Ông Nguyễn Thanh Toàn - phó giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
* Việc chấp thuận cho các quận, huyện điều chỉnh lộ giới nhiều tuyến đường dự phóng theo hướng xóa bỏ hoặc giảm, nắn lộ giới có ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông chung của TP.HCM hay không, thưa ông?
- Giảm lộ giới đường có tác động một phần, chứ không phải không có. Nhưng vấn đề tuyến đường dự phóng đó có khả thi hay không. Một phần do khi nghiên cứu giao thông trước đây, theo quy hoạch chung, TP chưa tính tới hệ thống giao thông sức tải lớn.
Bây giờ TP đã có quy hoạch sáu tuyến metro, hơn 20 tuyến đường trên cao, như vậy sẽ gánh, chia tải bớt cho giao thông đường bộ.
* Vì sao có những bất cập trong quy hoạch, quy hoạch “vẽ” ra xong rồi không thực hiện được, trong khi người dân chịu vô vàn khó khăn? Và liệu việc điều chỉnh lần này có giải quyết được những bất cập?
- Sở dĩ quy hoạch có những bất cập cần điều chỉnh là do giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành có bất cập. Cách đây 10 năm, quy hoạch ngành có nhu cầu, nhưng giờ không có nhu cầu nữa nên quy hoạch xây dựng phải tích hợp, điều chỉnh.
Ví dụ tại một khu vực, thời điểm quy hoạch trước, bên ngành y tế họ nói ở đây cần có bệnh viện, ngành giáo dục nói ở đây có trường,... nhưng hiện tại, khi rà soát quy hoạch, các ngành lại không có nhu cầu nữa, cho nên phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển hiện tại.
Vấn đề bất cập trên đang được TP tìm cách giải quyết. Từng giai đoạn năm năm, quy hoạch đó được rà soát, đối chiếu có phù hợp hay không để xem xét, cân nhắc điều chỉnh. Thành ra quy hoạch không phải “thần thánh”, mà là định hướng, dự báo.
Có những dự báo chưa chính xác phải điều chỉnh, đó là chuyện bình thường. Nếu chính quyền sốt ruột cho người dân thì quan trọng nhất phải xây dựng chính sách nhà đất sòng phẳng đối với người dân trong các khu vực quy hoạch.
* Cụ thể chính sách đất đai để bảo đảm quyền lợi của người dân trong các khu vực quy hoạch là gì?
- Phải cho người dân trong ranh quy hoạch các khu vực không phải nhà ở hiện hữu được hưởng đầy đủ những quyền lợi như người dân ngoài ranh. Còn như hiện nay người dân chịu nhiều thiệt thòi, hạn chế quyền lợi khi nhà đất bị “vướng” quy hoạch.
Quy hoạch được “vẽ” ra nhưng nguồn lực không xác định được khi nào làm, người dân muốn tách thửa, mua bán, sang nhượng, chứng nhận, thế chấp không được.
Chỉ cách nhau một lằn ranh quy hoạch nhưng quyền lợi người dân trong ranh quy hoạch bị chênh lệch quá lớn so với người dân khác. Cho nên người dân bức xúc là đúng.
Do vậy, sở đang kiến nghị UBND TP, Bộ Xây dựng, trung ương xây dựng chính sách nhà đất làm sao để hạn chế độ “vênh” quyền lợi cho người dân trong khu quy hoạch. Người dân đồng tình, sản phẩm quy hoạch mới ổn định.
* UBND TP.HCM cũng có ban hành quyết định 27 tạo điều kiện cho người dân trong các khu quy hoạch được xây dựng nhà. Tuy nhiên quá trình thực hiện, mỗi quận huyện vận dụng một cách khác nhau. Vì sao vậy, thưa ông?
- Quyết định 27 là mở ra một chính sách thoáng trong vấn đề xây dựng cho người dân trong khu vực quy hoạch. Tuy nhiên, Luật xây dựng 2014 lại không cho, vô hiệu quyết định 27. Đây là bất cập lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.
Do đó, TP đang xin ý kiến HĐND, Thành ủy đề xuất Bộ Xây dựng, Chính phủ cho TP.HCM được thực hiện quyết định 27. Bộ Xây dựng cũng có chủ trương sẽ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh điều khoản luật theo hướng cho phép người dân xây dựng trong khu quy hoạch.
Theo quan điểm của tôi, đối với những khu quy hoạch người dân phải có quyền được mua bán, tách thửa, sang nhượng, thế chấp như những hộ dân ngoài ranh quy hoạch. Riêng về việc xây dựng nhà ở có thể có quy định chung khống chế mật độ xây dựng theo từng khu vực chức năng quy hoạch.
Đối với những khu quy hoạch công viên, giao thông, bệnh viện có thể cho người dân xây dựng nhưng khống chế mật độ. Còn đối với những khu vực dân cư xây dựng mới, dân cư hỗn hợp hay khu vực khác, cứ sòng phẳng quyền lợi của người dân.
Không lý gì những khu vực này mình kêu gọi chủ đầu tư vào đầu tư có lợi nhuận, nhưng người dân lại bị khống chế. Ông chủ đầu tư có tiền cứ vào đền bù sòng phẳng cho dân để làm dự án xây dựng mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận