20/06/2010 07:03 GMT+7

Quốc hội nói "không" với dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM

Lấy 50ha rừng đầu nguồn phải được Quốc hội cho phép
Lấy 50ha rừng đầu nguồn phải được Quốc hội cho phép

TTO - Chiều 19-6, Quốc hội đã biểu quyết nội dung được người dân quan tâm: dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Quốc hội đã dành ba lần biểu quyết với hai phương án và cả ba lần số phiếu tán thành đều không quá bán.

Không vội vàngQuốc hội nói không với đường sắt cao tốc

Bản nghị quyết của Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM có bốn điều. Người điều khiển phiên họp là Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã đề nghị Quốc hội biểu quyết lần lượt với từng nội dung.

YJ8ypPlA.jpgPhóng to
Kết quả biểu quyết điều 2 nghị quyết của Quốc hội về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM - Ảnh: V.Dũng

Dự án đường sắt cao tốc: 271/474 đại biểu Quốc hội đồng tình

Trong đó ở phương án 2, điều 1, nội dung “Tán thành chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM với tư tưởng chỉ đạo, nội dung và bước đi như điều 2 nghị quyết này” đã được 427 đại biểu có mặt biểu quyết, trong đó chỉ có 185 đại biểu tán thành (37,53%), 208 đại biểu không tán thành (42,19%) và 34 đại biểu không biểu quyết.

Ở các nội dung khác, số đại biểu tán thành các phương án đều không quá bán. Cụ thể, phương án 1, nội dung để biểu quyết nêu “trong thời gian tới cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông…” có 209 đại biểu tán thành (42,3%), 191 đại biểu không tán thành (38,74%) và 39 đại biểu không biểu quyết.

Ở phương án 2, điều 2, Quốc hội biểu quyết về việc giao Chính phủ các công việc:

1- Rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể giao thông cả nước cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không; xác định rõ lộ trình thực hiện;

2- Tiếp tục nghiên cứu toàn diện hơn các điều kiện bảo đảm tính khả thi của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, trên cơ sở đó nghiên cứu lập dự án đầu tư một trong hai tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TP.HCM - Nha Trang trình Quốc hội xem xét; 3- Báo cáo kết quả đầu tư các đoạn tuyến được chọn, đánh giá và trình Quốc hội xem xét việc triển khai đầu tư các bước tiếp theo. Nội dung này có 157 đại biểu tán thành (31,85%), 170 đại biểu không tán thành (34,48%) và 82 đại biểu không biểu quyết.

WA1Zaz7a.jpgPhóng to

Các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ tại phiên biểu quyết các quyết sách lớn của Quốc hội sáng 19-6 - Ảnh: LÊ KIÊN

Trước khi Quốc hội biểu quyết dự án này, đoàn thư ký đã phát phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội. Kết quả cho thấy 271/474 đại biểu Quốc hội được phát phiếu thăm dò (chiếm 57,17%) đồng tình việc nên thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt cao tốc tại kỳ họp này, 192 đại biểu không đồng ý ra nghị quyết, ba đại biểu có ý kiến khác và tám đại biểu không có ý kiến.

Tuy đa số đại biểu nhất trí có nghị quyết về chủ trương đầu tư, nhưng theo kết quả kiểm phiếu thăm dò, chỉ có 148 đại biểu đồng tình với phương án mà Chính phủ đã trình, 201 đại biểu chọn theo phương án lùi thời gian khởi công và 13 đại biểu có ý kiến khác.

Với 3 lần biểu quyết như vậy, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận: như vậy Quốc hội không đồng tình với nghị quyết về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM. Do Quốc hội kỳ này không tán thành nên giao cho Chính phủ tiếp tục chuẩn bị dự án kỹ hơn để trình trong các kỳ họp sau.

* Chiều 19-6, với tỉ lệ phiếu đồng thuận rất cao, Quốc hội đã ra nghị quyết việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Theo đó, Quốc hội đồng ý sẽ xem xét, ban hành Luật giáo dục đại học trong năm 2011; sớm sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về thành lập trường, đầu tư, đảm bảo chất lượng và các vấn đề khác đối với giáo dục đại học.

“Thực hiện hậu kiểm, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ vi phạm để đình chỉ hoạt động, hạ cấp hoặc giải thể đối với những trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về cam kết thành lập trường. Không tăng chỉ tiêu tuyển sinh đối với cơ sở giáo dục đại học nếu các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường không tốt hơn năm trước; giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với những trường đã được thành lập trước năm 2010 mà chưa xây dựng được cơ sở riêng tại địa điểm theo hồ sơ đăng ký thành lập, sau ba năm (kể từ năm 2010) nếu các trường này vẫn không xây dựng thì đình chỉ hoạt động đào tạo và xem xét giải thể trường” - bản nghị quyết nêu rõ.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Đổi mới căn bản và toàn diện công tác quản lý giáo dục đại học: giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm mạnh mẽ hơn cho các cơ sở giáo dục đại học; xác định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương trong quản lý các cơ sở giáo dục đại học, tiến tới xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với các cơ sở đại học; Bộ GD-ĐT làm đúng chức năng quản lý nhà nước của mình”.

Lấy 50ha rừng đầu nguồn phải được Quốc hội cho phép

Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia cũng được trình Quốc hội (thay thế nghị quyết số 66). Theo đó, đối với tiêu chí lấy đất rừng, đất lúa làm dự án, nghị quyết nêu rõ: “Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên; các dự án, công trình có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500ha trở lên phải xin Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư”.

GS Nguyễn Minh Thuyết (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng):

Trong thời gian Quốc hội xem xét dự án này, các phương tiện thông tin đại chúng đã dành thời lượng lớn đăng tải các thông tin, ý kiến nhiều chiều, giúp các đại biểu phân tích, chọn lọc để đưa ra quyết định cuối cùng.

Kết quả này cũng biểu hiện phong cách làm việc dân chủ, thẳng thắn của kỳ họp.

Theo tôi, giữa việc thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội trước đó với kết quả 57% số đại biểu đồng tình ra nghị quyết tại kỳ họp này với việc hôm nay Quốc hội không đồng tình thông qua dự án là không có gì mâu thuẫn. Vì 57% đại biểu đồng tình ra nghị quyết không có nghĩa họ đồng ý với chủ trương đầu tư dự án, mà có thể trong số đó có những người đồng ý ra nghị quyết với nội dung không tán thành chủ trương đầu tư.

Phát biểu phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Có thể khẳng định đây là một trong những kỳ họp sôi động, hấp dẫn và có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng. Chương trình được sắp xếp hợp lý, nội dung thảo luận tập trung, đi thẳng vào các vấn đề khó có nhiều ý kiến khác nhau, tạo nên sức cuốn hút ngay từ đầu và ở hầu hết các buổi thảo luận, nhất là ở hội trường. Không khí thảo luận rất thẳng thắn, dân chủ, xây dựng, có trao đi đổi lại, tranh luận, thuyết phục nhau bằng lý lẽ trí tuệ và thực tiễn cuộc sống, qua đó tạo được sự thống nhất cao trên nhiều vấn đề”.

Khẳng định sự đóng góp của báo chí cho sự thành công của kỳ họp, ông Trọng nói: “Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Quốc hội, tôi xin cảm ơn và nhiệt liệt chúc mừng đội ngũ những người làm báo qua các thời kỳ - những chiến sĩ xung kích trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta”.

Lấy 50ha rừng đầu nguồn phải được Quốc hội cho phép
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên