Bất kể là cửa hàng bán vịt quay, bán bún đậu hay cửa hàng may mặc, sửa xe máy... đều phải treo biển quảng cáo hai màu xanh - đỏ theo quy định của chính quyền - Ảnh: V.V.Tuân |
Hà Nội phố luộm thuộm như cách dùng chữ của GS Ngô Bảo Châu cần làm cho khác đi, mỹ quan hơn là điều không cần tranh cãi. Nhưng, làm bằng cách nào?
"Phố Lê Trọng Tấn mới được cải tạo trở thành tuyến đường kiểu mẫu đầu tiên của thủ đô. Tại đây, các biển hiệu quảng cáo được quy hoạch đồng bộ từ màu sắc, chiều cao đến kích cỡ… Chiều cao trung bình của các loại bảng biển quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2-3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m, được sơn 2 màu xanh và đỏ. Được biết, kinh phí lắp đặt bảng biển quảng cáo được TP Hà Nội tài trợ”.
Truyền thông đưa tin ban đầu như vậy.
Nhà văn Bùi Anh Tấn khề khà:
- Nhạc sĩ Trần Tiến thật tài tình, trong sáng tác của mình đã "tiên tri" ngày không xa, Hà Nội rồi sẽ... một màu xanh xanh chấm thêm vàng vàng (bài Sắc màu)... như "khu phố kiểu mẫu" đường Lê Trọng Tấn, vừa rập khuôn đơn điệu vừa nhàm chán thế này.
Hàng trăm ý kiến phản đối khác cũng quy về chuyện vì sao biến Hà Nội phố thành nơi ảm đạm, đơn điệu với những gam màu đơn sắc bắt buộc?
Người Hà Nội thật ra không xa lạ gì việc thống nhất màu sắc cho các tuyến phố, một ý định kỳ lạ mà lần nào đưa ra cũng tốn kém và bị phá sản.
Đơn cử như việc quy định phố hai màu năm 2010.
Theo đề án của UBND TP Hà Nội, bắt đầu từ tháng 4-2010 đến 6-2010, toàn bộ các ngôi nhà mặt tiền của 75 tuyến phố chính phải hoàn tất việc quét vôi, quét sơn, tháo dỡ, thay tỉa và sửa chữa các công trình kiến trúc tạm bợ gây mất mỹ quan đô thị... Kinh phí được dành cho việc này lên tới 50 tỉ đồng.
Các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nhà mặt phố phải tự bỏ tiền để chỉnh trang, còn các hộ nghèo, có thể được chính quyền hỗ trợ kinh phí để cùng làm. Đề án này cũng quy định: dù là nhà dân hay công sở, đều chỉ được sơn tường với hai màu cơ bản: vàng và xanh.
Giới kiến trúc sư bày tỏ quan điểm: Quét vôi nhà cửa để duy trì tuổi thọ công trình kiến trúc là việc làm bình thường của Hà Nội nhiều năm naỵ Trước đây, Hà Nội từng tiến hành quét vôi lại các ngôi nhà, có điều được thực hiện bởi những người am hiểu. Vì là người quản lý nhà, nên họ có bản vẽ từng ngôi nhà, để tiết kiệm được tốt nhất.
Quan trọng hơn, họ hiểu được nguyên tắc kỹ thuật: các ngôi nhà cổ của Hà Nội xây dựng bằng vữa vôi, nên dùng vôi để quét là phù hợp, hơn nữa vôi còn có giá trị để vệ sinh và lành tính với sức khỏe con người. Việc quét vôi phải đi đôi với sơn cửa, vệ sinh bề mặt nhà, quét bụi mái ngói mới hiệu quả.
Một người phụ nữ ở Hàng Mành ngay thời điểm đó đã nói với truyền thông: Màu tường nhà không phải chỉ là thích hay không thích, mà còn được gia chủ lựa chọn theo phong thủy nữa!
Vậy mà giờ đây, các điểm nhấn trong kiến trúc các ngôi nhà trên phố đã không còn cơ hội khoe vẻ đẹp riêng nữa. Gia chủ cũng không có quyền chọn màu theo phong thủy, dù ngôi nhà hoàn toàn là sở hữu hợp pháp.
Bởi trong "cuộc chơi" vô cùng tốn kém này, người ta đã nhấn chìm các cá tính sáng tạo trong kiến trúc của mỗi ngôi nhà, bằng với sự áp đặt về màu sắc. Không còn gờ, chỉ, họa tiết, hoa văn như kiến trúc gốc, chỉ còn lại "bộ đồng phục" màu vàng hoặc xanh đơn điệu, buồn tẻ và nhạt nhẽo.
Tốn tiền, tốn công đã đành, mà cái đem lại chỉ là những con phố nhàm chán và thiếu sinh khí. Khi tất cả các ngôi nhà trên gần 100 tuyến phố đều chung một đồng phục, dễ gợi cho chúng ta cảm giác đây như một khu đô thị mới xây, thậm chí, như một trại lính. Còn đâu niềm tự hào về sự phong phú, đa dạng của một thành phố cổ?
Nhắc lại câu chuyện cũ để thấy ý định “đồng màu” Hà Nội không mới và luôn gặp phản ứng gay gắt từ người dân và giới am hiểu nên lần nào cũng… từ từ rút lui trong im lặng.
Người Hà Nội, mà nói chung cả nước rất nhạy cảm với kỳ thay đổi nào về kiến trúc và chỉnh trang đô thị ở Hà Nội, thí dụ như vụ phản ứng đài “rau muống” ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đầu năm nay.
Giáp tết, người Hà Nội bỗng dưng… muốn khóc bởi một kiến trúc kỳ dị ngay sát hồ Gươm, dân mạng gọi là xuất hiện loài hoa lạ. Chụp ảnh đưa lên cho dân mạng xã hội lại càng rắc rối hơn, vì đúng là chín người mười ý. Người thì bảo hoa rau muống chứ còn gì nữa, màu tím, cọng thì to và xanh, dân ăn rau muống từ trẻ đến già, không dựng cột đèn biểu tượng hoa rau muống thì còn dựng hoa gì nữa.
Có người lại bảo không, đó là hoa cải phóng lớn, người lại bảo hoa loa kèn, tức huệ tây, vì chỉ có hoa tây nó mới to cồ cộ đến nỗi che kín hết cả cái đài phun nước bên trong. Đến khi có chú nói ấy là hoa diêu bông thì đám đông mới… chịu vì chưa ai thấy hoa diêu bông cả cũng như ngàn năm chưa thấy công trình nào kỳ lạ như cái đài hoa này.
Điểm thống nhất cao là nó xấu quá, nó làm cho Hà Nội hóa quê mùa, hóa bệnh bệnh, nói chung “chẳng ra làm sao”.
Chặn đứng cơn tranh cãi gây mất đoàn kết và rối loạn tiền đình trên mạng xã hội, Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội vào chiều tối 10-1-2016 đã cung cấp đáp án, đó là hoa tóc tiên. Loài hoa mảnh mai với chiếc cọng xanh thanh mảnh, sắc hoa tím hồng thường nở trước khi trời mưa nên còn được gọi là hoa báo vũ.
Ok, vậy là nó không phải là đài hoa rau muống.
Nhưng cho dù là tóc tiên hay tóc rối, sở cũng cho người tháo dỡ giàn hoa này về, bảo là chỉnh sửa lại vì sai so với thiết kế, dân tình hết chuyện cãi nhau cũng mất vui.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hay nhắc chuyện có lần người ta dùng màu hồng sơn tháp Rùa làm người Hà Nội phản ứng rất dữ, may mà thời tiết mưa gió làm sơn biến màu rêu phong như cũ nên thôi tranh cãi và cũng thôi ý định “đổi màu” tháp Rùa.
Có vẻ như như những nhà trị ở Hà Nội bị ám ảnh bởi màu sắc hay sao ấy, đây chỉ là suy diễn cá nhân của tôi.
Phố có hồn của phố, Hà Nội có hồn ngàn năm và những bí mật tinh tế của mình trong từng góc phố, căn nhà, con đường khám phá mãi không hết, làm nên sự quyến rũ mang tên Hà Nội.
Vậy thì, cớ gì lại quét vài màu sơn chói mắt lên một vật thể sống muôn màu?
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn có thể trao đổi với tác giả qua phần bình luận bên dưới hoặc gửi đến email: tto@tuoitre.com.vn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận