13/05/2016 10:07 GMT+7

Biển quảng cáo “đồng phục” gây bức xúc

V.V.TUÂN - XUÂN LONG
V.V.TUÂN - XUÂN LONG

TTO - Tuyến phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn với biển quảng cáo nhà hàng, tiệm quần áo, sửa xe máy, vịt quay hai màu xanh đỏ cùng kích thước gây bức xúc và "được" cộng đồng mạng bàn tán xôn xao những ngày qua.

Những biển quảng cáo dọc tuyến phố Lê Trọng Tấn đều được mang màu xanh hoặc đỏ và chữ trắng 
-  Ảnh: V.V.Tuân
Những biển quảng cáo dọc tuyến phố Lê Trọng Tấn đều được mang màu xanh hoặc đỏ và chữ trắng - Ảnh: V.V.Tuân

Phố Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội và cả Việt Nam dùng biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh - đỏ. Việc này gây ra những khó khăn, bức xúc cho người dân và nhiều ý kiến trái chiều của các luật sư, họa sĩ, kiến trúc sư...

Theo quan sát của PV, dọc tuyến phố này dù là nhà hàng ăn uống, quán vịt quay, quán cà phê, tiệm sửa xe máy, tiệm bán quần áo, giày dép... đều được treo biển quảng cáo có cùng kích thước, cùng độ cao và chỉ có hai màu nền xanh hoặc đỏ. Tên các cửa hiệu trên biển quảng cáo đều được in màu trắng.

Người ta đang hiểu nhầm về cái đẹp. Cái đẹp không chỉ là kích cỡ bằng nhau, chỉ có hai màu xanh - đỏ mới đẹp, còn các màu khác là xấu Họa sĩ

LÊ THIẾT CƯƠNG

Làm khó người dân

Người dân cho biết những biển quảng cáo này do Q.Thanh Xuân cử người đến treo cho từng nhà. Những biển quảng cáo khác màu, khác chữ, khác kích thước đều không được treo trên tuyến phố này.

Bà Nguyễn Thị Nga, chủ cửa hàng ăn, than thở nhà bà cùng nhiều hộ kinh doanh trên phố tốn hơn chục triệu đồng để làm biển quảng cáo, nhưng bị bắt phải dỡ xuống.

“Chúng tôi kinh doanh thì cần có những thương hiệu riêng, những biển hiệu riêng. Giờ biển quảng cáo nhà nào cũng giống nhau, khách hàng đến đều phải ngước lên tìm. Nói về mỹ quan thì đẹp, nhưng người dân buôn bán thì rất khổ, khách hàng khó nhận biết.

Hơn nữa, buổi tối biển quảng cáo phải có đèn thắp sáng để khách hàng nhìn thấy. Nhưng biển quảng cáo mới không được lắp đèn, nên buổi tối chẳng ai nhìn thấy gì cả” - bà Nga nói.

Một chuyên gia truyền thông nhận định biển hiệu cũng là bộ mặt của thương hiệu và việc bắt tất cả các thương hiệu phải “mặc một bộ quần áo giống nhau” sẽ cản trở việc kinh doanh của người dân.

“Ở khía cạnh kinh doanh, doanh nghiệp có quyền tự chủ về việc sẽ dùng bộ mặt như thế nào. Việc đồng bộ hóa các biển hiệu quảng cáo sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh của người dân bởi mỗi biển hiệu khác nhau mới giúp người ta nhận ra đặc trưng của các cửa hiệu.

Vậy nên về mặt thương hiệu, tôi cho rằng việc làm của UBND Q.Thanh Xuân có hại nhiều hơn có lợi. Còn về mặt luật pháp thì vi phạm quyền tự chủ của doanh nghiệp” - chuyên gia truyền thông nêu ý kiến.

Hiểu nhầm về cái đẹp

Tuyến phố “đồng phục” Lê Trọng Tấn những ngày qua được cộng đồng mạng bàn tán xôn xao. Nhiều người đã chế giễu việc làm này bằng những hình ảnh hài hước như thiết kế “thành phố kiểu mẫu” với các biển quảng cáo chỉ có ba màu xanh - đỏ - trắng, thiết kế bảng tên, logo, tên các thương hiệu lớn trên thế giới... chỉ với ba màu đó.

Dưới góc nhìn mỹ thuật, họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét: “Về mặt mỹ thuật tôi phản đối việc làm này. Tỉ lệ kích thước là một yếu tố vô cùng quan trọng của đồ họa quảng cáo. Về màu sắc cũng vậy, tại sao lại quan niệm chỉ có hai màu xanh (cực lạnh) - đỏ (cực nóng) là đẹp.

Ví dụ muốn quảng cáo mỹ phẩm thì trên cái nền màu trắng, chỉ cần thêm chữ màu da người “Ở đây bán mỹ phẩm” thì sẽ đẹp hơn rất nhiều so với chữ trắng trên nền đỏ. Bởi bản thân màu da người đó đã gợi cho người xem về mặt hàng mà cửa hàng kinh doanh rồi”.

KTS Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN - lại có ý kiến khác khi cho rằng tuyến phố Lê Trọng Tấn tuy chưa phải là hay nhưng đã làm cho phố sạch sẽ hơn, không nham nhở những quảng cáo rác, làm bẩn thị giác đô thị.

“Nhưng về lâu về dài Hà Nội cần phải xây dựng những thiết kế đô thị và phải nghiên cứu để biển quảng cáo sao cho phù hợp với từng mặt hàng mà người dân kinh doanh” - KTS Phạm Thanh Tùng nêu ý kiến.

Quy định trái luật?

Về khía cạnh pháp luật, luật sư Nguyễn Quang Ngọc (Công ty luật quốc tế Thiên Việt, Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích việc UBND Q.Thanh Xuân yêu cầu tất cả các hộ dân mặt đường Lê Trọng Tấn phải sử dụng biển quảng cáo một trong hai màu xanh hoặc đỏ và chữ trắng là quy định trái pháp luật.

Luật sư Ngọc phân tích: “Đối chiếu các quy định hiện hành của Luật quảng cáo thì không có quy định nào bắt buộc phải tuân thủ như yêu cầu của Q.Thanh Xuân. Bên cạnh đó biển quảng cáo còn là biểu tượng hoặc nhãn hiệu doanh nghiệp theo quy định tại điều 72 Luật sở hữu trí tuệ.

Trong trường hợp các nhãn hiệu này đã được bảo hộ, chủ doanh nghiệp đương nhiên có quyền thực hiện các hành vi quảng cáo đối với hàng hóa dịch vụ của mình miễn là không vi phạm quy định tại điều 8 Luật quảng cáo.

Việc ban hành lệnh cấm nêu trên sẽ làm cho UBND Q.Thanh Xuân có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại”.

Trả lời câu hỏi đối với các tổ chức, doanh nghiệp có logo quảng cáo và thương hiệu độc quyền có màu sắc truyền thống, việc lắp đặt biển hiệu có phải thực hiện theo các gam màu xanh - đỏ hay không, bà Phạm Thị Hương - trưởng Phòng văn hóa - thông tin Q.Thanh Xuân - thừa nhận thực tế hiện nay có nhiều đơn vị có màu sắc thương hiệu khác màu xanh - đỏ, quận tôn trọng điều này nhưng “đề nghị thực hiện việc chỉnh trang đảm bảo kích thước để tạo sự thống nhất đồng bộ”.

“Q.Thanh Xuân đã có hướng dẫn các đơn vị cung cấp các văn bản về việc công nhận màu sắc, logo và thương hiệu độc quyền để tổng hợp báo cáo thành phố cho các đơn vị thực hiện theo màu sắc đã được công nhận, tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị nào có ý kiến chính thức với UBND quận” - bà Hương cho hay.

Màu hòa bình và màu cờ Tổ quốc

Theo bà Vương Thị Vân Khánh - chánh văn phòng UBND Q.Thanh Xuân, tuyến đường Lê Trọng Tấn do Sở GTVT làm chủ đầu tư, UBND Q.Thanh Xuân được thành phố giao chỉnh trang cải tạo bề mặt phố.

Về màu sơn, bà Khánh cho biết trước khi thực hiện, UBND Q.Thanh Xuân đã thống nhất với Sở Quy hoạch - kiến trúc về gam màu cơ bản và được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, người dân không phải bỏ tiền mà do doanh nghiệp ủng hộ.

“Màu xanh tượng trưng cho thành phố vì hòa bình, còn màu đỏ là màu cờ Tổ quốc. Trong thực hiện cũng đã lấy ý kiến nhân dân và được người dân ủng hộ” - bà Khánh cho biết.

V.V.TUÂN - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên