Đại Hội Nhà văn TPHCM lần 5:
Phóng to |
Từ trái sang: các nhà văn, nhà thơ Vũ Ân Thi, Dương Trọng Dật, Cung Văn, Nguyễn Quang Sáng, Sơn Nam, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Thị Kim... trước hội trường đại hội - Ảnh: T.N.V. |
Trong khi ban tổ chức đại hội phải thực hiện hai lần bỏ phiếu để bầu ban chấp hành gồm 11 người, các nhà văn đã tâm sự với nhau rất nhiều điều ưu tư về văn chương, kể cả trình bày chính thức trước đại biểu và bên lề đại hội.
Chất lượng tác phẩm văn chương đang yếu kém
Trong khi nhiều nhà văn đều tự nhìn nhận sự mờ nhạt của hoạt động văn học trong đời sống chung - nhất là trong một nền "văn hóa nghe - nhìn" đang phát triển đè bẹp "văn hóa đọc" - thì nhà phê bình văn học Lê Tiến Dũng cũng cho rằng mảng phê bình văn học của TP.HCM đang rất yếu kém. Lý do là “người viết phê bình thì không được gì cả, nhưng lại rất dễ đụng chạm. Cứ hình dung viết một bài phê bình, nếu đăng báo thì nhuận bút chẳng là bao, nhưng đụng chạm tới tác giả của tác phẩm mình phê, rồi thì mất lòng nhau, mất cả những mối quan hệ trong cuộc sống. Mà mối quan hệ thì rất quan trọng...”.
Trong khi đại hội đang bàn cãi về việc cơ cấu số lượng thành viên ban chấp hành bao nhiêu người là vừa đủ, có nên cho thôi những người già trên 70 tuổi hay không..., thì bên dưới hội trường, một vấn đề quan trọng của văn chương được nhà thơ Phạm Sĩ Sáu trăn trở: tư tưởng sáng tác của nhà văn. “Có cảm giác rằng mỗi nhà văn khi viết đều có mang trong đầu một tinh thần tự kiểm duyệt trước, vì sợ rằng mình viết như thế thì sẽ không được in, sẽ bị phê bình”.
Thật ra lý do của việc văn chương yếu kém là tại... nhà văn. Đây là nhận xét bên lề của nhà văn Tiến Đạt. Theo anh, “vấn đề quan trọng là bản lĩnh của mỗi nhà văn thôi. Ví dụ như có nhà văn biết rằng mình viết về những vấn đề nhạy cảm của chiến tranh sẽ bị nguy hiểm, tuy nhiên họ vẫn can đảm bày tỏ quan điểm của mình trên trang viết".
Sự yếu kém của văn chương TP.HCM còn được nhà thơ Vũ Trọng Quang ví von giống như người một chân mang giày cũ, một chân lại ướm thử chiếc giày mới. “Chân giày cũ trì kéo chân giày mới, nên hai chân không tới được. Sự thể nghiệm về hình thức được nhìn bằng đôi mắt dị ứng, thể nghiệm về nội dung thì được nhìn bằng đôi mắt nhiều dấu hỏi. Do vậy văn học TP.HCM có phần yên tĩnh, thiếu máu, thiếu bứt phá”.
Đầu tư và phát triển
Nhà văn Triệu Xuân - thành viên ban chấp hành - gây bất ngờ cho đại hội khi đăng đàn đề nghị tổng thư ký Hội Nhà văn nên công bố danh sách những nhà văn, tác phẩm đã được đầu tư trong thời gian qua “để tránh những bàn tán xì xào không đáng có”. Trong khi đó nhà văn Lê Văn Thảo - tổng thư ký hội nhiệm kỳ cũ - cho rằng lâu nay mình có đầu tư, hiệu quả thể hiện rằng đã có tác phẩm tốt, “vừa gửi hai tập truyện dự thi giải văn học nghệ thuật thành phố năm nay”.
Tuy nhiên, ông Thảo cũng thừa nhận lẽ ra phải đầu tư cho mảng tiểu thuyết. “Sắp tới hội sẽ chú trọng đầu tư cho công trình tiểu thuyết. Thực tế ở TP.HCM trước nay vốn ít cây bút viết tiểu thuyết, mà hội đầu tư thì cũng phải nhắm đến những tác giả đang có kế hoạch để tin chắc mình sẽ thu được kết quả”. Như vậy quả thật khó khăn, bởi nếu nhìn thẳng thắn vào những khoản đầu tư từ trước đến nay ở Hội Nhà văn TP, thì hầu hết đều đầu tư để in sách, tức đầu tư cho những tác giả đã có bản thảo rồi nhưng chưa có điều kiện in sách.
Nhà văn Triệu Xuân nêu ý kiến “liệu có cách nào đầu tư ngay từ khâu hình thành bản thảo, tạo nên “sức rướn” để nhà văn thực hiện bản thảo tốt?”. Nhưng cũng có người băn khoăn liệu đầu tư như thế có chắc sẽ có bản thảo tốt không? Câu trả lời từ thực tế trước đây đã cho thấy dường như không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận