Hội nghị tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng là một trong nhiều hội nghị chuyên đề của Chính phủ được Thủ tướng chủ trì trong năm 2018 - Ảnh: VGP
Có những văn bản dưới luật còn "to" hơn luật, đặt ra trình tự thủ tục phức tạp, chồng chéo, rườm rà
Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nhấn mạnh hội nghị này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng. Đặc biệt những khó khăn, vướng mắc trước mắt.
Còn về lâu dài phải sửa đổi các quy định không còn phù hợp về trình tự, thủ tục, quy chuẩn, định mức…
Có những văn bản dưới luật nhưng "to" hơn luật
Nêu dẫn chứng, Thủ tướng cho biết hiện nay có 12 luật, hơn 100 nghị định và hàng trăm thông tư quy định về đầu tư xây dựng, trong đó có những văn bản dưới luật còn "to" hơn luật, đặt ra trình tự thủ tục phức tạp, chồng chéo, rườm rà…
"Cần phải rà soát, sửa đổi quy định pháp luật để thúc đẩy đầu tư xây dựng theo hướng đơn giản hóa, minh bạch hóa, đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục "một cửa", "một cửa liên thông", hậu kiểm…" - Thủ tướng gợi ý.
Ông yêu cầu các cơ quan có liên quan phân tích những bất cập, vướng mắc xung quanh vấn đề đấu thầu, đất đai, giải phóng mặt bằng, đặc biệt sự phối hợp giữa nhà thầu và địa phương.
"Có nhiều nguyên nhân của sự chậm trễ, từ việc chọn nhà thầu không đủ năng lực, giải phóng mặt bằng chậm trễ, phối hợp điều hành giữa các bên còn nhiều vướng mắc…" - ông nói.
Thủ tướng cũng cho rằng vấn đề giám sát tiến độ, quản lý chất lượng cũng còn nhiều tồn tại, dẫn đến thất thoát, lãng phí. Nhiều cơ quan chức năng ngâm hồ sơ xây dựng kéo dài, sợ trách nhiệm, dẫn đến sự chậm trễ trong tiến độ thực hiện dự án.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị những người tham gia hội nghị phát biểu thẳng thắn, đừng ngại đụng chạm bộ nọ ngành kia, bởi thẳng thắn là để xây dựng, thúc đẩy phát triển.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà kiến nghị phân cấp mạnh hơn nữa để thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng - Ảnh: Quochoi.vn
Nhiều quy định làm dự án kéo dài
Trình bày kết quả rà soát bước đầu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát.
"Vì vậy, đến thời điểm này các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác" - ông Hà nói.
Một danh sách dài các quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập được Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu ra, như kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm.
Thời gian xin chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án thuộc thẩm quyền của HĐND các cấp thường dài, bởi HĐND họp 2 kỳ/năm, nhiều dự án cần triển khai ngay nhưng phải chờ, ảnh hưởng tới tiến độ dự án.
Thời gian chuẩn bị đầu tư tính đến thời điểm khởi công của dự án sử dụng vốn công thường kéo dài, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp (thời gian chuẩn bị đầu tư thực tế bình quân khoảng 42 tháng đối với dự án nhóm A, 29 tháng đối với dự án nhóm B, 23 tháng đối với dự án nhóm C) do các công việc chuẩn bị đầu tư của dự án sử dụng vốn.
Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài 5 - 10 năm do đơn giá đền bù đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường.
Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.
"Nguyên nhân do nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng, pháp luật về hợp đồng xây dựng" - Bộ trưởng Hà phân tích.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị sau hội nghị này, Thủ tướng cho ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.
Cần phân cấp điều hòa vốn
Danh mục đề nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định pháp luật được Bộ Xây dựng đề nghị cũng khá dài, đặc biệt trong vấn đề phân cấp.
Ví dụ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách trung ương, giao HĐND cấp tỉnh, TP quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng toàn bộ vốn cân đối ngân sách địa phương.
Đề nghị phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương trong việc điều hòa vốn giữa các dự án trong nội bộ của ngành, địa phương trong giới hạn tổng mức đầu tư của từng dự án, tổng vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công được duyệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận