08/11/2014 11:05 GMT+7

Quá nhiều bất cập trong đào tạo diễn viên

LINH ÐOAN
LINH ÐOAN

TT - "Có khán giả hỏi tôi làm sao để trở thành diễn viên, tôi khuyên họ thi vào trường. Họ trả lời: Em thấy nhiều người có cần học đâu. Chỉ cần đẹp, cặp đạo diễn là làm diễn viên được rồi!"

Vở Chờ người (sân khấu 5B) với sự tham gia của các diễn viên trẻ vừa tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Lộc

Sáng 7-11, tại Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM đã diễn ra buổi hội thảo “Công tác đào tạo và thực tiễn đời sống sân khấu tại khu vực phía Nam”.

Tuy nhiên, trước buổi hội thảo, ban tổ chức đã nhấn mạnh hội thảo sẽ chỉ đi sâu về vấn đề đào tạo diễn viên sân khấu kịch và truyền hình chứ không bàn về những vấn đề to tát mà cái tên hội thảo đang... cõng!

Kém chất lượng so với... 30 năm trước!

Phát biểu tại hội thảo, NSƯT - đạo diễn Ðoàn Bá đưa ra thực trạng nhiều người nhận định công tác đào tạo diễn viên sân khấu và điện ảnh ở nước ta so với 30 năm trước là kém chất lượng.

Ông cho rằng nhận định này là có cơ sở. Ông nói vấn đề chọn lọc sinh viên đầu vào hết sức quan trọng, không phải ở trên giao chỉ tiêu 60 sinh viên thì ta cố gắng tuyển cho đủ để rồi phải nhận những sinh viên không đủ tố chất và năng lực.

Ðạo diễn Ðoàn Bá đề nghị công tác tuyển sinh hằng năm nên có sự điều chỉnh: “Ngoài yếu tố nhan sắc cần phải coi trọng, theo tôi, không nên đánh giá dựa vào tiểu phẩm. 

Qua kinh nghiệm giảng dạy lâu năm thì tiểu phẩm chuẩn bị trước của thí sinh không mang đến sự nhận biết gì cho chúng ta về năng khiếu của họ. Chuẩn bị tiểu phẩm vừa mất thời gian mà thường “tác phẩm” đó không phải của thí sinh, mà là của người khác luyện tập cho họ.

Thay vào đó chúng ta nên đưa ra tình huống cho các em xử lý tại chỗ, chúng ta cần những phản ứng tâm lý chân thật. Giám khảo cần tăng cường đối thoại để tạo cớ cho thí sinh có dịp bộc lộ một cách tự nhiên những phẩm chất bên trong”.

NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng, nguyên hiệu trưởng trường, bổ sung: “Bộ đã cho trường ta có đặc thù riêng, nên chăng chúng ta cũng có chế độ tuyển sinh riêng. Tôi đi một số nước, người ta tuyển lựa đầu vào cũng không cần làm tiểu phẩm.

Có trường chỉ kêu thí sinh xách xô nước đi qua trước mặt họ rồi họ nhìn cách đi, biểu hiện cũng có thể đánh giá được”.

Bà Hồng nhấn mạnh: “Khi tuyển sinh, chúng ta cần chú ý lựa chọn những em có thẩm mỹ tốt, có khả năng cảm thụ tốt. Chứ như tình trạng hiện nay thì trình độ văn học của rất nhiều đạo diễn, diễn viên còn rất kém, mà đã kém thì làm sao khai thác được chiều sâu nhân vật.

Tiếng nói của diễn viên không chỉ là kỹ thuật phát âm mà còn phải nắm được linh hồn, đọc một câu, một từ phải hiểu được sự đa sắc ra sao để thể hiện cho đúng. Hiện nay việc khai thác đài từ còn qua loa quá!”.

Ông Ðoàn Bá còn đưa ra một thực tế các nguyên lý về bộ môn kỹ thuật tâm lý của Stanislavski mà chúng ta đang áp dụng trong giáo trình đào tạo diễn viên từ trước tới nay là từ nước ngoài. Từ nước ngoài áp dụng ở nước ta đã là một bất cập.

Thêm nữa, sau này người ta phát hiện nguyên lý đó có những lỗ hổng mà có thể chúng ta chưa được tiếp cận toàn diện.

Từ thực trạng đó, ông phân tích tính ưu việt của phương pháp đào tạo từ sân khấu dân tộc và khuyến khích các giảng viên cần có ý thức tìm hiểu thêm về phương pháp truyền nghề của sân khấu dân tộc cổ truyền.

Ông nói: “Công tác đào tạo diễn viên của chúng ta cần quay về với các giá trị truyền thống sẵn có”.

Thầy giỏi thì trò mới nên

NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc, nguyên hiệu trưởng trường, cho rằng: “Sinh viên còn thiếu khát khao được rèn luyện mỗi ngày. Trường phải tạo điều kiện cho các em. Với cấu trúc chương trình học hiện nay không còn chỗ trống cho em tự tập, tự làm tiểu phẩm.

Nên giảm tải 1/3 chương trình để sinh viên gặp gỡ trao đổi, tranh luận, thậm chí cãi nhau. Vậy mà sáng ra nhiều vấn đề và kích thích sự sáng tạo”.

Bà Ca Lê Hồng cũng nói: “Phải tạo môi trường nghệ thuật trong một trường nghệ thuật, đừng hành chính quá!”.

Tham gia hội thảo, diễn viên Cát Tường bức xúc: “Có nhiều khán giả hỏi tôi làm sao để trở thành diễn viên, tôi khuyên họ thi vào trường, họ trả lời: Em thấy nhiều người có cần học đâu. Chỉ cần đẹp, cặp đạo diễn là làm diễn viên được rồi!

Khóa tôi học trước đây có 20 người, rốt cuộc chỉ còn tôi và Trung Dũng theo nghề. Vậy học để làm gì? Tôi nghĩ đầu vào cần phải tuyển chọn đúng người có tố chất, nếu không thì lãng phí, mất công cả thầy lẫn trò.

Có những bạn học được một, hai năm thấy có nhiều sô đóng phim là bỏ học vì mục đích của họ là có nhiều sô, được nổi tiếng chứ không phải việc học. Tại sao các bạn không chịu học? Có phải thầy cô dạy không hấp dẫn?

Có lần gặp người quen cũ, hỏi làm gì, họ bảo đi dạy ở trường, tôi giật mình nghĩ bụng dở vậy mà làm thầy gì trời!

Bây giờ nhiều nghệ sĩ có tên tuổi như NSND Hồng Vân, Minh Nhí... mở các lớp đào tạo ngắn hạn, vậy mà học viên theo học rất nhiều vì học xong là người ta được đi diễn kịch, đóng phim liền. Trường chúng ta chắc cần xem lại đầu vào và đầu ra như thế nào để tìm hướng giải quyết cho sinh viên”.

Nhà báo Thanh Hiệp - cựu sinh viên của trường - nêu băn khoăn về tư cách của người thầy: “Tôi từng tiếp xúc nhiều sinh viên, họ chỉ cần vô trường học một, hai năm có được tên, tạo được mối quan hệ (có cả tiêu cực) là không cần học nữa rồi.

Lại có những người thầy lẫn lộn, xem môi trường giáo dục là nơi để gạ tình, những ông thầy đồng tính lấy quyền lực dụ dỗ sinh viên. Có thầy chạy sô còn nhiều hơn cả trò, rồi lên lớp yêu cầu học trò tập vở lúc 1g-2g sáng. Có thầy đến trễ cả một hai giờ mà không một lời xin lỗi sinh viên...

Sự nghiêm túc trong đào tạo, theo tôi nghĩ, cần phải được tôn trọng. Phải có sự chuẩn mực ngay từ chính bản thân của người thầy!”.

Lực lượng giảng viên thiếu hụt

Thầy Huy Thục - phó hiệu trưởng trường - cho biết do Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM mới được nâng cấp lên đại học gần đây nên hiện lực lượng giảng viên của trường còn rất thiếu. Đội ngũ giảng viên phải mời từ bên ngoài vào rất nhiều.

Có rất nhiều giảng viên là cựu giảng viên của trường trước đây có đủ khả năng đào tạo, nhưng lại vướng mắc yêu cầu cần phải có bằng thạc sĩ, tiến sĩ vì vậy trường đang cố gắng đào tạo lực lượng giảng viên mới đáp ứng đủ yêu cầu cho vấn đề đào tạo sinh viên của nhà trường.

LINH ÐOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên