02/07/2018 17:01 GMT+7

Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Việc đặt lực lượng Hải cảnh trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho thấy ý đồ tăng cường vai trò của lực lượng này trong các hoạt động mang tính cưỡng ép trên biển.

Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì? - Ảnh 1.

Tàu hải cảnh số hiệu 2901, một trong hai soái hạm 12.000 tấn của Hải cảnh Trung Quốc - Ảnh chụp màn hình

Kể từ ngày 1-7, quyền chỉ huy Hải cảnh Trung Quốc sẽ được chuyển từ Cục hải dương quốc gia Trung Quốc sang Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc (Vũ cảnh). Trước đó, quyền chỉ huy Vũ cảnh đã được chuyển hẳn cho Quân ủy Trung ương Trung Quốc kể từ ngày 1-1-2018 thay vì chịu sự quản lý kép Quân ủy - Quốc vụ viện. 

Như vậy, với sự thay đổi mới nhất, Hải cảnh sẽ chịu sự kiểm soát trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Điều này sẽ cho phép Hải cảnh có thể xuất hiện một cách đàng hoàng với tần suất nhiều hơn trong các cuộc tập trận và huấn luyện hàng ngày với Hải quân Trung Quốc. 

Nó cũng mở đường cho việc trang bị pháo hạm cỡ nòng lớn cho các tàu của Hải cảnh và vũ khí tấn công cho các sĩ quan, chiến sĩ Hải cảnh.

Khủng hơn tàu chiến

Có thể nói Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng vừa quen vừa lạ.

Quen vì các tàu của lực lượng này xuất hiện gần như toàn bộ các biến cố trên biển gần đây, chẳng hạn những trận đấu vòi rồng trên biển Hoa Đông giữa Hải cảnh Trung Quốc và Tuần duyên Nhật Bản, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 hay giành lấy quyền kiểm soát thực tế bãi cạn Scarborough từ tay Philippines năm 2012.

Nhưng lạ là bởi không ai biết chính xác lực lượng này có bao nhiêu tàu, chủng loại ra sao. Các nguồn kiểm điếm từ phương Tây cho hay Trung Quốc có 164 tàu hải cảnh với 16.300 nhân lực. Con số này chắc chắn đã lỗi thời vào thời điểm hiện tại sau khi nó liên tục được bổ sung các tàu hải quân cũ và đón nhận các tàu hải cảnh thế hệ mới.

Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì? - Ảnh 2.

Hai tàu hải cảnh lớp Type 818B (màu trắng) bên cạnh người anh em Type 054A của Hải quân - Ảnh chụp màn hình

Điều đáng nói, các tàu hải cảnh mới được biên chế đều có kích thước tương đương hay thậm chí lớn hơn các tàu của hải quân. Chẳng hạn, tàu hải cảnh số hiệu 2901 có lượng giãn nước lên tới 12.000 tấn, gấp rưỡi tàu khu trục lớn nhất hiện có trong biên chế của hải quân là Type 052D chỉ 7.500 tấn.

Hay như các tàu hải cảnh thuộc lớp Type 818B khi đặt cạnh các khinh hạm lớp Type 054A đều không hề kém cạnh, thậm chí có phần bề thế với đài chỉ huy được thiết kế cao hơn. Lớp tàu hải cảnh 4.000 tấn này chỉ kém "người anh em" bên hải quân về số lượng, với 8 chiếc so với 27 chiếc tính tới thời điểm tháng 12-2017.

Các tàu nhỏ hơn, từ 1.000 đến 2.000 tấn như lớp Type 718B được đóng mới và biên chế liên tục trong 2 năm gần đây, tốc độ không hề thua kém hải quân.

Việc đặt Hải cảnh dưới quyền của Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã ngay lập tức làm dấy lên sự lo ngại ở nhiều nước Đông Á. Nhật Bản, quốc gia thường xuyên có các cuộc chạm trán với Hải cảnh Trung Quốc ở quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku tỏ ra cảnh giác trước động thái từ Bắc Kinh.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành liên quan, bao gồm cả Lực lượng tuần duyên Nhật Bản để tiến hành tất cả các việc có thể làm liên quan tới việc thu thập thông tin tình báo và giám sát", Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định hồi tuần rồi.

Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì? - Ảnh 3.

Tàu hải cảnh 46303 được thiết kế dựa trên khinh hạm lớp Type 054A và được vũ trang pháo 76mm ở mũi tàu - Ảnh chụp màn hình

Vũ trang hay bán vũ trang?

Việc thiết kế các tàu hải cảnh dựa trên các bản thiết kế tàu hải quân khiến giới phân tích có thời gian suy đoán điều này nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Theo đó, trong trường hợp cần thiết, các tàu hải cảnh sẽ được hoán đổi, lắp thêm vũ khí và hệ thống điện tử để trở thành tàu chiến thực thụ.

Thực tế, trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không thực sự cần đến tàu hải quân để đối phó hay tiến hành các hoạt động mang tính cưỡng ép các nước trong khu vực. Bởi lẽ, Hải cảnh đã trở thành công cụ hiệu quả đến mức khiến lãnh đạo Trung Quốc bất ngờ trong việc thực thi các yêu sách chủ quyền vô lý của họ trên biển.

Quay trở lại câu chuyện giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014. Giai đoạn cao điểm Trung Quốc huy động hơn 100 tàu các loại, chia thành nhiều lớp để bảo vệ giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo quan sát và phân tích của các chuyên gia quân sự, về cơ bản trong sự kiện này Trung Quốc chia thành 3 lớp: tàu cá và lực lượng "ngư dân biển" là lớp ngoài cùng; hải giám và hải cảnh ở giữa; các tàu hải quân lớp trong cùng, gần giàn khoan nhất.

Trong đó, chiếm số lượng lớn là các tàu hải cảnh, chỉ có 7-8 tàu hải quân. Điều này cho thấy vai trò mang tính công cụ của lực lượng hải cảnh trong tham vọng kiểm soát biển của Trung Quốc. Theo một thống kê của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) công bố tháng 9-2016, trong số 45 vụ đụng độ trên Biển Đông kể từ năm 2010, Hải cảnh Trung Quốc góp mặt tới 30 vụ.

Việc đặt Hải cảnh dưới quyền Quân ủy Trung ương Trung Quốc, như vậy, là chỉ dấu cho thấy nó sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong các cuộc đối đầu ở những vùng biển tranh chấp trong tương lai.

​Hải cảnh Trung Quốc can dự vào hầu hết các vụ đụng độ ở Biển Đông ​Hải cảnh Trung Quốc can dự vào hầu hết các vụ đụng độ ở Biển Đông Đáng lo với đội tàu chiến đóng mới của Hải quân Trung Quốc Đáng lo với đội tàu chiến đóng mới của Hải quân Trung Quốc Trung Quốc đóng tàu chiến như gà đẻ trứng Trung Quốc đóng tàu chiến như gà đẻ trứng
DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên