18/10/2015 05:45 GMT+7

Quan hệ của VFF và truyền thông: Là đối tác, đừng là đối thủ

SĨ HUYÊN - KHƯƠNG XUÂN ghi
SĨ HUYÊN - KHƯƠNG XUÂN ghi

TT - Đây là mong muốn chung của các nhà báo - khách mời diễn đàn Hiến kế cho bóng đá Việt của báo Tuổi Trẻ.

 
Nếu hợp tác tốt, truyền thông sẽ là một tác nhân thu hút người hâm mộ đến các sân bóng - Ảnh: Q.Minh
Nếu hợp tác tốt, truyền thông sẽ là một tác nhân thu hút người hâm mộ đến các sân bóng - Ảnh: Q.Minh

* Nhà báo Phạm Tấn (báo Thể Thao & Văn Hóa):

Tận dụng mạng xã hội để tiếp cận người hâm mộ

Bóng đá và truyền thông thời gian qua đều có “vấn đề” trong việc cùng nhau hợp tác để phát triển. Với truyền thông, tôi cho rằng truyền thông đã có góc nhìn quá tiêu cực, hoặc chủ yếu tập trung phản ánh những tiêu cực của bóng đá. Hàng chục năm qua, người hâm mộ vì thế đã tiếp cận với bóng đá thông qua lăng kính tiêu cực của truyền thông, khiến họ ngày càng thất vọng và rời xa bóng đá Việt. Tuy nhiên, lỗi của truyền thông lại bắt nguồn từ nền bóng đá VN với hai vấn đề: 1- Bóng đá Việt còn nhiều tồn tại. 2- Quan niệm hay sự đánh giá về truyền thông là chưa tương xứng.

Người làm bóng đá lâu nay dường như không coi truyền thông là kênh quan trọng để tiếp cận với người hâm mộ. Ngay ở HAGL là CLB ở VN đi đầu trong lĩnh vực truyền thông bóng đá, nhưng cách họ xử lý thông tin với truyền thông cũng không giống với các CLB chuyên nghiệp trên thế giới. Còn ở cấp độ đội tuyển, không có người phát ngôn về các thông tin liên quan đến đội tuyển, vì thế truyền thông cũng không biết hỏi ai mỗi khi các đội tuyển tập trung.

Các mạng xã hội hiện nay đang rất phát triển, nhưng các CLB, VFF tiếp tục chậm chân, không tận dụng kênh thông tin này để gần gũi hơn với truyền thông và người hâm mộ của mình. Họ dường như rất coi nhẹ việc làm thế nào đưa bóng đá đến được gần với CĐV của mình, làm cho bóng đá đẹp đẽ, tích cực hơn trong mắt người hâm mộ.

* Nhà báo Nguyễn Nguyên (thư ký tòa soạn báo Pháp Luật):

Nên học người Thái

Truyền thông Việt Nam từ trước đến nay luôn đồng hành với VFF trong nhiều lĩnh vực, và các sự kiện bóng đá lớn đều mang đậm dấu ấn của các đơn vị truyền thông. Điển hình là các giải bóng đá nhi đồng (báo Nhi Đồng), U-17 (báo Bóng Đá), U-21 (báo Thanh Niên), sự kiện trận đấu lịch sử của lớp tuyển thủ “thế hệ vàng” Việt Nam - Thái Lan (báo Tuổi Trẻ) hay các giải thưởng lớn như Chiếc giày vàng (Hội Nhà báo TP.HCM), Quả bóng vàng (báo SGGP), Fair play (báo Pháp Luật TP.HCM)...

Truyền thông luôn đồng hành chặt chẽ như vậy, nhưng vì sao VFF cứ có cảm giác hoặc để nhiều người có chung suy nghĩ là “dị ứng” với truyền thông?

Tôi cho rằng do cách làm chưa rõ ràng của VFF, và hơn hết là do chính thái độ của VFF chưa thật sự nhìn nhận vai trò của truyền thông gắn với các sự kiện bóng đá nước nhà. VFF mới chỉ làm cầu nối giúp truyền thông thực hiện công việc của mình như có mặt ở các sự kiện, nhưng chưa cho thấy sự cầu tiến và gần gũi thật sự với báo giới. Các cuộc họp thường kỳ ở V-League (từ khi hình thành VPF - Công ty cổ phần Bóng đá VN) mới chỉ dừng lại ở mức giải đáp những thắc mắc, chứ chưa cho thấy sự thừa nhận vai trò của truyền thông đồng hành với các giải đấu. Thậm chí để xảy ra hiện tượng một số CLB phải cầu cứu truyền thông bằng những kênh riêng của mình, hay để xảy ra hiện tượng nghi ngờ người của VFF cung cấp cho truyền thông là điều không hay ho gì.

Nếu bóng đá Thái Lan thừa nhận họ phát triển vững bền là nhờ sự ủng hộ và góp sức đáng kể của bộ phận truyền thông thì ở VN, truyền thông vẫn buộc phải đi làm cái việc của mình nhưng ít được chính cơ quan điều hành bóng đá là VFF thừa nhận, đây là điều VFF cần suy nghĩ.

* Nhà báo Thọ Trung (báo Người Lao Động, nguyên chủ nhiệm CLB phóng viên thể thao TP.HCM):

VFF cần lắng nghe truyền thông

Hơn chục năm trước, khi đến Long An hướng dẫn về chương trình Tầm nhìn châu Á, các quan chức của LĐBĐ châu Á (AFC) đã trình bày: trong đội hình 11 người của bóng đá, vai trò truyền thông đứng hàng đầu và được ví như tiền đạo. Vai trò truyền thông rất quan trọng vì phản ánh đầy đủ nhất về đời sống bóng đá.

Nhưng thực tế nhiều quan chức VFF cho rằng giới truyền thông luôn chỉ trích về những khuyết điểm hoặc soi mói quá nhiều vào VFF nên họ không thật “mặn mà” với báo chí. Truyền thông không và cũng chưa bao giờ muốn đối đầu với VFF trong việc chuyển tải thông tin nền bóng đá nước nhà. Bóng đá là trò chơi phản ánh bộ mặt xã hội, đã là trò chơi thì cần phải minh bạch, rõ ràng. Do vậy việc lắng nghe, tìm hiểu nhiều chiều để phản biện thấu đáo, sâu sát nhất nhằm định hướng dư luận là điều VFF cần thực hiện.

* Bình luận viên Ngô Quang Tùng:

Cho chúng tôi “bột” để gột nên hồ

Với giới truyền thông, khi góp ý tôi cho rằng các bạn hãy làm từ cái tâm của mình với bóng đá, đừng khen, chê do tác động từ nhóm lợi ích nào. Thế nhưng để truyền thông có chất liệu hay, thông tin tốt để đưa tin, ngợi ca thì chủ thể những người làm bóng đá phải tốt đẹp, phải hay thì chúng tôi mới có “bột” để gột thành hồ.

Vì vậy, mỗi cầu thủ ra sân chơi bóng hãy là một cầu thủ chuyên nghiệp, coi đá bóng là nghề để kiếm sống, tập luyện và chơi thứ bóng đá chân chính vì người hâm mộ. Những nhà quản lý bóng đá, ông chủ đội bóng hãy làm bóng đá sạch, hãy suy nghĩ tìm cách để cho CLB, đội tuyển ra sân là phải đá thật, đá đẹp, đá hết mình. Coi người hâm mộ là khách hàng để mình phục vụ và truyền thông chính là cánh cửa để tiếp cận các thượng đế của mình. Nếu như chủ thể là những cầu thủ, người làm bóng đá hay, chắc chắn truyền thông sẽ tự nâng bóng đá lên, đưa bóng đá đến người hâm mộ, giúp nhà tài trợ tìm đến để đồng hành với bóng đá.

Truyền thông cũng góp phần hại bóng đá

TT - Trước trận VN - Thái Lan vào tối 13-10, tôi đọc báo thấy những cái tít như thế này: “Hãy mang Messi Thái đến đây!”, “Người Thái run rẩy tại Mỹ Đình”, “Áp lực đè nặng lên Kiatisak chứ không phải Miura”... Nhưng sáng 14-10, cũng chính những trang báo ấy cứ tỉnh bơ như không khi bình luận “đúng như chúng tôi đã dự báo” về trận thua 0-3!?

Và đó là một dẫn chứng mới nhất cho vô vàn chuyện tương tự đã xảy ra ở giới truyền thông, đặc biệt những trang báo mạng. Và nói thật, người hâm mộ như tôi chẳng còn tin những bài viết như thế nữa, mà tôi kiểm tra sự đánh giá về tương quan giữa hai đội dựa vào các trang web cá cược, nó chuẩn xác về chuyên môn hơn nhiều.

Trước trận thì nổ vang trời như cầm chắc chiến thắng, và sau trận thua thì đua nhau mắng mỏ, chì chiết, đòi thay HLV này nọ... Đó là căn bệnh khá phổ biến đối với truyền thông ở VN (dĩ nhiên không phải là tất cả).

Ở góc độ người hâm mộ, tôi thấy thế này: nhiều nhà bình luận bóng đá nhưng chẳng biết đá bóng là gì và cũng chẳng khác nào cái ông không hề làm HLV mà ngồi ghế chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia vậy.

Bên cạnh đó, tôi có một anh bạn làm báo đã cho biết một nỗi khổ thầm kín của người viết báo thể thao, đó là không dám nói thẳng. Ví dụ như thâm tâm họ thừa biết tuyển VN không thể bằng tuyển Thái Lan, nhưng viết ra điều đó trước trận đấu thì dễ bị chụp mũ là “không yêu nước”. Vì vậy nên mới có tình trạng trước trận cứ nổ tưng bừng và sau trận là mắng mỏ.

Tuy nhiên, tôi không đồng tình với anh bạn làm báo ấy. Tôi thừa nhận dư luận cũng có tính xấu là ưa nghe những lời có cánh trước trận đấu, song đã là nhà báo thì anh không thể hùa theo đám đông, vậy mới xứng đáng gọi là định hướng dư luận. Hoặc nếu không đủ dũng khí nói thẳng về sự yếu kém của đội nhà thì cách hay hơn cả là đóng vai người đưa tin, cung cấp các dữ liệu cần thiết để người hâm mộ biết lực lượng hai bên ra sao, chứ đừng dự báo theo kiểu bơm thổi tinh thần lạc quan tếu.

Một căn bệnh khác nữa của giới truyền thông bóng đá là bệnh “lộng ngôn”, rõ nhất là một số vị bình luận viên truyền hình. Trời ạ, một nền bóng đá hạng bét mà nào là “siêu phẩm”, “tuyệt tác”, “trận đấu trong mơ”, “trận đấu đỉnh cao của nghệ thuật”, là “Messi Việt Nam", là "Beckham Việt Nam”... dẫn đến bệnh ảo tưởng. 

Tóm lại trong một nền bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta đòi hỏi cầu thủ, HLV, quan chức bóng đá phải chuyên nghiệp, nhưng giới truyền thông cũng cần chuyên nghiệp không kém. Và muốn có được tính chuyên nghiệp đó, các nhà bình luận cũng cần am hiểu thật sự về bóng đá, chứ không thể nói vung vít được.

TRẦN KHIÊM (TP.HCM)

Đừng tâng bốc quá mức

Về phía truyền thông, ngoài việc phản ánh chính xác các thông tin và các bình luận mang tính định hướng dư luận có cái nhìn tích cực về bóng đá VN, cũng cần có sự điều chỉnh hài hòa, cân đối trong cách tuyên truyền của mình. Theo tôi, trong các bài viết, bình luận, chúng ta không nên tâng bốc, cường điệu quá mức các cá nhân cầu thủ, tập thể đội bóng bởi dễ nảy sinh tư tưởng “ngôi sao”.

Ngay cả việc bình luận của các “chuyên gia bóng đá”, nhiều người tôi thấy được giới thiệu là “chuyên gia bóng đá” nhưng những bình luận của họ hầu như chẳng cung cấp cho khán giả những thông tin một cách sâu sắc về bóng đá, mà theo tôi nên gọi là “những người hâm mộ bóng đá cùng trò chuyện về trận đấu” thì hay hơn bởi vừa gây sự tương tác hiệu quả với khán giả, vừa gây hiệu ứng tích cực cho chương trình.

Nhà báo XUÂN QUANG (Đài truyền hình TP.HCM)

SĨ HUYÊN - KHƯƠNG XUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên