25/09/2014 08:55 GMT+7

​Quyền im lặng được thừa nhận, oan sai sẽ giảm

LÊ KIÊN - CHI MAI ghi
LÊ KIÊN - CHI MAI ghi

TT - Chủ tịch Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội, luật sư, chuyên gia... mong muốn quyền im lặng của nghi can, bị can, bị cáo được quy định cụ thể trong luật, tuy nhiên cơ quan điều tra “chưa dám đưa vào”.

Trách nhiệm chứng minh một người có tội hay không có tội thuộc về các cơ quan tố tụng, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai
Bà LÊ THỊ NGA (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp)

Bàn luận tiếp về chủ đề này, chúng tôi giới thiệu một số ý kiến.

* Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp LÊ THỊ NGA:

Quy định phải thật rõ ràng, cụ thể

Cá nhân tôi ủng hộ việc quy định trong luật về quyền được giữ im lặng của người bị tạm giữ, của bị cáo như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt ra. Tuy nhiên, quy định này phải thật sự rõ ràng, cụ thể để vừa bảo vệ được quyền của người bị tạm giữ, của bị can, đồng thời không gây ảnh hưởng đến quá trình điều tra.

Trước hết, điều 31 Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Điều này có nghĩa luật sư hoặc người được nhờ bào chữa có quyền tham gia ngay từ đầu để bảo vệ quyền lợi của người bị bắt, tạm giữ.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra cần phải quy định rõ trong luật là người bị bắt, bị tạm giữ có quyền giữ im lặng cho đến khi luật sư hoặc người bào chữa của họ có mặt. 

Cũng theo các điều 48, 49 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị tạm giữ, bị can có quyền “trình bày lời khai” mà không quy định nào coi đây là nghĩa vụ bắt buộc.

Như vậy, chúng ta hiểu rằng theo các quy định hiện hành của pháp luật tố tụng hình sự thì người bị tạm giữ, bị can hoàn toàn có thể im lặng cho đến khi có luật sư hoặc người bào chữa xuất hiện hoặc cho đến khi họ đủ bình tĩnh, chủ động để đưa ra lời khai.

Hơn nữa, trách nhiệm chứng minh một người có tội hay không có tội thuộc về các cơ quan tố tụng, chứ không thể chỉ căn cứ vào lời khai.

Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định rất rõ việc “xác định sự thật của vụ án” như sau: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Điều 72 cũng viết: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội”.

Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động tố tụng thì có thể thấy rằng gần như có một thông lệ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán của chúng ta quá coi trọng lời nhận tội.

Đồng thời, mặt khác tuy pháp luật không quy định việc không khai báo hoặc khai báo không thành khẩn là tình tiết tăng nặng, nhưng thường trong các bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án thấy các lời nhận xét như bị can, bị cáo thiếu thành khẩn khai báo, không hợp tác, quanh co chối tội, gây khó khăn cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử... và trong thực tế điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc xem xét, lượng hình.

Về phía cơ quan điều tra, tôi hoàn toàn chia sẻ với những áp lực của họ.

Đó là áp lực trước yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp; từ các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ, cấp trên giao cho họ; về các thời hạn tố tụng buộc họ phải chạy đua với thời gian để phá án; của dư luận, của người bị hại về thời gian làm sáng rõ những vụ án được xã hội quan tâm...

Do vậy, việc một số ý kiến không muốn quy định quyền được giữ im lặng của người bị tạm giữ, bị can cũng là điều dễ hiểu.

Theo thông tin tôi được biết ở một số nước, khi một người bị bắt thì câu đầu tiên họ nhận được từ cơ quan cảnh sát là “ông/bà có quyền giữ im lặng cho đến khi luật sư của ông/bà có mặt hoặc cho đến khi ông/bà đủ bình tĩnh để trả lời, mọi lời khai của ông/bà từ lúc này có thể là bằng chứng chống lại ông/bà trước tòa”.

Đó là một trong những ứng xử rất văn minh và tôn trọng nhân quyền mà chúng ta cần nghiên cứu, tiếp thu để quy định vào luật.

* Luật sư TRƯƠNG XUÂN TÁM (ủy viên Hội đồng luật sư toàn quốc, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu):

Đã đến lúc thể chế hóa quyền im lặng

Hầu hết các vụ án bị oan sai đều xuất phát từ việc bị can, bị cáo, người bị tạm giữ (gọi chung là nghi can) bị mớm cung, bức cung, nhục hình, buộc phải khai theo kịch bản và ý muốn chủ quan của điều tra viên, kiểm sát viên.

Do vậy, cần thiết phải quy định nghi can có quyền im lặng, không phát biểu, không khai báo cho đến khi có luật sư tham dự ngay từ bản cung đầu tiên.

Đây là một quyền quan trọng của con người nói chung, của nghi can nói riêng mà luật pháp nhiều nước đã quy định từ lâu. Trong Hiến pháp 2013, quyền tự bào chữa, nhờ luật sư bào chữa đã được khẳng định là một trong các quyền cơ bản của con người.

Chúng tôi cho rằng đã đến lúc cần phải thể chế hóa quyền im lặng của nghi can trong các bộ luật liên quan. Và việc nghi can có sử dụng quyền im lặng của mình hay không là quyền của họ, nhưng điều tra viên, kiểm sát viên phải có nghĩa vụ thông báo cho nghi can các quyền của họ. Việc thông báo này phải được lập thành văn bản.

Hiện nay ngoài việc sửa đổi Luật tổ chức TAND và Luật tổ chức viện KSND, chúng ta cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự. Giới luật sư đã có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung mới liên quan đến quyền của nghi can, của luật sư, trong đó có quyền im lặng của nghi can. 

Quy định quyền im lặng của nghi can trong quá trình điều tra cũng như của bị cáo ngay tại phiên tòa, một mặt hạn chế tình trạng mớm cung, bức cung, nhục hình; mặt khác vẫn cho phép tòa án xét xử cả trong trường hợp bị cáo ra tòa mà không trả lời bất cứ câu hỏi nào của hội đồng xét xử.

Điều này giúp nâng cao hơn trách nhiệm chứng minh tội phạm của những người tiến hành tố tụng, đồng thời chắc chắn hạn chế được oan sai.

Phải thừa nhận là trong tố tụng hình sự hiện nay còn tâm lý “trọng cung hơn trọng chứng”. Mặc dù đã thu thập được các chứng cứ khác để chứng minh tội phạm nhưng cơ quan điều tra vẫn muốn chính miệng bị can phải thừa nhận tội thì mới... yên tâm. Vì thế mới xảy ra tình trạng ép cung, mớm cung bị can
Ông NGUYỄN VĂN CHUNG (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM)

* Kiểm sát viên NGUYỄN VĂN CHUNG (viện trưởng Viện KSND Q.3, TP.HCM):

Vẫn còn tâm lý “trọng cung”

Hiện Bộ luật tố tụng tuy không quy định “quyền im lặng” là một trong các quyền của bị can, bị cáo nhưng thực tế thì bị cáo vẫn có quyền này. Bởi theo nguyên tắc suy đoán vô tội và quy định của Luật tố tụng hình sự thì nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng chứ không phải là bị can, bị cáo.

Theo nguyên tắc đó thì bị can, bị cáo có quyền đưa ra chứng cứ, lời bào chữa để chứng minh mình vô tội nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh là mình vô tội.

Điều đó có nghĩa bị can, bị cáo có thể khai báo hoặc không khai báo (im lặng) và cơ quan tố tụng muốn truy tố, buộc tội bị can, bị cáo thì phải đưa ra được các bằng chứng về hành vi phạm tội của họ.

Chứng cứ để chứng minh tội phạm thì có nhiều loại: biên bản hiện trường, lời khai nhân chứng, kết luận giám định về vật chứng... nên lời khai nhận tội không phải là bằng chứng duy nhất để kết tội bị cáo.

Phải thừa nhận là trong tố tụng hình sự hiện nay còn tâm lý “trọng cung hơn trọng chứng”. Mặc dù đã thu thập được các chứng cứ khác để chứng minh tội phạm nhưng cơ quan điều tra vẫn muốn chính miệng bị can phải thừa nhận tội thì mới... yên tâm. Vì thế mới xảy ra tình trạng ép cung, mớm cung bị can.

Nếu đưa vào luật quy định bị can, bị cáo có “quyền im lặng” thì có thể làm rõ hơn quyền này của bị can, bị cáo và nghĩa vụ chứng minh tội phạm của cơ quan tố tụng.

Tuy nhiên, khi quy định cũng cần chặt chẽ, không nên quy định bị cáo có quyền im lặng trừ khi có luật sư tham gia vì đòi hỏi 100% các vụ việc hỏi cung, lấy lời khai của cơ quan tố tụng đều phải có mặt của luật sư là bất khả thi.

Nếu tất cả các vụ việc mà bị can, bị cáo đều “im lặng” để chờ luật sư sẽ gây khó khăn cho cơ quan tố tụng, bởi đâu phải lúc nào luật sư cũng có mặt ngay khi thân chủ yêu cầu. Cũng không phải bị can nào cũng có khả năng kinh tế để mời luật sư.

* Thẩm phán VƯƠNG VĂN NGHĨA (tòa hình sự TAND TP.HCM):

Nghi can cần hiểu rõ các quyền của mình

Việc lấy lời khai ban đầu của nghi can khi bị tạm giữ hình sự, bắt khẩn cấp, bắt quả tang là rất quan trọng vì hướng điều tra có thể bị dẫn dắt theo lời khai nhận hay không khai ban đầu này.

Chính vì thế, việc bức cung, mớm cung trong tình huống này là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là vụ án bị điều tra theo hướng sai lầm, gây oan sai. Nên việc bổ sung “quyền im lặng” là cần thiết.

Tuy nhiên, việc quy định về “quyền im lặng” này cũng cần phải được nghiên cứu, rà soát, đánh giá để phù hợp với các nguyên tắc của tố tụng hình sự.

Các nghi can, bị can, bị cáo cần phải hiểu rõ về quyền của mình, nhưng đồng thời cũng nên biết về chính sách giảm nhẹ đối với những người phạm tội thành khẩn khai báo để có thể không rơi vào tình huống người phạm tội nào cũng từ chối khai báo, hợp tác với cơ quan tố tụng.

LÊ KIÊN - CHI MAI ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục