Một người dân ủng hộ Anh rời EU trong một sự kiện tại London - Ảnh: Reuters |
“Giờ thì thỏa thuận đã được chốt. Còn lại tùy thuộc vào sự quyết định của người Anh |
Jean-Claude Juncker (chủ tịch Ủy ban châu Âu) |
Theo BBC, một số điểm chính của thỏa thuận này là: dừng khẩn cấp phúc lợi cho người nhập cư trong vòng bốn năm khi di cư có mức độ “khác thường” và Anh có thể áp dụng việc dừng khẩn cấp này tới bảy năm. Ngoài ra, phúc lợi cho con cái của người di cư đến EU hiện đang sống ở nước ngoài sẽ được trả theo tỉ suất dựa trên mức sống ở quê hương họ, áp dụng cho đợt di cư từ năm 2020 trở đi và 34.000 người đang nộp đơn.
Thỏa thuận còn có điều khoản sửa đổi các hiệp ước EU để tuyên bố rằng các điều khoản xây dựng một “liên minh chặt chẽ hơn” không áp dụng đối với Anh, đồng nghĩa với việc Anh không bao giờ bị buộc phải hội nhập chính trị. Thêm vào đó là điều khoản trao cho Anh khả năng ban hành biện pháp bảo vệ khẩn cấp trung tâm tài chính London, nhằm ngăn việc các công ty Anh bị buộc phải di dời sang các nước châu Âu và để đảm bảo các công ty Anh không bị phân biệt đối xử vì đứng ngoài khối đồng euro.
Một EU được cải tổ
Thủ tướng Anh David Cameron đã ca ngợi thỏa thuận được đúc kết hôm 19-2 (giờ châu Âu), mà ông nói là đã trao cho Anh một “quy chế đặc biệt” trong EU và cam kết sẽ hết lòng vận động cho việc ở lại khối trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào tháng 6. Ông Cameron nói ông đã hoàn thành tất cả mục tiêu thương lượng chính và sẽ đề xuất thỏa thuận vừa đạt được với nội các, khai phát súng đầu tiên vào cuộc vận động trước cuộc trưng cầu ý dân về tương lai nước Anh.
“Tôi tin tưởng chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và tốt hơn trong một EU được cải tổ. Và đó là lý do tại sao tôi sẽ vận động hết mình để thuyết phục người dân Anh ở lại trong một EU được cải tổ” - ông Cameron phát biểu trong cuộc họp báo.
Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ thỏa thuận sẽ trao cho ông Cameron lợi thế trong việc vận động người dân tại Anh để London ở lại trong khối. Bà nói thỏa thuận là một “sự thỏa hiệp công bằng”. “Tôi không nghĩ chúng ta đã cho Anh quá nhiều” - bà nhận định.
AFP dẫn lời Tổng thống Pháp François Hollande khẳng định thỏa thuận không có ngoại lệ nào đối với luật pháp của EU. Trong khi đó, thủ tướng Ý cảnh báo “có nguy cơ chúng ta sẽ mất tầm nhìn đối với giấc mơ châu Âu nguyên bản”.
Rủi ro của ông Cameron
Tình hình tại Anh thực tế không đơn giản chút nào. Thủ tướng Cameron thừa nhận một trong những đồng minh chính trị thân cận nhất của mình là Bộ trưởng tư pháp Michael Gove sẽ vận động rời EU. Ông nói những thành viên Đảng Bảo thủ khác cũng sẽ gia nhập chiến dịch kêu gọi rời khối.
Hôm qua, theo Reuters, Thủ tướng Cameron cho biết sẽ thông báo ngày trưng cầu ý dân cụ thể về việc rời EU sau cuộc họp nội các diễn ra ngày 20-2 (giờ Anh). Theo Reuters, ngày trưng cầu ý dân dự kiến có thể là 23-6.
Cuộc họp nội các sẽ chính thức hóa sự ủng hộ của chính phủ đối với việc ở lại EU. Ông Cameron từng nói các bộ trưởng có quyền tự do vận động theo hướng nào mà họ muốn, rời hay ở lại khối. Vào ngày mai 22-2, ông Cameron sẽ có một tuyên bố trước quốc hội.
Giới quan sát nhận định có những rủi ro cho chiến lược của ông Cameron, nhất là khi kết quả một cuộc thăm dò hôm 19-2 cho thấy 36% người dân Anh ủng hộ rời khối, trong khi số người ủng hộ ở lại EU chỉ là 34%. Trong số những người được hỏi, 7% nói sẽ không bỏ phiếu và 23% nói họ chưa có quyết định. Theo Reuters, có lẽ mối đe dọa lớn nhất cho chiến dịch vận động của ông Cameron là từ Thị trưởng London Boris Johnson, một người theo chủ nghĩa hoài nghi về EU. Ông này chưa thể hiện sẽ chọn bên nào.
Anh vốn đã có “quy chế đặc biệt” Nước Anh vốn đã là một thành viên tách rời nhất của EU, từ chối tham gia khối đồng tiền chung euro, khu vực đi lại tự do Schengen và nhiều lĩnh vực hợp tác cảnh sát và pháp lý khác. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bình luận rằng từ lâu Anh đã hưởng một quy chế đặc biệt trong khối rồi. Nhiều lãnh đạo chính trị ở châu Âu cũng cho biết cảm thấy đang trải qua bước ngoặt lịch sử cho sự gắn kết của châu Âu, vì đến nay chưa có một nước thành viên nào trưng cầu ý dân để rời khỏi khối. Anh là nền kinh tế lớn thứ 2 EU và là một trong hai nước của khối là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận