09/11/2010 15:08 GMT+7

Quảng Ngãi: tàu cứu hộ tàu bị chìm ở Lý Sơn gặp nạn

Nhóm PV - CTV TTO
Nhóm PV - CTV TTO

TTO - Thiếu tá Mai Ngọc Viên, trạm trưởng trạm kiểm soát biên phòng An Vĩnh, đồn biên phòng 328, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), cho biết đến 18g chiều 9-11, tàu vận tải Hải Long do ông Lê Văn Tấn làm thuyền trưởng vẫn đang bị trôi dạt trên biển do bị chết máy. Trên tàu hiện có 20 người.

* Người dân Lý Sơn phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng ít nhất 5 ngày* Phú Yên đã có 6 người chết và mất tích

Đây là một trong bốn chiếc tàu được điều động ra cứu hộ người và hàng hóa trên tàu Vĩnh Hải bị phá nước chìm khi đang trên đường chở khách và hàng hóa từ đất liền ra Lý Sơn trưa 9-11. Sau khi cứu nạn, khi đang trên đường trở về Lý Sơn thì tàu bị chết máy và bị sóng đánh trôi.

Hiện lực lượng bộ đội biên phòng đang tìm mọi cách ứng cứu tàu này trong điều kiện sóng to gió lớn.

* Người dân Lý Sơn phải chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm đủ dùng ít nhất 5 ngày. Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi tại công văn gửi hỏa tốc cho UBND huyện Lý Sơn trong việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm trên địa bàn.

UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện tiến hành rà soát, kiểm tra số lượng lương thực, thực phẩm hiện có trên địa bàn, tranh thủ thời tiết thuận lợi thu mua bổ sung dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng cần thiết để đủ cung cấp đủ cho người dân trên huyện đảo trong thời gian 1 tháng nếu bị cô lập.

Giao Sở Công thương Quảng Ngãi phối hợp với các sở ngành liên quan cùng phối hợp với UBND huyện Lý Sơn lập đoàn kiểm tra giá cả các mặt hàng cần thiết trên địa bàn huyện, ngăn chặn tình trạng đầu cơ tăng giá gây thiệt hại cho người dân.

Tàu tiếp tế ra Lý Sơn gặp nạn trên biển

Tin từ UBND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cho biết vào khoảng 12 giờ ngày 9-11, tàu vận tải mang tên Vĩnh Hải, ở huyện Lý Sơn, chở khoảng 70 tấn hàng hoá, xuất phát từ cảng Sa Kỳ, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, ra đảo Lý Sơn đã gặp nạn trên biển.

Theo thông tin ban đầu thì sau khi xuất phát ra khỏi cảng Sa Kỳ được khoảng 10 hải lí thì tàu đã bị sóng đánh hư hỏng nặng.

Hiện UBND huyện Lý Sơn đã khẩn cấp điều động tàu cao tốc An Hải từ cảng Lý Sơn ra ứng cứu; đồng thời đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng điều tàu từ cảng Sa Kỳ cùng ra để cứu nạn.

Phú Yên lại chìm trong lũ

Mưa lớn, kết hợp hồ thuỷ điện sông Ba Hạ xả lũ và thuỷ triều dâng cao làm nhiều vùng hạ lưu Phú Yên chìm trong lũ. Sáng nay 9-11, các lực lượng chức năng tổ chức cứu trợ người dân đang bị cô lập ở các vùng trũng thấp.

Tình trạng sạt lở tiếp tục xảy ra tại Núi Nhạn, Đèo Cả và đường Phước Tân, Bãi Ngà.

Sáng 9-11 nhiều hộ dân ở các vùng trũng thuộc thôn Phước Khánh, Quy Hậu (xã Hoà Trị), Đông Phước, Đông Bình (xã Hoà An) thuộc huyện Phú Hoà tiếp tục bị uy hiếp do nước lũ tiếp tục dâng cao. Nhiều hộ đã di chuyển đến các nhà cao để tránh lũ, số hộ khác cố thủ trong các ngôi nhà. Một số hộ thì tự di chuyển lên tuyến tránh Quốc lộ 1 A để tránh lũ vì nước tiếp tục lớn.

Bà Lê Thị Hường ở phía Tây tuyến tránh quốc Lộ 1A thuộc xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà cho biết: Nước lớn quá, bà cùng 3 con gái phải lên Quốc lộ tránh vì sợ nhà ngập sâu, không ra được. Đồ đạc thì đã đưa lên gác. Giờ phải lo an toàn con người trước, chuyện ăn uống của mấy mẹ con chưa biết tính sao.

xTjTDyuZ.jpgPhóng to
Nhà dân Hoà Trị (Phú Yên) bị ngập đến nửa nhà
L6HDE7Bh.jpg
Tỉnh đội Phú Yên và huyện đội Phú Hoà đưa hàng cứu trợ xuống thuyền đến các vùng cô lập.

Ông Võ Văn Vĩ, người dân tại vùng ngập sâu Phước Khánh, xã Hoà Trị, nói: "Nước đã ngập sâu gần nửa nhà, toàn bộ xưởng mộc đồ đạt trôi gần hết vì nước lên ban đêm không ứng phó kịp. Sáng nay tôi phải đưa con lên thuyền đến các nhà cao để tránh. Qua nay thức ăn chủ yếu là mì tôm cầm hơi vì hiện nay không thể nấu nướng gì được".

Trước tình hình này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh nhanh chóng điều động canô và cán bộ chiến sỹ phối hợp 3 trung đội của Huyện đội và công an huyện Phú Hoà triển khai ứng cứu bà con đang bị cô lập.

Trong sáng 9-11, 200 thùng nước uống, 300 thùng mì tôm do Sở Công thương Phú Yên cung cấp từ nguồn dự trữ của tỉnh đã được các lực lượng công an, quân đội đưa xuống nhân dân, giúp họ cầm cự qua đợt lũ.

Ông Hà Trung Kháng, Bí thư huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Phú Hoà, cho hay tại các vùng ngập sâu huyện Phú Hoà hiện còn khoảng 4.000 hộ dân nằm trong vùng uy hiếp cần cứu trợ ngay vì đợt lũ lần này là đợt thứ 3 liên tiếp kể từ cuối tháng 10 đến nay nên đời sống của người dân vùng trũng thấp Phú Hoà hết sức khó khăn

Sáng 9-11, ông Nguyễn Bá Lộc, Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Phú Yên, đã yêu cầu thuỷ điện Sông Hinh đóng nước kể từ sau 12g trưa ngày 9-11, riêng thuỷ điện sông Ba Hạ chỉ được xả lũ với lưu lượng bằng lượng nước về hồ, tức khoảng 4.000m3/s, tránh gây căng thẳng cho vùng hạ lưu sông Ba và hạn chế nước lớn trong đêm, nguy hiểm cho dân.

Tại huyện Tuy An, mưa lớn trong 3 ngày qua tiếp tục gây chia cắt 16 xã trên địa bàn huyện. Từ đêm 8-11, khu vực xã An Ninh Đông bị sạt lở do mưa lớn, làm sập 4 nhà dân và uy hiếp hàng chục hộ dân khác trong khu vực. Chính quyền địa phương đã triển khai di dời gấp các hộ trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Hiện nay, nước lũ đang lên ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa và Phú Hòa, gây ngập lụt, chia cắt và cô lập nhiều vùng. Riêng ở hai huyện phía bắc là Đồng Xuân và Tuy An, lũ sông Kỳ Lộ xuống nên hàng trăm người dân đi sơ tán đêm qua sáng nay đã trở về nhà.

EaEoX5eO.jpgPhóng to
Nước ngập trắng địa bàn thôn Phước Khánh (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên). Tuy nhiên, một số người dân vẫn “mạo hiểm” đi lại (Ảnh chụp vào lúc 10 giờ sáng ngày 9-11) - Ảnh: Ngân Sơn

* Sáng 9-11, tại km1294+820 (thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) quốc lộ 1A bị sụt lún nghiêm trọng. Một phần hai mặt đường bị một vết nứt kéo dài khoảng 60m, rộng khoảng 25cm và lún sâu 30-40cm so với phần đường còn lại.

LawkVVUv.jpgPhóng to
Vết lún trên quốc lộ 1A đoạn qua thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An, Phú Yên - Ảnh: P.NAM

Lực lượng của Công ty TNHH MTV Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên đã dùng rọ đá ngăn tạm vị trí sụt lún. Điều lo ngại nhất là điểm sụt lún nằm trên cao, nếu tiếp tục sụt lún và sạt lở có thể uy hiếp khu dân cư nằm dưới chân đường.

Được biết, đoạn quốc lộ 1A qua khu vực này từng bị sụt lún rất nặng vào các mùa mưa trước đây. Nguyên nhân, theo đánh giá của đơn vị chức năng, có thể do phía dưới nền đường có một túi bùn, bị nước ngầm làm nhão ra mỗi khi vào mùa mưa.

* Từ chiều 8-11 đến 12g30 ngày 9-11, khi Nhà máy thủy điện Sông Hinh tạm đóng nước sáng 9-11, huyện Sông Hinh đã huy động lực lượng cứu hộ tìm kiếm ông Trịnh Thiện (52 tuổi, trú tại thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh) nhưng vẫn chưa tìm thấy.

Trước đó, chiều 6-11, các ông Trịnh Thiện, Lê Văn Quang và Lê Văn Phong sau khi làm rẫy đã xuống khu vực thác Khói trên sông Hinh câu cá. Do mưa lớn và hồ thủy điện Sông Hinh xả lũ nên thác Khói bị cô lập, cả ba người đều bị kẹt lại giữa dòng suốt một đêm. Thấy nước ngày càng lớn, chiều 8-11 hai ông Quang và Phong liều mình bơi qua sông về nhà, còn ông Thiện ở lại và mất tích luôn đến nay.

Như vậy, trong đợt lũ lụt từ đầu tháng 11 đến nay, tỉnh Phú Yên đã có 6 người chết và mất tích.

Quy Nhơn: một số vùng lại bị cô lập

Sáng 9-11, nước lũ đồ về rất nhanh cộng với triều cường nên các xã khu Đông của huyện Tuy Phước, Phù Cát và hai phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) tiếp tục bị cô lập trở lại.

Ông Nguyễn Đình Huệ, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết lũ dâng trở lại đã làm cho 1.300 hộ dân ở các xã khu Đông của huyện bị cô lập, trong đó xã Phước Thắng có 2.300 hộ dân (hơn 11.000 người) bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày qua.

Trước tình hình này, huyện đã chuyển khẩn cấp 500 suất quà gồm mì tôm, nước uống để xã Phước Thắng cứu trợ cho người dân.

Đối với những địa phương khác, huyện cũng đang chuẩn bị lương thực, nước uống hỗ trợ người dân, không để người dân nào bị đói, khát.

Theo ông Trần Duy Thứ - Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), tối hôm qua nước rút rất nhanh nhưng đến sáng sớm nay lũ lại dâng cao trở lại làm cho hơn 3.000 hộ dân sống ở khu vực 2 đến khu vực 8 bị ngập sâu trong lũ từ 0,5m đến 1m nước.

Bà Nguyễn Thị Ngọ, Phó chủ tịch UBND phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn), cho biết hiện trên địa bàn phường có hai khu vực 3 và khu vực 8, với 800 hộ dân bị ngập sâu từ 1m đến 1,5m, người dân tự sơ tán đến những nhà cao hơn để tránh lũ.

Cũng theo bà Ngọ, rút kinh nghiệm đợt lũ năm ngoái, năm nay người dân trong phường đã chủ động dự trữ lương thực, nước uống nên đến giờ này chưa có hộ nào thiếu lương thực, nước uống.

Hiện nước lũ tiếp tục dâng cao, nguy cơ sẽ có thêm nhiều khu dân cư bị cô lập.

Ông Nguyễn Đình Tân, giám đốc Xí nghiệp Vận tải đường sắt Phú Khánh, cho biết sau một đêm tắc giao thông hoàn toàn, đến 7g50 sáng nay 9-11, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua khu gian Hảo Sơn - Đại Lãnh đã thông tuyến.

Trước đó, lúc 20g34 tối 8-11, một lượng đất đá lớn đã đổ xuống tràn lấp đường sắt tại km1230+490 thuộc địa bàn xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, làm hàng loạt đoàn tàu từ Bắc vào, từ Nam ra phải “đứng bánh” dọc các ga của hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa.

Ngành đường sắt đã huy động hàng trăm công nhân san ủi bùn đất, dùng thuốc nổ phá đá ngay trong đêm, đến gần 7g sáng nay thì nơi sạt lở đã được giải phóng, thông tàu.

Trước đó, lúc 23g20 tối 8-11, quốc lộ 1A qua đèo Cả thuộc địa phận tỉnh Phú Yên cũng đã thông xe hai chiều sau gần bốn giờ phải lưu thông hạn chế vì đất đá đổ xuống vùi lấp hơn 1/3 mặt đường. Khoảng 1.000m3 đất đá đã đổ xuống quốc lộ 1 qua đèo tại km1360+100.

Nhóm PV - CTV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên