04/11/2021 09:58 GMT+7

Quá tải trong học trực tuyến: 'Không thể bê tiết học trực tiếp sang trực tuyến'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Học trực tuyến từ sáng đến chiều, bài tập cô giao làm đến khuya không hết là thực trạng vừa được phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận.

Quá tải trong học trực tuyến: Không thể bê tiết học trực tiếp sang trực tuyến - Ảnh 1.

Học sinh tại TP.HCM học trực tuyến - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết: Ngay từ năm học trước, Bộ GD-ĐT đã có các hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức dạy học trực tuyến. 

Mới đây, trong các đợt tập huấn triển khai vào tháng 10-2021, cán bộ quản lý và giáo viên các cấp cũng được cung cấp tài liệu hướng dẫn, kèm theo là link các video bài giảng minh họa để các thầy cô hiểu cách dạy online là như thế nào.

Các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục

Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT cũng đã xây dựng hành lang pháp lý cho phép các trường chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục, xây dựng phương án dạy học. Trong đó có thể linh hoạt lựa chọn hình thức dạy học, phương pháp dạy học, thiết kế thời khóa biểu và bám sát nội dung cốt lõi của môn học đã được Bộ GD-ĐT công bố trong hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học.

Nhưng theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc vẫn xảy ra tình trạng học sinh bị học quá nhiều tiết/ngày, giáo viên dạy trực tuyến kêu không đủ thời gian để đảm bảo chương trình là do giáo viên chưa nắm được cách dạy học trực tuyến và các nhà trường chưa nghiên cứu kỹ hướng dẫn, tận dụng tối đa quyền chủ động được phép để thiết kế kế hoạch dạy học một cách linh hoạt, hợp lý. 

"Không thể bê nguyên xi tiết dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến. Nếu sự khác nhau giữa hai hình thức dạy học chỉ là một bên thì học ở lớp, một bên học qua một đường link thì giáo viên và học sinh kiệt sức là điều tất yếu, trong khi lại không hiệu quả, lãng phí thiết bị do không tận dụng được những ưu điểm của dạy học trực tuyến" - ông Thành chia sẻ.

Theo ông Thành, các thầy cô giáo cần thiết kế trước các video clip bài giảng nội dung dạy học cốt lõi gửi cho học sinh trước tiết học, kèm theo nhiệm vụ cụ thể khi nghiên cứu học liệu. Thời gian tại lớp học trực tuyến giáo viên sử dụng để cho học sinh thảo luận, giải đáp, sửa chữa, chốt kiến thức, tăng cường tương tác với học sinh. 

Với cách này, tiết học trực tuyến có thể giảm xuống được còn 30 - 35 phút mà vẫn đảm bảo được mục tiêu. Thậm chí, nó còn có ưu điểm khuyến khích học sinh tự học, đọc tài liệu, thực hiện nhiệm vụ được giao, có nghĩa là học chủ động thay vì thụ động như trước.

"Tôi ví dụ thời khóa biểu có hai tiết/tuần, giáo viên hoàn toàn có thể chỉ dạy trực tuyến một tiết, dành một tiết còn lại để giao nhiệm vụ cho học sinh, nhận và đánh giá sản phẩm của học sinh gửi lại. Mặc dù online một tiết nhưng cần tính thời gian làm việc của giáo viên khi thực hiện xây dựng các video clip bài giảng, thiết kế các nhiệm vụ học tập, hướng dẫn, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh thành một tiết nữa. 

Dĩ nhiên việc này sẽ giao chủ động cho các trường. Mỗi trường có một cách triển khai linh hoạt khác nhau. Các trường chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch, trong đó nêu rõ việc thực hiện nội dung dạy học ra sao, ở trên lớp và ngoài lớp thế nào, kết quả cuối cùng là đạt mục tiêu mà chương trình môn học đặt ra" - ông Thành nói.

"Không đúng với chỉ đạo"

Về câu chuyện "quá tải bài tập", ông Nguyễn Xuân Thành cho biết do tâm lý giáo viên lo lắng, sợ học sinh không hiểu bài nên đã giao nhiều bài tập để "luyện tập tại nhà". 

"Việc ra bài tập hoặc giao nhiệm vụ cho học sinh làm trước hoặc sau tiết học cần phải chọn lọc tinh sao cho đảm bảo tối thiểu về số lượng nhưng tối đa về dạng. Giao nhiều nhưng không cần thiết sẽ chỉ khiến học sinh quá tải. Về điều này trong các đợt tập huấn của Bộ GD-ĐT cũng đã đề cập và mong muốn giáo viên cần tư duy nhiều hơn khi xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập hoặc nội dung giao việc" - ông Thành nói.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hành lang pháp lý nói chung và hệ thống các văn bản hướng dẫn cho việc thích ứng, chuyển trạng thái của năm học này đã đầy đủ và không thể bất cứ sự vụ cụ thể nào là cơ quan quản lý lại phải ra một văn bản mới để nói lại cái đã hướng dẫn. Ở đây đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục phải nghiên cứu kỹ các văn bản quy định, hướng dẫn để chủ động vận dụng linh hoạt. Vì hướng đổi mới của Bộ GD-ĐT là giao chủ động mạnh mẽ cho các nhà trường trong hoạt động chuyên môn. 

Ông Thành cho rằng: Việc bố trí học sinh học online đến 8 tiết/ngày, giao nhiều bài tập khiến học sinh làm đến đêm không hết như báo chí phản ánh là việc không đúng với chỉ đạo và các văn bản hướng dẫn.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh học 2 buổi/ngày tại trường chỉ học tối đa 7 tiết/ngày đối với cấp THCS và không quá 8 tiết/ngày đối với cấp THPT; trong 7-8 tiết đó không phải giáo viên dạy liên tục mà có những tiết tự học có hướng dẫn. Vì thế với hình thức trực tuyến, nơi nào bố trí đến 8 tiết/ngày cần phải điều chỉnh phù hợp. 

Bộ GD-ĐT cho phép các trường linh hoạt khi tổ chức dạy học trực tuyến nhưng phải đảm bảo các nguyên tắc giãn thời gian dạy học/ngày và cố gắng giảm thời gian của một tiết học xuống dưới 45 phút/tiết, tăng giờ nghỉ giữa các tiết và giảm số tiết/buổi học so với dạy học trực tiếp. Bù vào đó, học sinh sẽ tăng thời gian tự học tại nhà có sự hướng dẫn của giáo viên và hỗ trợ của cha mẹ học sinh.

Áp dụng nhiều phương pháp dạy học

Bộ GD-ĐT cũng cho phép các trường chỉ đạo các tổ chuyên môn áp dụng nhiều phương pháp, cách thức tổ chức dạy học khác nhau.

Ở bậc trung học có thể dạy học qua giao sản phẩm học tập, dạy học theo chủ đề tích hợp, qua thảo luận, trải nghiệm, nghiên cứu từ thực tế... Đây là những hình thức đa dạng, không bắt buộc giáo viên - học sinh phải ngồi ngay ngắn trong lớp học hay chăm chăm ngồi trước máy tính để nghe giảng.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số hiệu trưởng, giáo viên trong giai đoạn dạy học trực tuyến rất vất vả với các lao động ngoài lớp học: chuẩn bị video clip bài giảng, trao đổi giao nhiệm vụ cho học sinh, đánh giá bài tập/sản phẩm, nhận xét về sản phẩm học tập của từng học sinh, nhận xét từng học sinh sau giờ học... Những lao động này không được quy đổi ra tiết học do cấp trên kiểm tra máy móc, đòi phải "thực dạy mới được tính".

Tưởng học trực tuyến giảm tải, nào ngờ ôm máy tính học từ sáng đến khuya Tưởng học trực tuyến giảm tải, nào ngờ ôm máy tính học từ sáng đến khuya

TTO - "Cứ tưởng học trực tuyến thì chương trình sẽ được giảm tải, học sinh học hành nhẹ nhàng hơn. Nhưng thực tế thì ngược lại, con tôi "ôm" máy tính học suốt từ sáng đến tối mà nhiều hôm vẫn chưa hoàn thành hết bài thầy cô giao".

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên