07/09/2016 09:29 GMT+7

​Hải cảnh Trung Quốc can dự vào hầu hết các vụ đụng độ ở Biển Đông

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho thấy trong 45 vụ đụng độ trên Biển Đông từ năm 2010, lực lượng hải cảnh của Trung Quốc “góp mặt” đến 30 vụ.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc chạy cắt ngang tàu Cảnh sát biển Việt Nam hồi năm 2014 - Ảnh: Reuters

Kết quả thống kê được trình bày chi tiết tại chuyên trang ChinaPower của CSIS cho thấy, ngoài lực lượng hải cảnh, hải quân Trung Quốc cũng “tham gia” vào bốn vụ.

Số lượng các vụ đụng độ dày đặc nhất vào năm 2012 và 2014 là thời điểm Trung Quốc lần lượt xua tàu chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines (2012) và ngang nhiên đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (2014).

Ngân sách hàng năm của Trung Quốc dành cho lực lượng Hải cảnh cũng nhiều hơn các quốc gia khác trong khu vực. Trung bình mỗi năm Bắc Kinh chi 1,74 tỉ USD cho lực lượng này trong 5 năm qua, nhiều hơn con số 1,5 tỉ USD của Nhật Bản.

Bắc Kinh cũng được cho là đã mở rộng quy mô và trọng tải hạm đội hải cảnh lên hàng bậc nhất thế giới. Lực lượng này đang sở hữu tới 205 tàu, trong đó có 95 tàu có tải trọng hơn 1.000 tấn.

Ngoài việc hoán cải các tàu chiến cũ của hải quân thành tàu hải cảnh, Trung Quốc còn cho đóng thêm hàng loạt các tàu tuần tra loại lớn, đáng kể nhất là hai tàu hải cảnh số hiệu 3901 và 2901 với lượng giãn nước đầy tải lên tới 12.000 tấn.

Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh khu vực của CSIS, cảnh báo rằng trong khi nguy cơ xung đột trên biển giữa các lực lượng hải quân vẫn hiện hữu, không nên đánh giá thấp sự nguy hiểm của các vụ đụng độ liên quan tới lực lượng tuần duyên.

Các hành động cứng rắn của hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông có nguy cơ đẩy khu vực vào tình trạng mất ổn định. Chuyên gia này nhấn mạnh, cách mà Bắc Kinh đang tiến hành trên Biển Đông đi ngược lại những nhiệm vụ thông thường một lực lượng tuần duyên.

“Chúng tôi nhận thấy có nhiều vụ bắt nạt, quấy rối và đâm tàu nhắm vào các nước có các tàu bảo vệ bờ biển và tàu cá nhỏ hơn nhiều”
Bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về an ninh khu vực của CSIS

Bà Glaser lo ngại, trong ngắn hạn, số lượng thương vong trong những vụ đụng độ kiểu này có thể trở nên tồi tệ hơn khi tần suất và cường độ của những sự cố như vậy đang ngày càng gia tăng.

Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về kết quả thống kê nói trên, Reuters cho biết.

Được biết, Trung Quốc và ASEAN đang chuẩn bị ký Bộ quy tắc ứng xử cho những đụng độ ngoài ý muốn trên biển (CUES) nhằm hạn chế các trường hợp đáng tiếc xảy ra trên Biển Đông trong tương lai.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 2-9, bà Helen de la Vega, Trợ lý Ngoại trưởng Philippines, tiết lộ CUES sẽ được thông qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra tại Lào.

Giới chuyên gia nhận định mặc dù đây là một bước tiến trong nỗ lực kiềm chế và quản lý căng thẳng trên Biển Đông, song vẫn chưa đủ.

Nhà nghiên cứu Ashley Townshend tại Đại học Sydney (Úc) nhấn mạnh: “Thông qua CUES cho lực lượng hải quân là chưa đủ, bộ quy tắc này cũng nên được áp dụng cho cả các lực lượng tuần duyên của các nước”.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên