09/02/2017 06:15 GMT+7

Quây bạt kín làm lễ hiến sinh trâu trắng

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Đúng 0h10 ngày 9-2, nghi thức hiến sinh bắt đầu. Thay vì làm lễ treo cổ trâu đến chết, năm nay đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đã quây bạt kín để hiến sinh trâu trắng.

Trước khi được mang ra làm lễ hiến tế, “ông trâu” đã được nhiều người, nhất là các bạn trẻ đến bên vuốt ve, chụp ảnh - Ảnh: NAM TRẦN

Khoảng 11g đêm 8-2, ban tổ chức bắt đầu quây bạt kín khu vực làm lễ hiến sinh. Đồng thời người dân và du khách đã được mời ra khỏi khu vực sân đền và nơi làm lễ giết trâu. Lực lượng công an, cảnh sát cơ cộng được tăng cường để đảm bảo an ninh trật tự.

Ban tổ chức thường xuyên dùng loa nhắc nhở người dân giữ trật tự, không chen lấn vào sân đền để đảm bảo nghi lễ diễn ra an toàn, linh thiêng.

Mặc dù nghi lễ hiến sinh tế “ông trâu trắng” ở đền Đông Cuông diễn ra vào nửa đêm, nhưng vẫn có rất đông người dân đến tham dự.

Trước khi bắt đầu lễ giết trâu, ban tổ chức cũng đề nghị tất cả các phóng viên, báo chí không chụp ảnh, quay phim ở phía trong nơi làm lễ hiến tế mà chỉ được tác nghiệp ở bên ngoài nhà bạt.

Ban tổ chức đưa trâu vào khung cũi bằng thép được dựng từ chiều ngay cạnh gốc mít trước cửa đền - Ảnh: NAM TRẦN

Đến khoảng 1h sáng, nghi lễ giết trâu kết thúc và những đầu bếp địa phương được phân công từ trước tiến hành mổ trâu làm cỗ tế.

Nhiều người dân đã tranh thủ dùng tiền quệt vào máu trâu với quan niệm sẽ mang lại may mắn, tốt lành!

Nghi thức hiến tế trâu trắng tại đền Đông Cuông năm nay được thực hiện theo đúng chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan quản lý văn hoá là không treo cổ trâu trước sự chứng kiến của người dân, du khách. 

Yêu cầu thay đổi tập tục này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau của người dân địa phương. Trong khi có người đồng tình với sự thay đổi này vì cho rằng nếu vẫn để người dân chứng kiến cảnh treo trâu thì sẽ ghê rợn và không còn phù hợp với thời hiện đại hôm nay.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến bày tỏ niềm tiếc nuối khi phải thay đổi tập tục truyền thống bao năm qua. 

Đền Đông Cuông được tôn tạo vào thời Tiền Lê thờ Mẫu đệ nhị thượng ngàn, một bà mẫu gắn liền với thời kỳ người Việt còn sinh sống ở miền núi, xuống đồng bằng thì hình thành hệ thống tứ pháp (tứ phủ).

Năm 2009, đền Đông Cuông được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Lễ hội lớn nhất của di tích diễn ra vào ngày Mão đầu năm tháng Giêng hàng năm, với vật tế là một con trâu trắng và lễ rước kiệu Mẫu từ đền qua sông sang miếu Đức Ông Gềnh Ngai.

Lễ hội lớn thứ hai vào ngày Mão tháng chin âm lịch hàng năm với tục dâng gạo mới cốm xanh và mổ trâu đen dâng lễ.

Đúng 0g10 phút , lễ hiến sinh được bắt đầu dưới gốc cây mít, trâu được tế kín trong khu quây bạt - Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi bạt được tháo dỡ, nhiều người dân đã vào, lấy những tờ tiền quẹt vào vệt tiết trâu còn vương lại - Ảnh: NAM TRẦN
V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên