Làng gốm Thanh Hà, Hội An - Ảnh: ĐỨC TÀI
Ngày 15-3, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành kế hoạch tổ chức Festival Nghề truyền thống vùng miền lần thứ nhất - Quảng Nam 2022. Theo đó, chương trình diễn ra trong năm ngày, khai mạc vào tối 30-4 tại quảng trường Sông Hoài (TP Hội An).
Sau đó sẽ có các hoạt động như Con đường nghệ thuật "Nghề truyền thống, di sản độc đáo miền Trung". Nội dung trình bày bằng mô hình trực quan gồm: Lịch sử phát triển làng nghề truyền thống, khu gian nhà cổ trưng bày sản phẩm làng nghề và trình diễn nghề truyền thống, biểu diễn Người thật việc thật các nghề truyền thống đặc trưng. Giao lưu và mua bán trực tiếp các sản phẩm được chế tác tại chỗ có sẵn và theo đơn đặt hàng của khách tham quan.
Bên cạnh đó có triển lãm sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, khởi nghiệp sáng tạo, đặc trưng vùng miền.
Ngoài ra sẽ có các tọa đàm: Những giải pháp bảo tồn, phát triển nghề trong thời kỳ hội nhập. Tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm chủ lực Quảng Nam. Dự kiến 250 đơn vị của Quảng Nam và một số tỉnh thành khác tham gia.
Festival là một trong những hoạt động trọng tâm của Năm du lịch quốc gia 2022, tái hiện sinh động nhất các giai đoạn phát triển nghề truyền thống của Quảng Nam nói riêng và các tỉnh thành khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên nói chung.
Qua đó giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, thành tựu, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất và con người Quảng Nam trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đến với du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và khu vực sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp cho việc gìn giữ, phát triển làng nghề Việt Nam.
Các hoạt động gắn kết làng nghề giữa các vùng miền được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá đến du khách trong, ngoài nước những bản sắc văn hóa, làng nghề... gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nghề truyền thống trong khu vực, hướng đến các giải pháp để bảo tồn, truyền nghề và phát triển nghề.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận