21/05/2014 05:23 GMT+7

Quá thừa mơ mộng

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - “Quy hoạch nghệ thuật biểu diễn (NTBD) không khác gì buộc bó cỏ trước mũi con ngựa, cứ đuổi mãi đuổi mãi, con ngựa chỉ thấy bó cỏ trước mặt mà chẳng bao giờ ăn được.

Năm 2002, chúng ta đã bàn đến việc năm 2010 sẽ hoàn thành nhiều mục tiêu của NTBD. Nhưng đến năm 2014 chúng ta chưa hoàn thành được gì và lại ngồi bàn về quy hoạch đến năm 2020”.

9JJiqhcJ.jpg
Mỗi buổi tập từ sáng đến tối của các nghệ sĩ - diễn viên theo quy định chỉ được hỗ trợ 30.000 đồng. Trong ảnh: các nghệ sĩ tổng duyệt cho chương trình Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: Việt Dũng

NSND Trần Bình (giám đốc Nhà hát Nghệ thuật đương đại VN) thẳng thắn chia sẻ như thế bên lề hội nghị góp ý dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển NTBD đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 diễn ra ngày 20-5 tại Hà Nội.

Xây mới 51 nhà hát: nói chỉ để cho vui?!

Một loạt ý kiến bày tỏ lo ngại với mục tiêu đến năm 2020 xây mới 51 nhà hát và nâng cấp 20 nhà hát. Sáu năm cho tổng cộng 71 nhà hát là điều không tưởng - cả việc thực thi, quản lý lẫn nguồn vốn.

“20 năm nữa cũng không thấy 51 nhà hát mới xuất hiện đâu. Nói chỉ để cho vui thôi. Bây giờ chỉ cần có 3-4 nhà hát ở ba miền Bắc, Trung, Nam với sức chứa cỡ 3.000 người còn chẳng có nữa là” - NSND Trần Bình nói.

"20 năm nữa cũng không thấy 51 nhà hát mới xuất hiện đâu. Nói chỉ để cho vui thôi. Bây giờ, chỉ cần có 3-4 nhà hát ở ba miền Bắc, Trung, Nam với sức chứa cỡ 3.000 người còn chẳng có nữa là"

NSND TRẦN BÌNH

Theo ông Trần Bình, chỉ riêng ở Bình Nhưỡng (CHDCND Triều Tiên), trong thành phố đã có tới 12 nhà hát với những phong cách kiến trúc khác nhau, cái nhỏ có sức chứa 2.000 người, cái lớn 4.000 người.

Nhiều nước ở Đông Nam Á cũng đã vượt qua VN chứ chưa nói đến các nước phát triển khác.

“Ở VN, xây thừa thì vẫn thừa, còn thiếu thì vẫn thiếu. Bây giờ nhà hát có người quản lý riêng, đoàn nghệ thuật riêng nên chúng tôi vào nhà hát diễn phải chịu cái giá cắt cổ. Trung tâm hội nghị quốc gia ở Mỹ Đình phải thuê đến hàng tỉ đồng cho một đêm là điều bình thường, chưa kể hàng trăm vé mời ngoại giao. Nhà hát lớn, Cung văn hóa Hữu nghị thì 50-60 triệu đồng.Thế thì sao các đoàn nghệ thuật có thể vào diễn được" - ông Trần Bình gay gắt.

Ông Bình nói: "Mặt khác, cả nước có hơn 130 đơn vị nghệ thuật. Đáng ra việc đầu tiên là phải quy hoạch lại các đơn vị này thì hình như chúng ta ngại, không động đến. Cứ để nó tồn tại rồi cứ phải chạy theo giải quyết. Tôi chẳng thấy vui mừng khi đọc bản quy hoạch này. Tầm nhìn thế thôi nhưng không biết bao giờ được hiện hữu cả. Cuối cùng nói vui là cuộc sống nó vẫn như thế”.

Kêu trời về kinh phí

Nếu quy hoạch NTBD được phê duyệt, theo tính toán của Cục NTBD, nguồn ngân sách địa phương phải chi cho việc xây mới, nâng cấp 71 nhà hát là 6.883 tỉ đồng.

NSND Lê Tiến Thọ (chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) bày tỏ lo ngại trước vấn đề kinh phí mà quy hoạch đặt ra.

“Xây dựng mới 51 nhà hát đến năm 2020, vậy giải pháp vốn sẽ như thế nào. Nếu không có giải pháp vốn thì sẽ không có gì cả và quy hoạch sẽ chỉ nằm trên giấy thôi”.

Không chỉ NSND Lê Tiến Thọ, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về nguồn vốn chi cho việc xây dựng cơ bản. Chưa kể đến các dự toán tài chính về đào tạo nguồn nhân lực, số kinh phí chi cho xây dựng nhà hát cũng đủ khiến nhiều người hoang mang.

“Hàng nghìn tỉ đồng sẽ lấy ở đâu ra trong khi ngân sách chi cho văn hóa hằng năm rất ít ỏi. Nghệ sĩ ở các đoàn nghệ thuật chỉ có thể sống bằng đồng lương xếp theo hệ số, chật vật kiếm sống. Vậy trước khi nghĩ đến xây nhà hát, hãy nghĩ một chút để làm sao đời sống của họ khá lên đã” - một nghệ sĩ chia sẻ.

Tại hội nghị, từ giám đốc nhà hát đến nghệ sĩ đều kêu trời về tình trạng thiếu kinh phí, thiếu chế độ chính sách cho nghệ sĩ diễn viên thì bản dự toán kinh phí xây dựng nhà hát bỗng trở nên quá mơ mộng.

Ông Trương Ngọc Xuyên (phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc VN) cho rằng những sửa đổi về chính sách hỗ trợ cho diễn viên, nghệ sĩ quá chung chung. “Nghệ sĩ lâu nay sống bằng niềm tin nhưng sống lâu quá cũng sẽ chán. Cả một đợt tập luyện cho lễ kỷ niệm Điện Biên Phủ, tiền chế độ bồi dưỡng chỉ có 30.000 đồng/người/ngày. Chế độ tiền lương, tiền trợ cấp cũng quá thấp” - ông Xuyên bày tỏ.

Xây dựng Luật NTBD vào năm 2016: không khả thi

Là quy hoạch ngành NTBD nhưng bản dự thảo bị đánh giá quá nặng về xây dựng cơ bản. “Tôi thấy việc xây dựng 51 nhà hát, nâng cấp 20 nhà hát khi chỉ còn sáu năm nữa là hơi bị căng. Nếu không làm được mà cố đưa vào quy hoạch thì khổ lắm. Hơn nữa, còn phải tùy thuộc vào ngân sách địa phương sau này nữa” - ông Hoàng Minh Thái (vụ trưởng Vụ Pháp chế) phát biểu. Ông Thái cũng cho rằng mục tiêu xây dựng Luật NTBD vào năm 2016 hoàn toàn không khả thi vì sẽ phải xếp hàng dài chờ 70 luật sửa đổi theo Hiến pháp mới.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên