Đến tham dự buổi hội thảo, đạo diễn Xuân Phượng đặt vấn đề về việc đưa văn học nghệ thuật ra quốc tế.
Bà hé lộ đang dịch cuốn sách Được sống và kể lại của nhà văn Trần Luân Tín để đưa ra nước ngoài.
Lý do bà chọn dịch quyển sách viết về chiến tranh này là: "Khi đọc sách tôi cứ khóc, vì nó hay quá và tôi nghĩ những tác phẩm hay như vậy xứng được thế giới biết đến".
Bà Xuân Phượng tâm sự bà luôn trăn trở về việc làm sao để văn học nghệ thuật Việt Nam được nhiều người biết đến.
Bà kể đi nhiều hội chợ sách quốc tế ở Pháp, Anh, Bỉ…, sách Việt Nam chỉ thấy 5, 6 tác giả, là Bảo Ninh, Minh Châu… Trong khi theo bà, những tác phẩm của các nhà văn hiện nay cũng rất hay, chẳng hạn tác phẩm của nhà văn Trần Luân Tín mà bà đang tổ chức biên dịch.
"Tôi nghĩ liên hiệp nên đặt vấn đề đối ngoại như là trọng tâm, cực kỳ quan trọng, mục tiêu là giới thiệu những tài năng Việt Nam ra thế giới" - bà nói.
Bà lấy ví dụ trường hợp nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm mà bà rất quý về tài năng. Vì vậy bà đã đưa nhiếp ảnh gia đi liền mười mấy nước, giúp bán sách, tổ chức triển lãm tại Pháp, Bỉ.
Lần đó khán giả chen nhau xem và thích thú với hình ảnh Việt Nam.
Bà vui vẻ nói những lần đó người ta bảo bà điên, tự nhiên mất công vì một nhiếp ảnh gia chẳng ai biết.
Nhưng bà vẫn nhẫn nại vận động các tổ chức để hỗ trợ quảng bá tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam.
Quảng bá tài năng văn nghệ sĩ Việt mất rất nhiều tâm sức nhưng bà Phượng vẫn miệt mài trong nhiều năm qua. Bởi bà khẳng định: "Văn học nghệ thuật Việt Nam có quyền có tiếng nói trên thế giới".
PGS.TS Trần Luân Kim rất ủng hộ suy nghĩ của bà Xuân Phượng. Ông cho biết ở Hàn Quốc người ta quan tâm đến vấn đề này, họ hỗ trợ và cả tặng thưởng cho những tác phẩm hay dịch sang tiếng nước ngoài.
Ông mong Nhà nước cần sớm có chính sách để mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu văn học nghệ thuật Việt ở nhiều lĩnh vực.
Nhà văn Kim Quyên cho rằng thời gian qua chúng ta đã có cố gắng nhưng cần làm mạnh hơn nữa. Bởi theo bà, chúng ta hiện có những tác phẩm tốt nhưng chưa được quan tâm đúng mức để giới thiệu với thế giới.
Có những tác phẩm phải đi đường tiểu ngạch hoặc có một số tác phẩm được chọn dịch nhưng chưa mang tính đại diện.
Triển lãm và hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM. Tại hội thảo, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để gợi lại những hồi ức đẹp, lịch sử hình thành liên hiệp, chín hội nghề nghiệp nằm trong liên hiệp.
Ngoài việc nhìn lại quá khứ, nhiều ý kiến còn quan tâm tới việc phát triển văn học nghệ thuật thành phố trong tương lai. Các đại biểu mong muốn văn nghệ sĩ thành phố được định hướng, được quan tâm hơn để sáng tạo ra những tác phẩm được công chúng công nhận.
Việc lưu giữ những di sản văn học nghệ thuật và đưa đến người trẻ cũng được nêu lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận