Leonardo DiCaprio, Brad Pitt và đạo diễn Quentin Tarantino - Ảnh: Imdb
Và đối với những người yêu (hoặc tự nhận là mình yêu) Quentin Tarantino, Once upon a time in... Hollywood là một thử thách như thế.
Có những nhà phê bình nhận xét đây là tác phẩm "riêng tư nhất" trong chín bộ phim của Tarantino. Thật ra, phim của Tarantino có bao giờ là "không riêng tư". Chẳng qua là cái riêng tư của ông chồng lấn ít hay nhiều với khẩu vị của đa số khán giả mà thôi.
Once Upon A Time in Hollywood - Official trailer
Trước khi làm phim cho người khác xem, Quentin luôn làm phim cho chính mình và cho tình yêu điện ảnh ấp ủ từ hồi ông còn là anh cho thuê băng ở Manhattan Beach.
Cũng phải mở ngoặc rằng điện ảnh mà ông yêu khác xa thứ điện ảnh hàn lâm quen thuộc - tức đầy rẫy những phim hạng B hoặc genre movie, nếu không được tôn vinh nhờ những bộ phim đầy hoài niệm của ông thì hẳn đã chìm sâu vào quên lãng.
Once upon a time in... Hollywood, bởi thế, cũng như câu hát đầy khắc khoải của Joni Mitchell, Will you take me as I am?, là câu hỏi được Quentin, sau 27 năm dọc ngang làng điện ảnh, đặt ra cho khán giả của mình: (phim) tôi thế đấy, người có yêu tôi không?
Và quả thực, bộ phim đã được Tarantino thực hiện theo một phong cách rất bất cần, nghĩa là "không yêu giả dép bố về".
Chỉ ông mới dám chiêu đãi khán giả bằng cả khuôn hình đặc tả hai bàn chân kiêu ngạo giẫm lên phim của Margot Robbie qua vai Sharon Tate, hình ảnh không khỏi làm ta bồi hồi nhớ đến ngón chân cái của Uma Thurman ở Kill Bill nhiều năm về trước.
Và cũng chỉ có ông mới dám mang chính thần tượng của bao người (và của chính ông, với hình ảnh Beatrix Kiddo mặc bộ jumsuit màu vàng) ra để mà nhạo báng.
Cảnh phim Once Upon A Time in Hollywood
Từ khi Once upon a time in... Hollywood chưa ra mắt, truyền thông đã câu dẫn khán giả bằng cách hé lộ rằng bộ phim xoay quanh vụ thảm sát có thật của cô đào Sharon Tate, sự kiện chấn động California mùa thu 1969, được nhiều người coi là đánh dấu chấm hết cho kỷ nguyên kinh điển của Hollywood. Câu chuyện tưởng vậy mà không phải vậy.
Tate có hiện diện và hiện diện một cách lung linh, lộng lẫy như thời đại mà nàng là đại diện. Nhưng hóa ra nàng chỉ là hàng xóm của Rick Dalton (Leonardo DiCaprio), một diễn viên Viễn Tây đã sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp.
Rick có anh bạn gần chưa bằng vợ nhưng thân hơn anh em, kiêm người đóng thế lẫn tài xế riêng tên gọi Cliff Booth (Brad Pitt). Trong khi Sharon có khuôn mặt thiên thần và cái cằm vuông khỏe khoắn gợi nhớ Ingrid Bergman nhấm nháp vị ngọt của một minh tinh đang lên thì Rick khổ sở vật lộn trong nỗi cay đắng của ngôi sao sắp xuống và tìm quên trong rượu.
Khi không cởi trần, phô thân hình rám nắng và sửa ăngten cho bạn, Cliff bóp mũi Lý Tiểu Long (!), chạy xe rong trên đường phố Cali, cho gái non đi nhờ và đá đít một lũ hippie.
Chỉ ông mới dám chiêu đãi khán giả bằng cả khuôn hình đặc tả hai bàn chân kiêu ngạo giẫm lên phim của Margot Robbie qua vai Sharon Tate.
Nhưng dù ai chính và ai phụ thì lựa chọn của Tarantino cho từng vai diễn cũng như diễn xuất của mỗi người có thể nói là khỏi chê. DiCaprio mới mẻ bao nhiêu dưới hình hài một ngôi sao hết thời thì Pitt lại thoải mái bấy nhiêu trong vai gã diễn viên hạng hai tuyệt đối bằng lòng với nghề đóng thế.
Robbie tỏa sáng bao nhiêu bằng cử chỉ và khí chất tự nhiên thì Julia Butters lại làm khán giả ngỡ ngàng bấy nhiêu khi hóa thân thành cô diễn viên nhỏ tuổi tôn sùng trường phái nhập vai (method acting). Và đó là chưa kể những vai rất phụ được đảm nhiệm bằng những khuôn mặt không thể chính hơn: Al Pacino, Dakota Fanning, Damian Lewis và còn nữa...
Margot Robbie vào vai Sharon Tate trong Once upon a time in Hollywood
Dù không ít người bất mãn với cách Tarantino xây dựng nhân vật Sharon, nhưng đây có lẽ là một thành công đột phá của ông. Vai của Robbie hầu như không có thoại.
Bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng đôi chân thon dài và làn da rám nắng, nàng phả vào bộ phim hơi thở của một thời đại vàng son đang chực chờ lịm tắt. Đó là một góc nhìn ta chưa bao giờ thấy trong những nhân vật nữ khác của Tarantino, từ Beatrix Kiddo tới Jackie Brown, từ Shoshana Dreyfus tới Daisy Domergue.
Ống kính dõi theo mỗi bước chân nàng là của Robert Richardson, nhưng con mắt âu yếm đến gần như sùng kính đằng sau đó là của Quentin Tarantino. Đó là ánh nhìn trìu mến của gã đàn ông đã hơn 30 năm trót phải lòng nữ thần điện ảnh.
Một cảnh trong Once upon a time in... Hollywood
Ở Once upon a time in... Hollywood, bằng màu sắc, bằng trang phục, bằng đạo cụ và đặc biệt là bằng âm nhạc, Tarantino đã tái hiện sống động Hollywood của thập niên 1960. Không phải DiCaprio, không phải Pitt, cũng chẳng phải Robbie, thập niên 1960 mới thực sự là nhân vật chính của bộ phim, đúng như tên phim ngầm ám chỉ.
Tarantino yêu Hollywood của những ngày tháng ấy và đã không từ một phương tiện nào, một thủ đoạn nào để tái tạo nó cho thỏa chí.
Đó là nước phim vàng như nắng xứ Cali, là những tấm poster thấm đẫm màu quá khứ, là ánh sáng bập bùng của rạp chiếu bóng ngoài trời tên gọi Van Nuys.
Nỗi hoài cổ quen thuộc của Quentin Tarantino, lần này, trở thành một sự nuông chiều bản thân cực độ. Còn khán giả có thích hay không, đó chẳng phải là việc của ông.
Có thể Once upon a time in... Hollywood không là một tuyệt phẩm như Kill Bill 15 hay Pulp Fiction 25 năm về trước, nhưng trong chừng mực nào đó đã vượt mặt các đàn anh trong chính sự phân cực khán giả của mình.
Nó buộc người ta phải nói về nó và nói nhiều hơn nữa về những gì nó ám chỉ, tôn vinh hay liên hệ đến. Viện phim Anh (BFI) thậm chí đưa ra danh sách 10 phim cũ nên xem sau Once upon a time in... Hollywood. Nếu đấy là điều Quentin Tarantino kỳ vọng khi làm bộ phim này, há chẳng phải là ông đã quá thành công?
Từ trái qua: Brad Pitt, Leonardo DiCaprio và đạo diễn Quentin Tarantino của phim Once upon a time... in Hollywood - Ảnh: AFP
Một đặc sản nữa của Tarantino là tạo dựng và nhẩn nha dẫn dắt câu chuyện đến cao trào, làm sục sôi mạch máu người xem, mà trường đoạn quán rượu trong Inglourious Basterds là tiêu biểu. Nhưng đến Once upon a time in... Hollywood thì ngược lại.
Từ cuộc so tài giữa Cliff với Lý Tiểu Long đến các phân cảnh của Sharon, từ trường đoạn căng như dây đàn và đậm chất High Noon ở trang trại của George Spahn đến cái kết kỳ quái của bộ phim, Tarantino không ngừng làm người xem cụt hứng (và có lẽ âm thầm vỗ đùi khoái trá vì điều đó).
Không ít khán giả thừa nhận mình đã bỏ dở giữa chừng vì không chịu nổi cái tiết tấu tréo ngoe này. Nếu có gì hiếm hoi thật sự thỏa mãn ở đây, đó hẳn là cảm giác dễ chịu khi ta dõi theo tình bằng hữu tự nhiên không nói thành lời của hai gã trai già bị Tinsel Town ruồng bỏ.
Có một sự tương đồng đặc biệt giữa Once upon a time in... Hollywood với Inglourious Basterds và với Django Unchained. Đấy là cả ba đều được phát triển xoay quanh cái nền là ba thảm án chấn động trong lịch sử, dù ở ba thời đại và ba cấp độ khác nhau - Holocaust, chế độ nô lệ và vụ sát hại Sharon Tate.
Trong cả ba, Tarantino đều chèn nhân vật của mình vào để viết ra một phiên bản khác của lịch sử, và đều không từ một cơ hội nào để nhạo báng và vùi dập những kẻ thủ ác trên màn bạc - từ Hitler hay Goebbels trong Basterds đến đảng 3K của Django, và ở trường hợp này là đám hippie nhà Manson.
Tarantino yêu quá khứ bao nhiêu thì ông cũng căm hận những kẻ hủy hoại nó bấy nhiêu, và ông sẵn sàng trừng phạt chúng một cách tàn khốc trên màn ảnh.
Bấy lâu Tarantino luôn bị giới đạo đức phê phán vì nồng độ bạo lực đậm đặc và đẫm máu trong phim của mình.
Và đúng lúc ta tưởng ông đã nhượng bộ dư luận bằng một bộ phim hiền hòa thì kịch tính lại xảy ra, đúng theo quy luật kinh điển của điện ảnh: khẩu súng xuất hiện trong hồi một chắc chắn sẽ khạc lửa ở hồi ba. Và chú chó pit bull Brandy xuất hiện trong hồi một, tất nhiên cũng sẽ có vai trò đặc biệt tại hồi ba.
Tính bất ngờ của bạo lực ở đây, cũng như cuộc so găng đột ngột giữa Cliff và Lý Tiểu Long, là sự khiêu khích của Tarantino hướng đến khán giả và dư luận. Và song hành cùng bạo lực là cái kết nằm ngoài dự đoán của hầu như tất cả mọi người.
Nếu có chút gì bất mãn, xin hãy nhớ đến tên phim: đây vốn dĩ là một thiên cổ tích, không hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận