* Ông Gaddafi đi đâu?* Các công ty dầu mỏ phương Tây trở lại Libya
Phóng to |
Viễn cảnh bất ổn vẫn kéo dài?
“Thời gian đã hết”, Reuters dẫn lời Franco Frattini, Bộ trưởng ngoại giao Ý, nước mẫu quốc cũ của Libya thời thuộc địa. Ông Frattini cũng nói lực lượng chính phủ giờ chỉ còn kiểm soát 10-15% Tripoli.
Trong hai ngày giao tranh vừa qua, 376 người đã thiệt mạng và khoảng 1.000 người bị thương, Reuters dẫn lời một quan chức chính phủ, dù những con số đó tạm thời chưa thể xác minh. Nhiều nhà phân tích lo ngại một viễn cảnh bất ổn kéo dài và cuộc nội chiến có thể tiếp diễn ngay cả khi ông Gaddafi đã ra đi. “Chúng ta đang được chứng kiến lịch sử”, Thủ tướng Thụy Điển Fredrik Reinfeldt nói, nhưng ông cảnh báo tình trạng hỗn loạn như ở Iraq có thể lặp lại: “Nguy cơ về những hành động báo thù và bạo lực không thể kiểm soát là có thật”.
Trung Quốc và Nga, hai cường quốc từng chỉ trích chiến dịch tấn công Libya của NATO vào tháng 3, cũng đã thừa nhận bối cảnh mới ở quốc gia Bắc Phi này. Tại Bắc Kinh, Bộ ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nói nước này tôn trọng lựa chọn của người dân Libya.
Các công ty dầu mỏ phương Tây trở lại Libya
Trong khi đó, ngay khi xuất hiện những dấu hiệu hòa bình đầu tiên, các công ty dầu mỏ phương tây đã lên tiếng về việc trở lại Libya. Ngoại trưởng Ý Frattini nói công ty dầu mỏ và khí đốt hàng đầu nước này Eni đã cử nhân viên tới Libya để bắt đầu khôi phục lại cơ sở hạ tầng khai thác.
Hãng dầu khí Anh BP cũng khẳng định sẽ trở lại Libya tiếp tục các cuộc thăm dò “khi tình hình cho phép”. BP đã di tản các nhân viên của họ vào tháng 2 khi các cuộc biểu tình chống nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bùng phát thành bạo lực. Những hãng khác, như công ty dầu khí quốc gia Vitol của Qatar, một nước vùng Vịnh đã tham chiến tích cực bên phía liên quân, cũng sẽ nhảy vào cuộc cạnh tranh với các hãng lớn của Mỹ và châu Âu. Trong ngày 22-8, cổ phiếu của các hãng dầu khí Eni, OMV (Áo) và Total (Pháp) tăng 3-5%, bất chấp việc giá dầu giảm nhẹ.
“Chúng tôi không có vấn đề gì với những nước phương tây như các công ty của Ý, Pháp và Anh, nhưng chúng tôi có thể có vấn đề chính trị với Nga, Trung Quốc và Brazil”, Abdeljalil Mayouf, giám đốc thông tin của hãng dầu khí AGOCO, do lực lượng nổi dậy lập ra, nói với Reuters. Ba nước mà Mayouf nêu tên đã phản đối việc tấn công Libya. Trước chiến tranh, Libya sản xuất khoảng 2% trữ lượng dầu mỏ toàn cầu, tương đương 1,6 triệu thùng mỗi ngày và có trữ lượng đủ để khai thác ở mức đó trong vòng 80 năm.
Trước chiến tranh, có khoảng 75 công ty Trung Quốc hoạt động tại Libya, với 36.000 nhân viên ở 50 dự án, theo thông tin từ truyền thông Trung Quốc.
Các công ty Nga, bao gồm Gazprom và Tatneft, cũng có những dự án trị giá hàng tỉ USD ở Libya.
Brazil có hãng dầu khí Petrobras và tập đoàn xây dựng Oderbrecht. Những tay chơi lớn khác trên các mỏ dầu ở Libya là Total của Pháp, nước tỏ ra hung hăng nhất trong cuộc tấn công chế độ Gaddafi, và Wintershall của Đức.
Các nhà phân tích đều nhất trí rằng Eni và Total là những công ty thắng lớn do quốc gia của họ đã ủng hộ mạnh mẽ lực lượng nổi dậy. Cuối cùng, các công ty Mỹ có làm ăn ở Libya trước chiến tranh là Marathon, ConocoPhilips, Hess và Occidental.
Ông Gaddafi đi đâu? Đài truyền hình A-rập al-Jazeera cho biết hai chiếc máy bay đang đợi sẵn ở phi trường Tripoli để đưa nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi rời đất nước, nhưng chưa ai biết ông sẽ đi đâu. Danh sách những địa điểm có thể đến khá dài. Venezuela là nơi ông Gaddafi có người bạn trung thành Hugo Chavez. Saudi Arabia từng là nơi tị nạn cho Idi Amin, nhà lãnh đạo khét tiếng của Uganda. Tunisia là nơi vợ và con gái của ông Gaddafi đã sang tị nạn từ tháng 5. Ngoài ra còn có Zimbabwe, Uganda, Nam Phi và một số nước châu Phi khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận