![]() |
Nhiều hộ dân tại khu dân cư An Hải Bắc, Q.Sơn Trà (Đà Nẵng) còn nợ tiền sử dụng đất - Ảnh: V.HÙNG |
Theo quyết định nói trên, Đà Nẵng giảm 40% trên tổng số vàng đang nợ đối với các trường hợp nợ tiền sử dụng đất trước ngày 31-12-2005, giảm 10% trên tổng số vàng đang nợ đối với các trường hợp ký hợp đồng nợ tiền sử dụng đất từ ngày 1-1-2006 đến 31-12-2011. Ngoài ra còn giảm 2% số lượng vàng trên tổng số vàng đang nợ cho mỗi năm trả trước hạn (kể cả thời gian gia hạn). Tổng số vàng được giảm nêu trên không vượt quá 50% số vàng nợ và số tiền trả nợ không thấp hơn số tiền nợ sử dụng đất tại thời điểm ghi nợ. Các hộ dân đã đến hạn trả nợ mà chưa trả được thì chuyển tiếp cho nợ tiền đất thêm năm năm nhưng tổng thời gian được nợ không quá 15 năm, từ năm thứ 16 bắt đầu tính lãi chậm trả theo số vàng và theo mức lãi suất cho vay của ngân hàng.
"Phần lớn người dân nợ tiền sử dụng đất là nông dân, làm sao họ trả nợ nổi khi giá vàng nhảy phi mã. Không trả nổi nợ, bà con bị Nhà nước giữ sổ đỏ nên muốn chuyển nhượng nhà cũng không được và khi có nhu cầu thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng cũng đành chịu thua..." Đại biểu Nguyễn Quang Ngaphát biểu tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng cuối tháng 12-2010 |
Anh Mỹ ở khu dân cư An Hải Bắc (Q.Sơn Trà), người đang nợ gần 10 chỉ vàng tiền sử dụng đất, ngán ngẩm nói: “Tôi bị giải tỏa năm 2004 và được bố trí lô đất tái định cư. Tiền đền bù chỉ đủ xây lại căn nhà cấp 4 nên tôi phải nợ tiền sử dụng đất. Vàng khi đó khoảng 8,7 triệu đồng/lượng, nay tăng lên gần bốn lần nên dẫu được giảm nợ tôi cũng không trả nổi, đành nhốt sổ đỏ thôi”.
Ông Tiến ở khu dân cư số 4 Nguyễn Tri Phương (Q.Cẩm Lệ) kể ông nợ tiền sử dụng đất từ năm 2007 gần 100 triệu đồng. Lúc này vàng chưa tới 1,9 triệu đồng/chỉ nên tính ra ông nợ đến hơn 5 lượng vàng. Theo ông Tiến, TP nên thu nợ tiền sử dụng đất bằng tiền có tính trượt giá hoặc theo lãi suất ngân hàng thì dân mới trả nổi.
Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Sở Tài chính TP Đà Nẵng để nắm số lượng vàng người dân nợ tiền sử dụng đất nhưng không được. Tuy nhiên, số liệu từ các công ty chủ nợ cho thấy số tiền người dân nợ tiền sử dụng đất không phải nhỏ: 713 hộ nợ Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng gần 76 tỉ đồng, hàng trăm hộ dân nợ Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng, xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng gần 200 tỉ đồng (nhưng trong 2010 chỉ có bốn hộ trả nợ...)...
Khi chúng tôi chuyển kiến nghị của người dân rằng nên thu nợ tiền sử dụng đất bằng tiền và tính lãi suất theo ngân hàng, ông Nguyễn Văn Cán - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP Đà Nẵng - cho biết, việc nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng đã được HĐND TP thông qua và áp dụng từ những năm 2000 - 2001, phù hợp với quyền lợi Nhà nước và người dân. Thế nhưng giá vàng biến động mạnh đã khiến việc thu hồi nợ của Nhà nước khó khăn. Vì thế TP đã giãn, giảm nợ đến mức gần 50% số vàng nợ. “Hiện TP thực hiện theo nghị quyết HĐND TP và chưa có chủ trương, chính sách mới tốt hơn để giải quyết vấn đề này” - ông Cán nói.
Pháp luật hiện hành không cấm các bên giao kết hợp đồng dân sự quy đổi giá cả tài sản theo vàng. Do vậy, cách quy ra vàng số tiền sử dụng đất mà người dân còn nợ như đã nêu của UBND TP Đà Nẵng không sai quy định. Thế nhưng, giá vàng đang ở xu thế tăng cao. Nếu tiếp tục quy theo vàng thì nhiều giao dịch dễ bị trở ngại và đây là lý do mà nhiều người mua bán nhà đất không còn quy đổi giá mua bán theo vàng như trước nữa. Xem xét thêm những trường hợp cụ thể nêu trong bài, việc nợ tiền sử dụng đất xuất phát từ chỗ các hộ dân bị Nhà nước thu hồi đất, được chính quyền giao nền đất tái định cư nhưng họ không có khả năng thanh toán ngay. Trong hoàn cảnh như thế, nếu chính quyền vẫn quy khoản nợ theo vàng thì những người vốn khó khăn càng trở nên khó khăn hơn. Bất hợp lý này cần được kịp thời chấn chỉnh để người dân sớm được giao trả sổ đỏ cũng như sớm được thực hiện các quyền của người sử dụng đất hợp pháp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận