Phóng to |
Reuters dẫn nguồn tin phe đối lập cho biết lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục nã pháo vào Homs, làm ít nhất 4 người thiệt mạng. Nhóm nổi dậy Quân đội giải phóng Syria (FSA) đọ súng dữ dội với quân đội chính phủ ở khu ngoại ô al-Qaboun. Hai vụ nổ bom trước đó ở thành phố Aleppo làm 28 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.
Truyền hình Syria cáo buộc FSA đã dùng bom hạng nặng tấn công các cơ sở an ninh của chính phủ làm thường dân thiệt mạng. Phản ứng lại, FSA tuyên bố quân đội chính phủ đứng đằng sau vụ nổ bom. Các nhóm đối lập chỉ trích chính quyền al-Assad cố tình bôi nhọ lực lượng đối lập. Giới quan sát nhận định với việc các bên sử dụng đến vũ khí hạng nặng như bom, xung đột ở Syria đã thật sự trở thành một cuộc nội chiến.
Reuters dẫn lời đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở Liên minh châu Âu Selim Yenel nhận định hiện ông al-Assad vẫn có được sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu Syria. Trong khi đó phe đối lập bị chia rẽ về tư tưởng, vùng miền, sắc tộc... Tình hình hoàn toàn khác với Libya. Do đó nội chiến Syria nếu nổ ra sẽ rất đẫm máu, gây hỗn loạn bởi nhiều phe sẽ chém giết lẫn nhau.
Iran sẽ đưa quân đến Syria?
Theo AFP, hôm qua 11-2 Saudi Arabia đã trình Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) một dự thảo nghị quyết kêu gọi các bên ở Syria ngừng bắn giết lẫn nhau và Tổng thống al-Assad từ chức. Saudi Arabia muốn một đại sứ đặc biệt của LHQ đến Syria. Ngày mai 13-2, Đại hội đồng LHQ sẽ thảo luận về tình hình Syria, nhưng một nghị quyết do đại hội đồng thông qua không mang tính chất ràng buộc.
Theo Itar-Tass, mới đây Nga kêu gọi các quan sát viên của Liên đoàn Ả Rập tại Syria xác minh thông tin phương Tây đã đưa quân đến Syria. “Có tin một lực lượng đặc nhiệm của nước ngoài đã được triển khai ở Syria - Chủ tịch Hạ viện Nga Alexei Pushkov cho biết - Nếu đây là sự thật thì kịch bản Libya đang lặp lại”. Một số nguồn tin chưa được kiểm chứng cho biết các đơn vị đặc nhiệm của Anh và Qatar đã tới một số thành phố điểm nóng ở Syria. Họ không chiến đấu trực tiếp mà làm nhiệm vụ cố vấn cho phe đối lập Syria.
Ngược lại, cũng có tin chính quyền Syria đang trông chờ sự hỗ trợ của nước ngoài. Nguồn tin Nhân Dân Nhật Báo cho biết chính quyền al-Assad đang chờ đợi 15.000 quân Iran tới Syria để giúp quân đội Syria duy trì trật tự tại các thành phố điểm nóng. Báo Anh Telegraph khẳng định ít nhất đã có một căn cứ quân sự được thiết lập gần thủ đô Damascus. Hiện các bên vẫn không xác nhận hay bác bỏ có sự can thiệp của quân đội nước ngoài.
Trong khi đó, Thứ trưởng nội vụ Iraq Adnan al-Assadi cho biết các chiến binh thánh chiến Hồi giáo đang di chuyển từ Iraq tới Syria và vũ khí cũng đang được chuyển cho phe đối lập tại nước này. Ông cho biết giá một khẩu Kalashnikov đã tăng 100-200 USD và nay có giá từ 1.000-1.500 USD.
Cuộc chiến truyền thông
Bên cạnh cuộc xung đột bằng bạo lực, Chính phủ Syria và phe đối lập còn đang tham gia một cuộc chiến truyền thông căng thẳng. Thực tế thông tin về tình hình Syria rất khó kiểm chứng. Các hãng tin nước ngoài bị cấm hoạt động ở Syria. Hình ảnh về Syria đều được lấy trên YouTube hoặc do lực lượng đối lập cung cấp. Phóng viên Michael Jansen của tờ Irish Times đã tới Damascus và cho biết người dân thủ đô rất bối rối với những thông tin đối lập nhau về tình hình tại các thành phố.
Irish Times dẫn lời một nhà bình luận độc lập nhận xét: “Cả hai phe đều nói quá sự thật. Nhưng lực lượng đối lập là phóng đại nhiều nhất”. Theo nhà báo Jansen, nguồn tin từ Chính phủ Syria cho biết Tổng thống al-Assad sẵn sàng đối thoại với phe đối lập. Một số nhóm đối lập trong nước cũng muốn đàm phán, nhưng FSA và các nhóm đối lập ở nước ngoài cương quyết nói không và đòi ông al-Assad phải từ chức.
“Người Syria, các quan sát viên nước ngoài và các nhà báo là nạn nhân của cuộc chiến truyền thông. Chính phủ cố gắng kiểm soát thông tin, lực lượng đối lập cố gắng cung cấp thông tin, phỏng vấn, hình ảnh bằng mọi ngả về cái mà họ gọi là cuộc thảm sát ở Syria nhằm tạo ra hình ảnh của cuộc xung đột” - Irish Times nhấn mạnh.
Theo giới quan sát quốc tế, các kênh truyền hình vệ tinh Ả Rập như Al Arabiya (Saudi Arabia) hay Al Jazeera (Qatar) đều có xu hướng chống Syria.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận