03/06/2013 16:30 GMT+7

Quốc hội tranh luận sôi nổi về tên nước

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng không có lý do gì để phải đổi tên nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng có đại biểu khẳng định mong muốn lấy lại tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là tâm nguyện của một bộ phận nhân dân.

YpXBmPfy.jpgPhóng to
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) trình bày việc thay đổi tên nước tại Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng
VOPqLlEw.jpgPhóng to
Ông Đặng Ngọc Tùng - Ảnh: Q.Thanh

Đó là một trong những điểm đáng chú ý tại phiên Quốc hội thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, hôm nay 3-6.

Đổi tên nước sẽ tốn kém

“Tôi đề nghị vẫn giữ nguyên tên nước là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” - chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN Đặng Ngọc Tùng (đại biểu Đồng Nai) nói. Ông nêu bốn lý do:

Một là, tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc, giải phóng và thống nhất đất nước. Cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường mục tiêu xây dựng chế độ xã hội của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Hai là, tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7-1976 đến nay đã trải qua 37 năm đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Ba là, nếu thay đổi tên nước chúng ta buộc phải thay đổi Quốc huy và tất cả các văn bản liên quan, các giấy tờ liên quan, dẫn đến một số tốn kém không thể tính toán được, mà trong giai đoạn kinh tế của chúng ta đang khó khăn, đất nước của chúng ta đang còn nghèo, đòi hỏi chúng ta phải tiết kiệm.

Bốn là, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sở dĩ dẫn đến những hệ quả không có lợi và thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời với mục tiêu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và dễ bị lợi dụng tuyên truyền không hay.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng cho rằng: “Việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính gây tốn kém, phức tạp như việc phải thay đổi Quốc huy, con dấu, Quốc hiệu trên các văn bản, giấy tờ. Hơn nữa trải qua 37 năm tên gọi đã trở nên quen thuộc đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế”.

Việt Nam dân chủ cộng hòa bền vững theo thời gian

Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Chu Sơn Hà bày tỏ: “Nhiều cử tri đề nghị lấy tên nước là Việt Nam dân chủ cộng hòa vì cử tri cho rằng tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa gắn với sự ra đời của chính thể cộng hòa đầu tiên của nước ta, là thành quả của cuộc cách mạng giành độc lập được ghi nhận trong bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2-9-1945”.

Theo ông Hà, tên gọi Việt Nam dân chủ cộng hòa “tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 thể hiện rõ thể chế chính trị của nước ta là Cộng hòa, bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, phù hợp với điều kiện đất nước trong giai đoạn hiện nay mà không làm ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta, vì Lời nói đầu cũng như các quy định khác của dự thảo đều khẳng định quan điểm quá độ lên chủ nghĩa xã hội”.

Ông Hà khẳng định: “Chúng ta vẫn đang thực hiện triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh. Cử tri nhận thấy tên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa bền vững theo thời gian và cho rằng nó rất thiêng liêng, làm niềm tin của mọi công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài. Chúng ta có cả một hệ thống truyền thông hùng mạnh cùng với bản lĩnh của một dân tộc Việt Nam anh hùng thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc và làm cho nhân dân ta xa rời mục tiêu chủ nghĩa xã hội”.

Theo ông, “nếu cho rằng tốn kém do đổi tên nước, vậy các lần đổi tên nước trước đây thì sao, phải chăng không tốn kém? Nếu có tốn kém kinh phí cho việc sửa đổi để cho ra đời một bản Hiến pháp hiệu quả, phù hợp với lòng dân thì nhân dân ta cũng đồng thuận cao”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên