30/07/2010 07:51 GMT+7

Quản lý tài chính yếu kém, nhiều tổng công ty thua lỗ

MINH QUANG
MINH QUANG

TT - Kết thúc kiểm toán năm 2009 về niên độ ngân sách năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan cấp dưới xử lý tài chính 14.768 tỉ đồng; đồng thời kiểm điểm, xử lý trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm.

Cũng trong đợt kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra nhiều tổng công ty (TCT) nhà nước thua lỗ nặng do những yếu kém về quản lý tài chính... Thông tin này được KTNN đưa ra trong buổi họp báo sáng qua 29-7.

Chưa kiểm toán Vinashin do thanh tra đang làm

Trả lời câu hỏi về việc tại sao chưa tiến hành kiểm toán tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), phó tổng KTNN Lê Minh Khái cho biết từ trước năm 2006, khi đơn vị này chỉ mới là TCT, chưa lên tập đoàn, KTNN đã có kiểm toán. Đến năm 2010, KTNN có đưa Vinashin vào kế hoạch thực hiện kiểm toán nhưng do Thanh tra Chính phủ đã có kế hoạch thanh tra nên cơ quan kiểm toán tạm dừng kiểm toán đơn vị này.

Theo báo cáo của KTNN về kết quả kiểm toán tại các doanh nghiệp nhà nước, nhiều TCT nhà nước làm ăn thua lỗ hàng trăm tỉ đồng. Năm 2008, KTNN kiểm toán 183/242 doanh nghiệp hạch toán độc lập thuộc 20 TCT, xác định 88% doanh nghiệp (161/183) có lãi. Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế của 20 TCT đạt trên 16.600 tỉ đồng. Tuy nhiên, KTNN khẳng định nhiều TCT bị thua lỗ lớn và có tình trạng “lãi giả, lỗ thật”.

Trong công tác quản lý tài chính, nhiều TCT tỏ ra yếu kém, có nhiều khoản nợ khó đòi và trở thành những khoản lỗ tiềm ẩn trong tương lai. Tổng nợ phải thu của 20 TCT tính đến 31-12-2008 là trên 26.600 tỉ đồng, nhiều khoản thu khó đòi tồn đọng từ nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, TCT Hàng không Việt Nam phải thu của Pacific Airlines trên 51 tỉ đồng, Công ty thương mại và xuất khẩu Viettel thuộc Tập đoàn Viettel (khi đó còn là TCT) để nợ quá hạn 79 tỉ đồng...

Ông Lê Minh Khái, phó tổng KTNN, cho biết vẫn còn 10 TCT đầu tư ra ngoài ngành, chủ yếu vào các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản và quỹ đầu tư. Trong đó, TCT Hàng không Việt Nam đầu tư ra ngoài trên 265 tỉ đồng, TCT Lương thực miền Nam trên 120 tỉ đồng... Tuy nhiên, ông Khái cho rằng việc đầu tư ra ngoài ngành nếu đúng chủ trương, nguồn vốn cho phép và có hiệu quả thì vẫn được chấp nhận. Trong số 10 TCT đầu tư ra ngoài có TCT Bến Thành, TCT Du lịch Sài Gòn đầu tư qua đấu giá hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán bị thua lỗ lớn.

MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên