26/04/2013 00:16 GMT+7

"Quán rượu bồi" trên lưng đèo

THỦY TRẦN
THỦY TRẦN

TTO - Chỉ những ngày chợ phiên hay có hội thì quán mới xuất hiện trên những đường đèo xa hun hút. Một nét văn hóa ẩm thực của riêng cao nguyên đá, đủ để ám ảnh như tiếng khèn môi của chàng trai người Mông cất lên gọi bạn tình.

AmyJfcxV.jpgPhóng to
Quán rượu lãng mạn bên đường - Ảnh: Thủy Trần

1. Chuyến đi đầu tiên lên miền cao năm 2006, nhóm chúng tôi đã đầy bất ngờ và thích thú khi bắt gặp trên con đường từ Mèo Vạc về Mậu Duệ (Hà Giang) một quán cóc đơn sơ nhưng vô cùng ấn tượng. Những chiếc quán kiểu này lữ khách đường xa vẫn gặp thường xuyên trong nhiều hành trình sau đó. Một nét văn hóa ẩm thực của riêng cao nguyên đá.

Đặc điểm của những quán rượu này là mở ngay trên lưng đèo hay đâu đó giữa ngã ba đường, không nhất thiết phải dưới một gốc cây to như bao quán cóc của đồng bằng Bắc bộ. Quán nằm ngay bên đường, tựa lưng vào núi hay ngay bên mép vực cũng không sao, chỉ cần là nơi có nhiều người dân tộc đi bộ về ngang.

Quán chỉ có một chiếc bàn mộc, dăm ghế ghỗ, vài chai thủy tinh đựng rượu ngô, ca rót rượu, một chục bát nhựa, và có thể thêm một chiếc điếu cày.

Không phải ngày nào cũng mở quán. Chỉ những ngày chợ phiên hay có hội thì những chiếc quán như thế này mới thấy xuất hiện bên đường. Quán là nơi đồng bào đi chợ, đi hội về ngang, dừng chân uống thêm bát rượu, chia sẻ câu chuyện với bạn đường, kề cà cho đến hết buổi, hết một ngày vui.

9wBDSHYc.jpgPhóng to
Say... - Ảnh: N.V.C

2. Ẩm thực vốn dĩ là niềm vui của ngày chợ phiên nên đồng bào dân tộc khi đi chợ là phải uống rượu, ăn thắng cố, mèn mén hay vài thứ bánh trái địa phương truyền thống. Thường khi rời chợ là đã say bềnh bồng. Thế nhưng trên đường về sẽ lại ghé quán rượu bên đường, “bồi” thêm vài bát thứ nước chưng cất từ ngô trong leo lẻo như giọt sương mai mà sao lại cay đến tê dại đầu môi.

Bởi thế mới có tên là “quán rượu bồi”. Sau bát rượu bồi, cái chuyện trong lòng lại có dịp “bước ra” lơ lửng ngoài lưng núi, vui có, buồn có, nước mắt có... Phiên chợ nào cũng thế, không chán bao giờ.

Từ lúc nhóm người miền xuôi xách xe lang thang rong ruổi trên mọi nẻo đường miền ngược, bỗng nhiên một ngày thấy yêu và gắn bó với “quán rượu bồi”. Lữ khách cũng như đồng bào miền cao qua đường thì dừng chân, uống chén rượu làm đầu câu chuyện với chủ quán và với bất kỳ ai có mặt ở “quán rượu bồi”.

Không phân biệt sang hèn, không phân biệt xuôi ngược, không phân biệt gái trai, không phân biệt niềm vui, nước mắt. Chủ quán mời lữ khách, khách mời rượu đồng bào. Cái tình thân ái cứ từ đó mà siết vòng ấm áp, lòng người nhẹ bẫng, hân hoan.

2mwQwPB7.jpgPhóng to
Bên "quán rượu bồi", mỗi người có một cách để thu giữ cảm xúc cho riêng mình - Ảnh: N.V.C.

3. Tôi hay dừng chân trên đèo Mã Pì Lèng, ngã ba Mèo Vạc - Săm Pun hay trên con đường vời vợi vào Xín Cái. Chỗ đông như ngã ba Mèo Vạc - Săm Pun thì có khi có đến hai bàn rượu bồi, chỗ khác thường chỉ có một bàn mà thôi.

Một chiếc quẩy tấu là gùi được cả gánh hàng, mở từ sáng đến chiều, bán hết chỗ rượu cũng không chắc có đủ trăm nghìn giắt túi. Nhưng những gương mặt người, những câu chuyện kể, những phút dừng chân, từ chủ đến khách hẳn mỗi người có một cách để thu giữ cho riêng mình, làm giàu lên trong tâm hồn thứ cảm xúc không phải ai cũng có thể cảm nhận và hiểu được.

Nếu chưa một lần dừng chân, sà xuống và uống tràn miệng một bát rượu ngô trên lưng chừng đèo...

THỦY TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên