07/11/2012 11:54 GMT+7

Quy định rõ trình tự cưỡng chế thu hồi đất

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TTO - Đó là kiến nghị từ đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, được Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu nêu tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 7-11 về việc “Thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”.

VcKYB1zW.jpgPhóng to
Giá đất thiếu minh bạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện. Tháng 8-2012, người dân thôn Khả Do, xã Nam Viêm, thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phú từng dựng lều chặn đường vào thi công công trình đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Ảnh: MINH QUANG

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập đoàn giám sát vấn đề nêu trên. Qua giám sát cho thấy nội dung khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định hành chính trong quản lý đất đai chủ yếu tập trung: khiếu nại các quyết định hành chính về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chiếm khoảng 70%; về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chiếm khoảng 20%; về cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm khoảng 10%.

Trong thực tế, mặc dù pháp luật về giải quyết khiếu nại cho phép người khiếu nại có quyền lựa chọn việc giải quyết khiếu nại thông qua cơ quan hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, song việc công dân gửi đơn khởi kiện tại tòa án hành chính còn rất ít.

Khiếu nại, tố cáo có cơ sở

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) dẫn số liệu giám sát cho hay trong tổng số quyết định hành chính về đất đai bị khiếu nại, tố cáo thì tỉ lệ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng, có sai chiếm 47,8%, có địa phương tỉ lệ này rất cao. Trong số các vụ được đưa ra xét xử tại tòa án thì tỉ lệ khởi kiện đúng và đúng một phần chiếm 19,5%.

“Qua đó có thể thấy việc khiếu nại, tố cáo của công dân là có cơ sở, việc ra quyết định hành chính về đất đai của các cấp chính quyền còn nhiều thiếu sót. Nếu không chỉ đạo kịp thời, triệt để khắc phục thì sẽ tác động đến tâm lý xã hội. Mất niềm tin là mất tất cả” - bà Khá nói.

Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với nhận định của đoàn giám sát là chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, chưa đồng bộ, có những quy định chưa sát thực tế, thiếu cụ thể. Các chính sách liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất qua các năm thay đổi theo hướng có lợi cho người dân gây so bì về quyền lợi giữa những người dân có đất bị thu hồi tại thời điểm trước và sau khi có chính sách mới.

“Việc người có đất bị thu hồi chây ỳ không chịu di dời lại được hưởng lợi hơn so với những người nghiêm túc thực hiện đã gây ra dư luận xấu” - đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói.

Một số đại biểu cũng nhận định giá đất đền bù tại nhiều nơi chưa sát giá thị trường; có sự chênh lệch lớn giữa giá Nhà nước bồi thường và giá do nhà đầu tư thỏa thuận với người dân; giá đất tại các khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giá đất nội thị, ngoại thị trong cùng một đô thị, giá đất giữa đô thị và nông thôn trong cùng một tỉnh còn có sự chênh lệch lớn, có một số nơi chênh lệch quá lớn. Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) nói: “Cùng một dự án nhưng chỉ cách nhau một con mương thì giá đất đã khác nhau nhiều lần”.

Giải quyết 528 vụ việc kéo dài

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng một trong những nguyên nhân quan trọng phát sinh khiếu kiện liên quan đến đất đai là còn một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế về kiến thức pháp luật, không được đào tạo sâu chuyên môn, nghiệp vụ lĩnh vực này, một số cán bộ sa sút phẩm chất đạo đức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bao che đối với cán bộ sai phạm. “Cán bộ vừa thiếu vừa yếu, có nơi vô cảm với nhân dân” - bà Thủy nói.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (TP Cần Thơ) nêu một nguyên nhân khác là hiện nay có quá nhiều văn bản hướng dẫn về đất đai, dễ dẫn đến tình trạng rối rắm trong áp dụng.

Một vấn đề cũng được các đại biểu đề cập đến là chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn có những tồn tại và việc thực hiện quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa nghiêm, dẫn tới tình trạng thu hồi đất để hoang, triển khai dự án chậm, lãng phí nguồn tài nguyên đất, trong khi đó người dân ở vùng dự án không còn đất sản xuất, không có việc làm dẫn đến bức xúc, khiếu kiện.

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung việc quy định giá đất bảo đảm nguyên tắc phù hợp cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; khung giá đất, bảng giá đất theo hướng ổn định và chỉ điều chỉnh khi thị trường biến động (có thể tăng, giảm 15-20%). Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định rõ trình tự cưỡng chế thu hồi đất, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về đất đai.

Đoàn giám sát cũng đề nghị các ngành, địa phương chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu kiện trong phạm vi quản lý của mình để kịp thời giải quyết ngay, hạn chế khiếu nại vượt cấp, không để xảy ra diễn biến phức tạp trở thành vụ việc khiếu kiện đông người; từ nay đến cuối năm 2012 tập trung giải quyết cơ bản 528 vụ việc tồn đọng, kéo dài.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên