18/04/2015 09:13 GMT+7

​Quốc hội phải kiểm soát được ngân sách

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phân biệt rạch ròi ngân sách trung ương - địa phương, phải chấm dứt tình trạng xin - cho trong phân bổ ngân sách

Ngày 17-4, thảo luận về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều ý kiến tiếp tục đề nghị Quốc hội phải đổi mới cách làm, nắm thực quyền về ngân sách thay vì chỉ quyết những chuyện đã rồi như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề phân cấp ngân sách trung ương - địa phương, TS Trần Du Lịch (TP.HCM) bày tỏ: “Quan điểm của tôi, ngân sách địa phương trước hết là tài nguyên thu của địa phương, tức là tài nguyên ngân sách mà địa phương thu được. Từ đó để xem địa phương này thu có đủ chi nhiệm vụ mà theo luật chính quyền địa phương phải chi không? Nếu không đủ chúng ta mới bàn phần nào là ngân sách trung ương hỗ trợ. Như vậy, định nghĩa ngân sách địa phương là các khoản thu, chi ngân sách nhà nước phân cấp cho địa phương và các khoản chi được hỗ trợ cho địa phương”.

Ông Lịch cho rằng nếu rạch ròi được như vậy thì phải trao quyền cho HĐND địa phương tự quyết khoản ngân sách, chứ HĐND không làm cái việc hình thức là đi quyết lại những gì Bộ Tài chính đã chia sẵn cho như hiện nay. Phần hỗ trợ của trung ương do Quốc hội quyết định và Quốc hội chịu trách nhiệm giám sát hiệu quả khoản này.

“Hiện nay chúng ta lồng ghép, không tách bạch rõ ràng nên cái cần tự chủ thì không cho tự chủ, cái không được tự chủ lại lồng ghép tự chủ nên mới có chuyện lấy tiền làm trường để xây trụ sở. Làm sao Quốc hội phải kiểm soát được ngân sách, còn Quốc hội mà không kiểm soát được ngân sách thì tôi nghĩ quyền lực nhà nước cấp cao đến cỡ nào cũng không có gì cao cả” - ông Lịch bày tỏ.

Theo đó, ông đề nghị luật phải quy định Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để bàn về ngân sách hằng năm. Đồng tình với nhận định này, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh thẳng thắn: “Có một thực tế là khi Quốc hội đưa ra thảo luận ngân sách hằng năm thì mọi việc đã đâu vào đấy cả rồi”.

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng với các quy định hiện hành thì việc quản lý đồng tiền không gắn với hiệu quả.

“Tôi thấy thực tế trong quản lý của ta là xây xong một trung tâm dạy nghề nhưng mấy năm không thấy ai vào học, trồng rừng cứ quyết toán cho đủ nhưng không thấy rừng đâu. Đồng tiền rất lãng phí và thiếu hiệu quả. Tôi đề nghị quy định nguyên tắc hiệu quả và trách nhiệm đối với từng chủ thể trong chi tiêu ngân sách” - ông Nam nói.

Cũng như ông Lịch, ông Nam đề nghị phân biệt rạch ròi ngân sách trung ương - địa phương, phải chấm dứt tình trạng xin - cho trong phân bổ ngân sách và chấm dứt tâm lý cứ xin là được mà không cần biết hiệu quả chi tiêu đến đâu.

Dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2015.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên