định tại văn bản nói trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan: Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế)...”.

Ông Sơn khẳng định việc UBND TP.HCM ban hành văn bản để quản lý, kiểm soát việc kinh doanh nông sản, thực phẩm nhằm góp phần từng bước xây dựng, ổn định trật tự văn minh đô thị, bảo đảm sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, “văn bản quy định về vấn đề này cần phải phù hợp với pháp luật hiện hành và bảo đảm tính hợp lý, khả thi, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP.HCM” - ông Sơn phân tích.

Cụ thể, về hoạt động kinh doanh bán lẻ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, Quyết định 64 quy định các mặt hàng thuộc nhóm 46321, 46322, 46323 (thịt gia súc, gia cầm tươi, đông lạnh, sơ chế và nội tạng dạng thịt từ gia súc, gia cầm; hàng thủy hải sản tươi, đông lạnh, khô, mắm; và các loại rau, củ, quả tươi, đông lạnh...) chỉ được hoạt động kinh doanh trong phạm vi các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng văn minh tiện lợi.

“Hiện nay khái niệm và tiêu chí đối với cửa hàng văn minh tiện lợi chưa được quy định trong bất kỳ văn bản pháp luật hiện hành nào. Việc đưa ra một khái niệm như vậy và cũng không được giải thích trong Quyết định 64 sẽ dẫn đến tình trạng không thống nhất trong cách hiểu, từ đó dẫn đến việc thực hiện khó khăn, không thống nhất, gây ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của các chủ thể đã được Hiến pháp và các pháp luật có liên quan quy định” - ông Sơn bình luận.

Ông Sơn lý giải thêm, hiện có nhiều hộ gia đình, cá nhân kinh doanh đã có giấy phép hoặc đủ các điều kiện kinh doanh và các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm để kinh doanh các mặt hàng này nhưng lại không kinh doanh tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại...

Mặt khác, quy định về hoạt động kinh doanh bán lẻ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, trong đó có mặt hàng rau củ, quả tươi cũng chỉ được bán tại bốn địa điểm trên là không khả thi, nhất là đối với khu vực các huyện ngoại thành của thành phố.

Trên cho, dưới cấm?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định 64, hoạt động kinh doanh bán buôn các nhóm hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn TP.HCM chỉ được tập trung tại ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm của thành phố (ngoại trừ các điểm bán buôn nông sản, thực phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép). Điều 2 quyết định nói trên lại quy định các tuyến đường bao quanh ba chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn không được kinh doanh nông sản, thực phẩm dưới mọi hình thức.

Cục Kiểm tra VBQPPL cho rằng quy định trên chưa rõ ràng, mâu thuẫn nhau và chưa bảo đảm tính thống nhất. “Điều 1 cho phép các điểm bán buôn nông sản, thực phẩm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép được tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng Điều 2 lại được hiểu là cấm tất cả hoạt động kinh doanh bán buôn và hoạt động kinh doanh bán lẻ” - văn bản của Cục Kiểm tra VBQPPL nêu rõ.

Từ những phân tích nói trên, Cục Kiểm tra VBQPPL đề nghị UBND TP.HCM sớm tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra, xử lý đối với những nội dung chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi như nêu trên và thông báo kết quả xử lý cho Cục trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo.

------------------------------------

*Tin bài liên quan:

Rối vì khái niệm “cửa hàng văn minh tiện lợi”Quy hoạch về bán lẻ nông sản thực phẩm: Nhắc nhở trong khi chờ quy hoạch xongTP.HCM: cấm cửa hàng bán lẻ thịt, cá, rau củ?Quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm tại TP.HCM: cố gắng không gây xáo trộn lớnNhững gánh rau nuôi lớn học trò tôi

Theo ĐỨC MINH - Pháp Luật TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên