24/08/2013 02:14 GMT+7

"Quà tặng đặc biệt" của Đào Thị Hằng

L.Đ.DỤC
L.Đ.DỤC

TT - Trong số 205 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Quảng Trị được trao cho các tân sinh viên vào tối nay, 24-8, có năm suất học bổng do bạn Đào Thị Hằng - một trong những sinh viên Quảng Trị được nhận học bổng này vào năm 2004, cùng bạn bè của mình đóng góp.

UGfkN4Yp.jpgPhóng to
Đào Thị Hằng - Ảnh nhân vật cung cấp

Từ những thành công bước đầu trong kinh doanh, Hằng và bạn bè đã gom góp dành dụm để trao thêm những suất học bổng này như một sự chia sẻ, sự “đáp đền tiếp nối” của thế hệ anh chị đi trước, cùng quay lại lo cho lớp đàn em đi sau. Và không chỉ là những suất học bổng, Hằng đã xuất tiền túi để mua thêm 205 cuốn sách Khuyến học của Fukuzawa Yukichi làm quà cho từng bạn tân sinh viên.

Cuốn Khuyến học của Fukuzawa Yukichi được viết từ cuối thế kỷ 19, có thể coi là một trong những cuốn sách đã góp phần làm thay đổi cả Nhật Bản, giúp Nhật Bản chuyển từ một nước phong kiến trở thành một trong những nước tiên tiến trên thế giới. Và từ hơn một thế kỷ nay, Khuyến học là cuốn sách gối đầu giường của hàng triệu người dân Nhật.

Hỏi Hằng vì sao lại chọn cuốn sách này để tặng các tân sinh viên, bạn cho biết:

“Mình muốn nhắn với các bạn rằng nghèo không phải và không nên là nguyên nhân dừng lại việc học. Và "trời không sinh ra người đứng trên người và cũng không sinh ra người đứng dưới người", mà khác nhau ở việc học. Người hơn người là do học mà ra, nhưng học là học những gì thiết thực cho cuộc sống và cho công việc bản thân. Nghề nào cũng được, ngành gì cũng được, miễn là học cho kỹ càng và làm thật tốt một ngành. Không nên coi thường ngành này và tôn sùng ngành khác, phân biệt đại học và cao đẳng, mà học nghề nào cũng phải đàng hoàng và kỹ càng. Cuốn Khuyến học viết rất kỹ và rất rõ về chuyện này.

Một điều nữa là mình mong muốn các bạn có tinh thần độc lập. Có suy nghĩ độc lập thì hành động mới độc lập, mới có tinh thần tiên phong, chấp nhận dấn thân và theo đuổi cái mình muốn. Có tinh thần độc lập thì mới hiểu được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, cộng đồng, đất nước. Và quan trọng hơn hết là ý thức bình đẳng giữa con người với con người, để không chấp nhận những điều vô lý bất công trong xã hội mà phải đấu tranh để xã hội ngày một tốt hơn. Vào đại học là một con đường tốt nhưng học chuyên môn cho giỏi và có được tinh thần độc lập là nền tảng giúp các bạn đi xa và vững vàng hơn”.

Năm 2004 Đào Thị Hằng (Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị) đỗ thủ khoa khoa trồng trọt ĐH Nông lâm Huế, tuy nhiên Hằng khó có thể nhập học bởi cuộc sống gia đình quá gieo neo. Khi chúng tôi tìm đến nhà, bố Hằng đang đánh cá trên sông Thạch Hãn, cuộc sống của cả gia đình chín người trông cậy vào chiếc thuyền nan bé tẹo ấy. Với suất học bổng “Tiếp sức đến trường” năm ấy dành cho tân sinh viên Quảng Trị, Hằng tự tin nhập học. Sau bốn năm vừa học vừa đi làm thêm, Hằng đã tốt nghiệp xuất sắc với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp.

Nhờ sự giúp đỡ của nhiều nhà hảo tâm thông qua cầu nối của báo Tuổi Trẻ, đặc biệt là ông bà Dương Quang Thiện, Hằng đã học để có chứng chỉ IELTS, sau đó vừa đi làm cho dự án phát triển nông thôn của Phần Lan vừa tìm kiếm học bổng. Hằng đã được Bộ Ngoại giao Úc tài trợ học bổng ALA (năng lực lãnh đạo) học tại ĐH Adelaide trị giá 112.000 đôla Úc, đồng thời Trường ĐH Masley của New Zealand cũng tài trợ một học bổng tương tự.

Hằng đã chọn học ngành quản lý carbon tại Úc “bởi nó liên quan đến vấn đề bảo vệ môi truờng, giảm đói nghèo và tăng cường an ninh lương thực”. Đầu năm 2013, sau khi bảo vệ xong luận án cao học tại Úc, thay vì tìm học bổng để học tiếp tiến sĩ, Hằng về nước và thực hiện dự án mắm ruốc (xem Cô thạc sĩ và món mắm thuyền nan -báo Tuổi Trẻ ngày 22-4-2013)

L.Đ.DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên