Tuổi thơ là món quà quý giá mà thượng đế ban tặng mỗi người. Đó là một hành trình trải nghiệm gắn bó cùng ta qua những quãng đời trong cuộc sống. Tôi đã gần 30, cái tuổi không còn nông nổi bồng bột của tuổi thơ. Vậy mà mỗi khi nhớ về bác bán kem của 20 năm về trước, tôi vẫn cảm thấy ấm lòng và mỉm cười hạnh phúc.
Cái khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc khi bác bán kem đưa cho tôi que kem ngọt ngào là trái tim tôi muốn vỡ òa...
Khoảnh khắc về que kem đó cứ nuôi lớn tôi lên theo dòng thời gian, đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi. Tôi học được cách quan tâm chia sẻ với mọi người cũng từ bác bán kem ngày đó.
500 đồng bằng...giấy học trò!
Ngày xưa đó, cái thời mà làng quê nào cũng được bao bọc bởi những lũy tre làng, những con kênh, những cánh đồng lúa bát ngát thì hình ảnh bác bán kem mỗi trưa hè không còn xa lạ gì với mỗi người.
Quê tôi cũng thế, một vùng quê nghèo mà mỗi khi hè đến, mùa màng vừa gặt xong thì rơm rạ lại rải rác trên mọi nẻo đường. Cứ trưa hè, bọn trẻ con chúng tôi lại tụ tập ra lũy tre đầu làng chơi đuổi bắt, trốn tìm... Dù có ham chơi đến đâu thì mỗi khi nghe tiếng bóp còi cùng lời rao "Kem mút, ai kem mút đây..." là tất cả bỏ cả chơi chạy nhanh ra... xem.
Hồi đó xóm tôi nghèo lắm, thi thoảng mới có đứa mua được que kem là cả bọn tranh nhau xin mút chung. Mỗi lần được bố mẹ cho tiền mua kem là đứa nào đứa nấy hớn hở ra mặt. Cả bọn cứ ngồi ở đầu làng chỉ để đợi bác đi qua. Bác không phải là người làng tôi, chỉ biết rằng khi chúng tôi sinh ra thì bác đã gắn bó với công việc này từ rất lâu rồi. Có lẽ bác cũng chẳng xa lạ gì mấy đứa trẻ con cứ ngồi đợi bác đi qua làng tôi ngày đó.
Nhớ một lần cả lũ bạn đều được bố mẹ cho tiền mua kem. Khi thấy bác bán kem cùng âm thanh quen thuộc và chiếc xe đạp lọc cọc từ xa đang đến là tất cả đứng dậy reo hò "A, bác bán kem đến rồi!...". Trong lúc đó, tôi chợt nhớ ra mình không có tiền, tôi chạy thật nhanh về nhà.
Bố mẹ không ở nhà, tôi hụt hẫng nghĩ tới cảm giác không được mua kem. Bỗng thấy quyển vở ở trên bàn, tôi liền lấy một tờ giấy trắng và chiếc bút viết nhanh số 500 đồng trên tờ giấy rồi gấp lại. Chạy nhanh ra, thấy bác bán kem đang đưa kem cho lũ bạn. Tôi lững thững bước lại, rụt rè nói: "Bác ơi, cháu cũng muốn... ăn kem".
Vừa nói, tôi vừa đưa tờ giấy trắng đã gấp đôi lại. Bác mở ra. Ánh mắt đầy bất ngờ cùng nụ cười tươi ngỡ ngàng của bác làm tôi nhớ mãi. Nụ cười của bác xua tan đi mọi lo lắng và hồi hộp trong tôi.
Bác nói: "Từ ngày bác đi bán kem tới giờ, đây là tờ tiền đặc biệt nhất mà bác nhận được. Cháu đáng yêu lắm, bác thưởng cho cháu nè!".
Nói rồi bác mở chiếc thùng xốp đựng kem đưa cho tôi một que. Tôi sung sướng vỡ òa nhảy lên: "Cháu cảm ơn bác ạ!".
Từ đó, tôi biết cho đi để nhận lại
Tôi cầm que kem chạy nhanh ra chỗ bọn bạn đang ăn mà vẫn không quên ngoái lại nhìn bác. Bác thật tốt bụng, nụ cười hiền hậu và giọng nói trầm ấm của bác đã làm tôi thấy yêu cuộc đời này hơn. Que kem đó đối với tôi không đơn giản chỉ để ăn, mà còn là một que kem nghĩa tình, que kem của sự nhân văn.
Nhìn bộ quần áo bạc phếch qua nắng mưa của bác, tôi biết bác cũng phải vất vả mưu sinh cho cuộc sống này. Thế nhưng bác vẫn sẵn sàng cho một đứa trẻ không quen biết gì như tôi que kem mà tôi ao ước. Hạnh phúc lúc đó của tôi là vị ngọt và mát lạnh của từng miếng kem, sự sung sướng thích thú của một đứa trẻ nhỏ khi được cho quà.
Khoảnh khắc về que kem đó cứ nuôi lớn tôi lên theo dòng thời gian, đó chính là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời tôi. Tôi học được cách quan tâm chia sẻ với mọi người cũng từ bác bán kem ngày đó. Tôi học được cách niềm nở với mỗi hoàn cảnh trong cuộc sống. Hãy biết cho đi và nhận lại, biết cảm thông và mang đến hạnh phúc cho người khác.
Giờ đây thỉnh thoảng mỗi lần về quê, tôi lại đi dạo ra đầu làng. Đứng dưới những ngọn gió mát lành của trưa hè yên bình, tôi lại nhớ đến bác bán kem ngày đó. Tôi ước một lần được gặp lại bác đi qua đầu làng tôi như năm nào để cảm ơn bác về que kem.
Có lẽ đó là que kem ngọt ngào nhất đối với tôi trong cuộc đời này. Nó sẽ là một phần ký ức tươi đẹp của tôi về những năm tháng của tuổi trẻ. Cảm ơn cuộc sống, cảm ơn những khoảnh khắc tuyệt đẹp của ngày đó.
Tuổi Trẻ phát động cuộc thi: “Khoảnh khắc thay đổi đời tôi”
Thể lệ:
Bài viết bằng chữ tiếng Việt, có thể viết trên giấy hoặc gửi bài viết qua email.
* Độ dài tối đa: 1.500 chữ.
* Tiêu chí:
Câu chuyện có thật, độc đáo, có bài học sâu sắc, đậm tính nhân văn, rung động.
Những bài viết hay sẽ được chọn đăng trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ nhật báo, Tuổi Trẻ Cuối Tuần và Tuổi Trẻ Online - tuoitre.vn).
* Đối tượng dự thi:
Công dân Việt Nam và người nước ngoài (trừ phóng viên, cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ).
Mỗi tác giả gửi tối đa 2 bài.
* Giải thưởng:
Nhất: 30 triệu đồng.
Nhì: 20 triệu đồng.
Ba: 10 triệu đồng.
Và 3 giải khuyến khích: mỗi giải 5 triệu đồng.
Thời gian bắt đầu và kết thúc:
Bắt đầu nhận bài thi từ ngày phát động. Kết thúc và trao thưởng vào tháng 12-2018.
Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.
Bài thi gửi về: báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, VN. Hoặc email: khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn.
Ngoài bì thư hoặc tiêu đề bài dự thi gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận