01/07/2019 18:20 GMT+7

Quy trình chấm thi trắc nghiệm được thay đổi ra sao để ngăn tiêu cực?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Các trường đại học, cao đẳng được Bộ GD-ĐT phân công chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm đều đã bắt đầu làm việc ở tất cả hội đồng thi THPT quốc gia trên cả nước.

Quy trình chấm thi trắc nghiệm được thay đổi ra sao để ngăn tiêu cực? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Từ vụ tiêu cực "động trời" xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ GD-ĐT đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung quy chế thi để ngăn chặn tiêu cực, trong đó đặc biệt khâu chấm thi trắc nghiệm được thay đổi gần như toàn bộ với rất nhiều hàng rào kỹ thuật.

Hiện Bộ GD-ĐT cũng đang thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của ban chấm thi trắc nghiệm.

"Đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm

Khác với năm trước, năm nay Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường đại học, cao đẳng chủ trì tổ chức chấm thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, người có người thân dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không tham gia ban chấm thi trắc nghiệm tại địa phương nơi người thân dự thi.

Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, thay đổi cơ bản về khâu kỹ thuật trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay là phần mềm chấm trắc nghiệm. Bộ GD-ĐT đã sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng tăng cường tính bảo mật và chức năng giám sát để ngăn ngừa các can thiệp trái phép.

"Đặc biệt, trong quy trình chấm thi sẽ thực hiện "đánh phách" điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Theo đó, sau khi quét qua máy, bài thi trắc nghiệm sẽ được mã hoá, không còn nhìn thấy gì trên bài. Nếu copy ra đĩa cũng là dữ liệu đã được mã hoá, phải có mật khẩu mới giải mật được", ông Độ cho biết thêm.

Quy chế thi năm nay quy định giám đốc sở GD-ĐT ra quyết định thành lập ban chấm thi trắc nghiệm. Ban này chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ban chỉ đạo thi THPT quốc gia. Thành phần của ban chấm thi trắc nghiệm gồm trưởng ban chấm thi trắc nghiệm do lãnh đạo trường đại học đảm nhiệm. Các tổ chuyên môn của ban chấm thi trắc nghiệm, tổ giám sát đều là người của trường đại học. Tổ giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác.

"Trong quá trình xử lý, ban chấm thi trắc nghiệm phải thực hiện nghiêm túc việc cập nhật và báo cáo kịp thời với Bộ GD-ĐT"

Ông Mai Văn Trinh

Không được sửa chữa bài làm bất kỳ hình thức nào

Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - cho biết quy chế thi năm nay quy định chặt về chấm thi trắc nghiệm là các thành viên của ban chấm thi trắc nghiệm, thành viên tổ giám sát và người đang thi hành nhiệm vụ liên quan không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác theo quy định vào phòng chấm thi.

"Đặc biệt, không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của thí sinh) với bất kỳ hình thức nào và bất kỳ lý do gì", ông Trinh nhấn mạnh.

Kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm phải nghiêm túc tuân thủ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm theo quy định; trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện bất thường phải báo ngay với tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm để cùng tổ giám sát lập biên bản, báo cáo trưởng ban chấm thi trắc nghiệm xử lý.

Các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh.

Công an giám sát và lập biên bản toàn bộ quá trình chấm

PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - nhận định quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm năm nay được Bộ GD-ĐT quy định rất chặt chẽ, nghiêm ngặt và có giám sát của công an.

Ngay sau khi quét xong tất cả phiếu trả lời trắc nghiệm, ngay sau khi nhận dạng xong ảnh quét bài thi trắc nghiệm và ngay sau khi sửa lỗi kỹ thuật tất cả các bài thi trắc nghiệm bị lỗi của hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét đã được phần mềm chấm thi tự động mã hóa phải được sao lưu ra 3 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau.

"Trong mỗi bước nói trên, toàn bộ 3 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau tại từng bước phải được đóng gói niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản; gửi về Bộ GD-ĐT 1 bộ đĩa để quản lý và giám sát, bàn giao 1 bộ đĩa cho chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa do trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ. Phải báo cáo, xin ý kiến của ban chỉ đạo thi THPT quốc gia khi sử dụng các bộ đĩa này", ông Dũng chia sẻ.

ThS Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết thêm sau khi hoàn thành các công việc trên, tổ chấm mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT.

"Quy chế bắt buộc phải lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và tổ giám sát; tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Thống nhất sử dụng mã bài thi, môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD-ĐT", ông Hiển cho hay.

Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT) được lưu vào 3 bộ đĩa CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản…

Chấm thi THPT quốc gia 2019: Nhanh nhưng không vội Chấm thi THPT quốc gia 2019: Nhanh nhưng không vội

TTO - Với số lượng bài thi tự luận lớn nhất cả nước, mỗi giám khảo chấm tự luận ở Hà Nội sẽ phải hoàn thành chấm thi 60 bài/ngày. Thứ trưởng GD-ĐT lưu ý 'không đặt mục tiêu chấm nhanh, mà đặt mục tiêu chấm chắc và đúng quy chế'.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên