19/02/2016 07:55 GMT+7

Quyền nói là quyền của mỗi người dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Đó là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật báo chí (sửa đổi) ngày 18-2.

Các phóng viên tác nghiệp              - Ảnh: T.T.D.
Các phóng viên tác nghiệp - Ảnh: T.T.D.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định thật rõ quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của công dân vào luật này bởi đây là các quyền đã được Hiến pháp quy định.

“Hơn nữa, điều 28 Hiến pháp còn viết rằng công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.

Tôi cho rằng báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền này của người dân, do đó đề nghị nghiên cứu quy định rõ ràng trong luật” - ông Hiền nhấn mạnh.

Trong khi Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết “dự thảo luật đã quy định rõ về quyền tự do báo chí của người dân, đó là được cung cấp thông tin, biểu đạt thông tin trên báo chí mà không chịu sự kiểm duyệt của ai cả. Nhà nước phải tạo điều kiện để công dân được tiếp cận thông tin”.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật, dự thảo chỉ quy định điều chỉnh đối với hoạt động báo chí nhà nước, không điều chỉnh các trang thông tin tổng hợp, mạng xã hội...

Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói: “Về truyền thông xã hội hiện nay nghị định 72 đang điều chỉnh, có quy định rất chặt chẽ. Nếu đưa trang tin điện tử, trang mạng, blog cá nhân vào đây thì vô hình trung chúng ta thừa nhận tất cả loại hình này là báo chí”.

Tuy vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng một lần nữa nhấn mạnh đến quyền tự do báo chí của công dân theo Hiến pháp và nhắc lại lời Bác Hồ: dân chủ là để người dân được mở miệng ra.

“Bây giờ xu hướng đọc khác xưa rồi, người ta mở cái điện thoại ra là có thông tin. Nếu nói rằng đó (trang tin điện tử, trang mạng, blog cá nhân - PV) không phải báo nên tôi không quản lý thì không được, bởi quyền nói là quyền của mỗi người dân.

Quản lý không có nghĩa là cấm đoán, quản lý mà để hiểu rằng siết lò xo lại, không cho người ta làm cái gì là vi phạm Hiến pháp. Nếu chúng ta đưa ra những điều cấm mà đúng thì tôi tin chắc là nhân dân ủng hộ và cấm cái gì phải đưa vào luật, chứ cấm ở nghị định là không được đâu” - ông Hùng nhấn mạnh.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên