● Báo VNCA số 201 (ngày 3-6-2013), bài Mừng thầy Hoàng Xuân Nhị đã lên tên phố, đoạn mở đầu viết “thầy sinh 1914, mất 1991”. Nhưng đoạn tiếp theo lại có câu: “Chỉ còn một vài tháng nữa, thầy đã ở tuổi 100”. Từ chỗ thọ 77 tuổi (hoặc 78, nếu tính theo âm lịch), bỗng chuyển thành “tuổi 100”, chênh lệch hơi bị nhiều, cô Tú nhỉ!?
TRẦN DUY HẠNH (Hải Phòng)
- Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nguyễn Q.Thắng - Nguyễn Bá Thế; NXB Văn hóa; 1997); Giáo sư Hoàng Xuân Nhị sinh năm 1914 (Giáp Dần) và mất năm 1990 (Canh Ngọ). Như vậy, ông thọ 76 tuổi. Riêng câu “vài tháng nữa, thầy đã ở tuổi 100”, có lẽ tác giả muốn nói đến dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS Hoàng Xuân Nhị (1914-2014). Nhưng theo Tú tôi, đối với người đã mất, viết kiểu đó rất dễ bị hiểu lầm.
Quá ít và quá liều
● Trong quyểnNghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 & mùa xuân 1975 (Nxb Lao Động) có đoạn viết: “Số quân Mỹ đến tháng 12 năm 1967 ở Việt Nam là 85,600”. Theo tôi quân số này so với thực tế là quá ít (kể cả khi thay dấu phẩy bằng dấu chấm).EM BI (Đồng Nai)
- Số lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam (chưa kể quân đội của chính quyền Sài gòn và các nước chư hầu) vào cuối năm 1967 đã lên đến hơn 500.000 người.
“Đất nước Macau” (?)
● Sách Cẩm nang du lịch Trung Quốc, Hồng Kông, Macau, Đài Loan của Vietravel, phần “Văn hóa phong tục tập quán ở Macau” có đoạn viết: “Ảnh hưởng của 8.000 năm văn hóa Trung Quốc pha trộn với văn hóa của thương nhân Bồ Đào Nha đã tạo nên nét riêng biệt của đất nước Macau”.
Cô Tú có ý kiến gì về đoạn trích trên?
LÊ VĂN DŨNG (TP.HCM)
- Lịch sử Trung Quốc tuy lâu đời, nhưng chỉ mới “ngót 5.000 năm” thôi, nói “8.000 năm” là… lố! (Xem “Lịch sử Trung Quốc 5.000 năm” của Lâm Hán Đạt và Tào Dư Chương; bản dịch của Trần Ngọc Thuận; NXB Văn hóa Thông tin - 1997). Mặt khác, Áo Môn (Ma Cao) trước đây là thuộc địa của Bồ Đào Nha, nhưng kể từ tháng 12-1999 đến nay được chuyển giao lại cho Trung Quốc, trở thành “đặc khu hành chính” của nước này (cùng với Hương Cảng, tức Hồng Công). Do đó, viết “đất nước Macau” là không chính xác.
Vancouver ở đâu?
● Báo BR-VT Chủ nhật (ngày 7-7-2013), bài Vancouver, thành phố kính vạn hoa, tác giả V.B viết: “Thành phố biển Vancouver nằm trên hòn đảo cùng tên, phía Tây Nam Canada, gần giáp bang Alaska của Mỹ…”.
Ở “Tây Nam Canada” làm sao giáp bang Alaska của Mỹ (ở Tây Bắc) được hở cô Tú?
VŨ QUỐC TUẤN (Bà Rịa - Vũng Tàu)
- Thành phố Vancouver và đảo Vancouver cùng thuộc tỉnh bang British Columbia của nước Canada, nhưng thành phố Vancouver không “nằm trên hòn đảo cùng tên”, mà nó nằm ở đất liền. Đây là thành phố cảng lớn nhất Canada, với diện tích - kể cả vùng đô thị - gần 3.000km2, dân số khoảng 2,7 triệu người. Nó cũng không “giáp bang Alaska”, mà giáp với tiểu bang Washington của Mỹ. Lẽ ra tác giả nên tra cứu bản đồ cẩn thận trước khi viết dạng bài kiểu này!
Niên biểu của chuyện tình màu tím hoa sim
● Báo ĐS&PL, bài Kịch bản hôn nhân trời định có đoạn kể: “Sau 9 năm đi kháng chiến, Hữu Loan về quê gặp lại cô bé Ninh thuở nào, nay đã là một thiếu nữ; hai người trở thành vợ chồng. Cũng năm ấy, năm 1948, cô Ninh chết”... Vậy là Hữu Loan tham gia kháng chiến từ năm 1939?
LÊ SẮC (TP.HCM)
- Cụm từ 9 năm kháng chiến tính từ đêm 19-12-1946 - (đêm mở đầu với trận đánh ở Hà nội và sáng hôm sau, chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến) đến sau khi hiệp định Geneve kết thúc ở bàn hội nghị vào đầu tháng 8 năm 1954. Nhà thơ Hữu Loan tham gia Việt Minh từ năm 1943. Đầu năm 1948, ông 33 tuổi, kết hôn với cô Lê Đỗ Thị Ninh 17 tuổi. Khoảng 4 tháng sau ngày cưới, cô Ninh bị tai nạn chết đuối trong khi đi giặt ở sông Chuồng. Ông viết bài thơ Màu tím hoa sim trong khi dự lớp chỉnh huấn ở Nghệ An vào năm 1949. Như vậy chuyện tình và cuộc hôn nhân và bài thơ này của ông diễn ra trong thời kỳ kháng chiến chín năm chứ không phải “sau 9 năm đi kháng chiến”.
Tuổi Trẻ Cười số 483 ra ngày 1/09/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận