15/11/2021 11:45 GMT+7

Quỹ bảo tồn di sản Huế: Cần thiết để cứu di sản quốc gia

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - Di sản Huế không phải là di sản của riêng người Huế mà là di sản của Việt Nam, của cả thế giới. Quỹ bảo tồn di sản Huế được Quốc hội thông qua sẽ giúp cho những di sản vật thể, phi vật thể của Việt Nam ở Huế thêm cơ hội được bảo tồn, phục hồi.

Quỹ bảo tồn di sản Huế: Cần thiết để cứu di sản quốc gia - Ảnh 1.

Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ giúp những di sản vật thể, phi vật thể của Việt Nam ở Huế có thêm cơ hội được bảo tồn, phục hồi - Ảnh: NHẬT LINH

Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa và thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, trước việc Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên Huế, trong đó có việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Khi nguồn vốn trùng tu không thể đua kịp với thời gian xuống cấp

Sáng 13-11, với 436/470 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (87,37%), Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong đó có việc cho phép thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Quỹ bảo tồn di sản Huế là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Theo ông Hoàng Việt Trung, giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế vào thời điểm này là vô cùng cần thiết khi nhiều công trình di sản Huế đang cần được trùng tu, bảo tồn, tôn tạo. Tuy nhiên, nguồn vốn trùng tu chủ yếu dựa vào ngân sách không thể chạy đua kịp với thời gian xuống cấp của các công trình. 

"Thực tế cho thấy khả năng cân đối nguồn lực của Thừa Thiên Huế cho việc tu bổ di tích còn gặp nhiều khó khăn. Khi có nguồn từ Quỹ bảo tồn di sản Huế, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản, đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích đang nguy cấp", ông Trung nói.

Quỹ bảo tồn di sản Huế: Cần thiết để cứu di sản quốc gia - Ảnh 2.

Bên trong di tích Khâm thiên giám - nơi quan sát thiên văn, ban lịch hàng năm dưới triều Nguyễn đang xuống cấp nghiêm trọng cần trùng tu - Ảnh: NHẬT LINH

Nên có hội đồng tư vấn sử dụng quỹ

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cũng cho rằng việc mở Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ giúp huy động nguồn lực không chỉ từ cá nhân, doanh nghiệp mà còn từ ngân sách các địa phương khác trong công cuộc trùng tu, bảo tồn di sản. 

Ông Hoa phân tích, trước đây có rất nhiều địa phương muốn ủng hộ kinh phí giúp Huế trong việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa. Nhưng theo quy định của Luật ngân sách, không được dùng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ cho ngân sách tỉnh khác nên nhiều lần Huế phải "từ chối" ý tốt của các địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Hoa, các quỹ tài chính hoạt động dựa theo các quy định của Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Nếu Huế muốn làm tốt, minh bạch khi vận hành quỹ này, cần thành lập một hội đồng tư vấn sử dụng quỹ. Hội đồng sẽ gồm các nhà chuyên môn, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo tồn di sản để tư vấn cho quỹ nên sử dụng số tiền như thế nào, ưu tiên trùng tu, bảo tồn di sản nào trước để đúng với mục đích thành lập là bảo tồn di sản Huế.

Trong khi đó, nhà sưu tầm cổ ngoạn Nguyễn Hữu Hoàng (Huế) hy vọng việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ mở ra thêm hy vọng đưa các cổ vật tinh hoa của cha ông lưu lạc ở nước ngoài hồi hương. Hiện nay cổ vật Việt Nam đang rất có giá trên thị trường quốc tế, điều này khiến cho các bảo tàng, trung tâm văn hóa... sử dụng ngân sách để mua cổ vật gặp khó vì giá quá cao, gần như không thể với tới được.

"Khi có Quỹ bảo tồn di sản Huế, Nhà nước và xã hội sẽ chung tay cùng đưa những cổ vật Việt hồi hương, để con cháu đời sau có cơ hội chiêm ngưỡng những tinh hoa cha ông để lại thì thật tốt biết bao", ông Hoàng nói.

Không sử dụng ngân sách tỉnh Thừa Thiên Huế

Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác. Không sử dụng ngân sách của tỉnh Thừa Thiên Huế để hỗ trợ quỹ. Nguồn thu của quỹ chỉ dùng để đầu tư cho trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế và đầu tư cho các công trình, hạng mục chưa được ngân sách nhà nước đầu tư hoặc đầu tư chưa đủ.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022 và thực hiện trong 5 năm.

Quốc hội quyết định thêm 4 địa phương được cơ chế đặc thù, Huế có quỹ bảo tồn di sản Quốc hội quyết định thêm 4 địa phương được cơ chế đặc thù, Huế có quỹ bảo tồn di sản

TTO - Với đa số phiếu tán thành, sáng 13-11, Quốc hội đã thông qua 4 nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Trong đó cho tỉnh Thừa Thiên Huế lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên