Cảnh loài bạch tuộc cực hiếm đang "nhảy múa" - Nguồn: INSTAGRAM
Bà Jacinta Shackleton là một hướng dẫn viên lặn, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu động vật biển, hiện đang làm việc trên đảo Lady Elliot thuộc khu vực rạn san hô Great Barrier nổi tiếng.
Trong một chuyến đi lặn như mọi khi, Jacinta tình cờ phát hiện một sinh vật thân hình dài, nhiều màu sắc, đang bơi tung tăng với dáng vẻ cực kỳ khoan thai.
"Lúc đầu tôi chỉ nghĩ là một loài cá vây nào đó, nhưng tới gần mới phát hiện đó là loài bạch tuộc chăn. Tôi vui sướng tột độ đến nỗi hét qua ống thở của mình, vì có lẽ cả đời mới may mắn gặp được loài này một lần", Jacinta nói với Daily Mail.
Càng may mắn hơn khi Jacinta mang theo các thiết bị ghi hình và đã quay lại một trong những khoảnh khắc quý giá bậc nhất dưới đại dương.
Bạch tuộc chăn (Tremoctopus) hiện được các nhà hải dương học đánh giá là loài bạch tuộc kỳ lạ nhất. Họ hàng cùng chi chỉ có mỗi mình chúng.
Về ngoại hình, bạch tuộc có màng lớn liên kết các xúc tu lại với nhau thay vì hoạt động độc lập. Điều này làm cho các nhà khoa học nhìn chúng giống như một cái chăn (mền) di động. Đây được xem là cách để lẩn tránh những kẻ săn mồi dưới nước.
Bạch tuộc chăn hiếm gặp dưới đại dương - Ảnh: LLCS
Loài bạch tuộc này hiếm gặp là vì đặc tính sống ở đáy các đại dương sâu.
Hiện tại giới nghiên cứu vẫn chưa thể thống kê chính xác các số liệu về bạch tuộc chăn, một phần do các phát hiện về chúng còn quá mới. Mẫu vật sống đầu tiên chỉ được nhìn thấy vào năm 2002.
Bạch tuộc chăn có sự khác biệt ngoại hình rất lớn giữa con đực và cái. Trong khi bạch tuộc cái có thể dài tới 2m (như con mà Jacinta nhìn thấy), những con giống đực chỉ dài 2,4cm. Ngoài ra, con đực không có thân hình sặc sỡ như con cái.
Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng trong mỗi mùa sinh sản, những con bạch tuộc đực phải cạnh tranh khá khốc liệt với nhau để được giao phối với bạn tình. Tuy nhiên, phần lớn con đực khi hoàn thành nhiệm vụ duy trì giống nòi cũng sẽ chết ngay sau đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận