Mạng xã hội như Facebook là nơi rất tốt để bày tỏ quan điểm cá nhân, phát huy tinh thần phản biện, nhưng hãy làm sao để những thế hệ sau biết bày tỏ chính kiến một cách hay hơn, thay vì bắt chước một cách... bất lực.
Một bệnh nhân bị bệnh viện kiện yêu cầu phải bồi thường và xin lỗi vì những điều người này đã viết trên Facebook "gây tổn thất tinh thần, ảnh hưởng đến uy tín" của bệnh viện. Trang Facebook có tên nam ca sĩ treo thưởng trên mạng kêu gọi "anh em" đi "đòi công lý" bằng cách đánh người khác...
Có ai thấy mình quá lố?
Hai câu chuyện này gợi nhớ lại những chuyện cũ: Ở Phú Quốc (Kiên Giang), một phụ huynh lên mạng chửi hiệu trưởng khi con ở lại lớp; một phụ huynh ở Bạc Liêu đăng clip "ăn thua đủ" với thầy giáo chỉ vì chuyện liên quan đến quần soóc của con mình từ bàn giáo viên bị bỏ vào sọt rác... Nhiều câu chuyện tương tự đang xảy ra mỗi ngày ở trên mạng - nơi mà nhiều người xem đó là chỗ chứng tỏ quyền lực và sức ảnh hưởng của mình.
Trong chừng mực nhất định, mạng xã hội được xem là nơi thể hiện tiếng nói của những cá nhân, đặc biệt là những người "yếu thế". Tuy nhiên, ai cũng muốn chứng tỏ quyền lực của mình thì mạng xã hội trở thành nơi tập trung của những kiểu bức xúc nhất thời.
Bức xúc trong cuộc sống rất nhiều, ai cũng có những chuyện chưa thể hài lòng. Một dòng status trên Facebook cho hả giận có thay đổi được vấn đề? Hậu quả sau đó ai sẽ phải nhận lấy?
Như câu chuyện trên Facebook mang tên anh ca sĩ nọ kêu gọi cộng đồng mạng đi "đòi công lý", hậu quả thật khôn lường. Câu chuyện phụ huynh đòi "hơn thua" với nhà trường trên Facebook, hậu quả lại đổ lên đầu những đứa trẻ. "Cuộc chiến" trên mạng có thể làm vừa lòng một số cá nhân nhưng để lại những cái kết đắng ngoài đời thực cho những người khác.
Liệu người bức xúc trên Facebook có vô can khi trực tiếp gây ra những tổn thất về tinh thần lẫn vật chất cho người khác? Khi ta mượn mạng xã hội để cố chứng tỏ quyền của mình cũng là lúc ta tỏ ra bất lực, không có cách khác để giải quyết vấn đề và trút cơn giận lên mạng? Vì bất lực (lẫn ích kỷ) nên mới kêu gọi cộng đồng mạng làm điều mình muốn thay vì tự mình tìm hiểu ngọn nguồn, và hả dạ khi lôi kéo được một đám đông nghe theo mình.
Facebook liệu có đúng là một vũ khí lợi hại như nhiều người vẫn nghĩ? Hay nó chỉ tập trung "quyền lực" trong tay một số người có nhiều bạn bè, người hâm mộ? Một xã hội mà mọi bức xúc đều được đổ lên mạng liệu có tốt không?
Cần không gian đối thoại tốt hơn
Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần thêm không gian để đối thoại thay vì lên mạng đòi hỏi "quyền lợi", thể hiện "quyền lực" và rất chuộng viết lên đó những nỗi niềm lẫn bức xúc của mình.
Ví dụ, phụ huynh không hài lòng với thầy cô có thể phản ảnh những bức xúc đó đúng chỗ, để có thể giải quyết vấn đề cho họ? "Đẹp khen xấu chê" - đó là quyền lợi của mỗi người, nhưng chê và công kích người khác có lấp đầy được những khiếm khuyết của chính mình không?
Mặt trái của mạng xã hội là sau những cuộc chiến chê bai, bỉ bôi nhau, kích động thái độ hung hăng, hành động bạo lực, hậu quả là những sự đã rồi, những nỗi đau dai dẳng cho người khác. Bức xúc trên mạng hiện nay đang ngày càng gần hơn với việc nói xấu, vu khống người khác (mặc dù một số trường hợp người bị nói xấu... xấu thật). Đó là những việc không nên khuyến khích.
Nhiều người vẫn tin mạng xã hội là vũ khí lợi hại để thỏa mãn quyền lực, bực tức nhất thời, trong khi họ quên mất cuộc sống "hậu cuộc chiến trên mạng" mới là điều quan trọng. Có lẽ chúng ta cần một không gian đối thoại mới, ở đó có sự tin tưởng lẫn thông tin đầy đủ, có sự cảm thông, cùng nhau để giải quyết vấn đề xã hội.
Bình tĩnh hơn, từ tốn và dành thời gian tìm hiểu kỹ một vấn đề trước khi đưa ra những dòng trạng thái khởi đầu một cuộc chiến trên đó.
Ứng xử đúng pháp luật trên mạng
Hàng chục người tìm đến nhà trọ của một người đàn ông ở Tiền Giang để đánh người này vì anh đã đánh con mình từ vài năm trước. Sự việc diễn ra sau khi có thông tin trên trang cá nhân mang tên một người nổi tiếng đã bức xúc viết những lời kích động chuyện đánh người này.
Ngày 12-10, ca sĩ người Mỹ Kacey Musgraves đã đăng tải một vài hình ảnh tại hậu trường buổi diễn ở Dallas (Mỹ) lên trang cá nhân. Trang phục cô mặc là chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam nhưng cô chỉ mặc nội y, không mặc quần đúng kiểu với áo dài. Chi tiết này đã gây nên tranh cãi trong cộng đồng mạng. Không ít nghệ sĩ Việt cùng lên tiếng chỉ trích việc này. Có người đã bày tỏ sự bức xúc và kêu gọi cư dân mạng đánh sập trang cá nhân của ca sĩ Mỹ nọ.
Bằng những cách làm này, người Việt đang "nổi tiếng" hơn bằng cách dùng mạng "tấn công" người khác, kêu gọi nhau cùng báo cáo để khóa tài khoản người khác! Hình ảnh người dùng mạng Việt Nam thêm xấu xí và hung hãn trong mắt bạn bè quốc tế...
Theo Luật an ninh mạng (có hiệu lực từ 1-1-2019), có sáu nhóm hành vi bị cấm trên không gian mạng. Trong đó nghiêm cấm xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Người nổi tiếng cần phải cẩn trọng hơn rất nhiều trong phát ngôn, không chỉ vì danh tiếng mà bởi còn có trách nhiệm với công chúng. Có những người hình ảnh, tiếng nói của họ được nhiều người hâm mộ. Nhưng ai, dù nổi tiếng đến đâu cũng phải tuân thủ theo pháp luật. Lắm khi hào quang về sự nổi tiếng gây ngộ nhận dẫn đến phát ngôn và hành động phản cảm.
Chiều ngược lại, nếu thiếu suy nghĩ thấu đáo, chính người hâm mộ thành nạn nhân vì kiểu a dua trên mạng, góp sức tạo thêm sóng gió cho những tranh cãi trên mạng. Tranh luận không xấu nhưng thay vì để làm sáng tỏ và có giải pháp, người ta sa đà vào công kích, bêu xấu nhau. Thay vì sống cho mình, họ đã vì người khác, theo ý kiến người khác mất rồi!
KHÔI NGUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận