Phóng to |
Một báo cáo nghiên cứu của Cơ quan Môi trường và Quản lý năng lượng (Ademe) của Pháp đã khuyến cáo như vậy và đề xuất một số nguyên tắc căn bản tôn trọng môi trường tự nhiên. Báo cáo phân tích vòng đời của một chiếc quần jean từ lúc còn ở ngoài cánh đồng trồng bông vải cho đến khi bị ném vào sọt rác.
Các chuyên gia nêu kỹ từng chi tiết việc góp phần gây tác hại môi trường của một chiếc quần bằng vải denim xanh nặng 600 gam, vải lót bằng polyester nặng 38 gam, một nút cài và 6 đinh tán mép túi. Chiếc quần này được người chủ mặc mỗi tuần 1 ngày trong vòng 4 năm, được giặt sau mỗi 3 lần sử dụng trong máy giặt ở nhiệt độ nước 40 độ C và được ủi sau khi giặt. Mỗi công đoạn nói trên đều tiêu hao điện năng và gián tiếp gây hại cho môi trường.
Các chuyên gia lưu ý rằng mua một chiếc quần dệt từ sợi bông vải trồng ở Ấn Độ hoặc trồng ở Ai Cập có ảnh hưởng khác nhau đến môi trường do việc vận chuyển tiêu hao thêm năng lượng. Cây bông không được chăm bón bằng phân hóa học sẽ ít gây hại cho các con sông và mạch nước ngầm hơn.
Cuối cùng, sẽ là một thảm họa sinh thái nếu chiếc quần được sản xuất tại một quốc gia không có luật lệ quy định về việc xử lý nước. Bởi vì trong các công đoạn nhuộm hoặc làm bạc màu quần đều thải ra những hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước. Khi sử dụng quần jeans, chúng ta càng giặt nhiều chừng nào càng gây hại cho môi trường chừng ấy, do máy giặt và bàn ủi đều sử dụng điện.
Theo tác giả báo cáo Nadia Boeglin, các loại quần jeans cao cấp, đòi hỏi phải giặt khô, còn gây hại môi trường nhiều hơn giặt bằng nước do tiêu hao nhiều năng lượng và sử dụng nhiều loại hóa chất độc.
Bà Boeglin cho rằng nhiều nhà sản xuất đang chuẩn bị tung ra thị trường loại quần jeans ít gây hại cho môi trường. Về sử dụng, bà khuyên nên giữ một số nguyên tắc căn bản như: Mặc chiếc quần 2 ngày trong tuần thay vì 1 ngày, giặt sau 5 lần sử dụng thay vì 3 lần và nên giặt bằng nước lã thay vì nước nóng; nên sử dụng ít và hiệu quả bột giặt; nên bỏ qua khâu ủi và không nên sấy bằng máy. Cuối cùng bà lưu ý lượng khí thải khi đốt chiếc quần jeans bỏ đi trong lò thiêu rác tương đương với khói phun của một chiếc xe gắn máy chạy suốt 337 km.
Bà Boeglin nói thêm: “Chúng ta tập trung vào chiếc quần jeans, nhưng mỗi vật dụng thường ngày cũng đều đi kèm với vấn đề tác hại môi trường tương tự như vậy. Khi chúng ta chú ý một chút, chúng ta có thể tiết kiệm được 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Vấn đề này thuộc về thái độ cư xử của chúng ta đối với môi trường”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận