09/11/2013 02:34 GMT+7

Quả ngọt của nghề dạy học

L.TRANG ghi
L.TRANG ghi

TT - Sau một tuần làm việc, ban giám khảo cuộc thi “Thầy tôi” đã lựa chọn được 33 bài thi chất lượng nhất, xúc động nhất, ấn tượng nhất (trên tổng số hơn 770 bài dự thi) vào vòng chung khảo.

Các giám khảo đều khá bất ngờ bởi những câu chuyện nhiều màu sắc, nhiều nét văn hóa, nhiều khía cạnh về nghề giáo được gửi đến dự thi. Dù tác giả ở nhiều độ tuổi, làm nhiều nghề, nhiều hoàn cảnh, có những trải nghiệm khác nhau về người thầy... thì những bài thi vào chung khảo đều gặp nhau ở một điểm chung: cảm xúc tri ân đối với người thầy - người lái đò thầm lặng trên con đường tri thức. Nhờ cảm xúc ấy mà những ấn tượng, kỷ niệm đã trôi qua sau nhiều thập kỷ vẫn được tái hiện vẹn nguyên trên trang viết.

Chúng tôi trích đăng ý kiến của một số vị giám khảo.

QMwf2Agg.jpgẢnh: Như Hùng* PGS.TS Trần Hữu Tá (chủ tịch Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP.HCM):

Những người thầy đáng trân trọng

Cuộc thi thật sự ý nghĩa bởi đã thể hiện sự quan tâm thật sự của tờ báo đối với ngành giáo dục và đặc biệt thể hiện sự trân trọng người thầy. Các bài thi lọt vào chung khảo dù chất lượng chưa đều nhưng thể hiện được cái nhìn đa chiều, đa dạng về người thầy, với thái độ trân trọng lao động của nhà giáo. Đặc biệt là những câu chuyện về tấm lòng, tình yêu thương học trò, trách nhiệm nâng đỡ, làm cho học trò tiến bộ của những người thầy đã giúp nhiều bài viết đọc rất cảm động.

Nhiều học trò đã gọi cô giáo là “má” (như bài Nhất má Thiệt), gọi thầy là cha, thật đáng ghi nhận. Có những bài giúp chúng ta hiểu được phương pháp sư phạm thật đặc biệt của người thầy như khi thầy bảo trò “không nên học nữa” để trò có thể tự rèn giũa mà thoát khỏi cái bóng của thầy...

Những người thầy trong các bài thi ở những vị trí khác nhau: có người là quản giáo, hòa thượng, có người là điều dưỡng nhưng tiết dạy cũng rất công phu. Có thể thấy xã hội là một trường học rộng lớn chứ không phải chỉ bó hẹp trong một ngôi trường. Trại cải tạo, thiền viện, bệnh viện cũng chính là trường học...

Cuộc thi đã giúp chúng ta hiểu được nhiều mặt của giáo dục, trong đó người thầy với tấm lòng và tình thương đã nâng đỡ những thế hệ học trò. Điều đó rất đáng trân trọng!

5TkBaSsP.jpgẢnh: Như Hùng* PGS.TS Đoàn Lê Giang (trưởng khoa văn học và ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM):

Niềm tin vào học trò là bài học không bao giờ cũ

Cuộc thi thu hút rất nhiều bài dự thi chứng tỏ những vấn đề giáo dục được xã hội rất quan tâm, và những người thầy đã gây ấn tượng, đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trong cuộc đời mỗi người. Có những ấn tượng suốt mấy chục năm không quên được.

Những bài thi vào chung khảo đã đặt ra nhiều vấn đề về người thầy và cả ngành giáo dục. Đó là tình thương của thầy cô đối với học trò có thể cứu vớt cuộc đời của một con người, có thể thay đổi một nhân cách. Người thầy dùng quyền lực của mình để trừng phạt trò sẽ làm hỏng học trò. Ngược lại, lòng bao dung của người thầy và quan trọng là niềm tin đối với học trò có thể đưa một học sinh cá biệt thành học sinh giỏi, đưa một cuộc đời từ chỗ tuyệt vọng đến bến bờ tươi sáng. Niềm tin vào con người, vào học trò chính là bài học không bao giờ cũ. Đọc những bài thi, điều khiến tôi ngậm ngùi là học sinh mình còn quá khổ. Học sinh ở nông thôn không đủ ăn, không đủ mặc vì kinh tế gia đình khó khăn.

Cuộc thi cũng đặt ra vấn đề làm thế nào để người thầy có thể làm đúng vai trò của mình - là người kỹ sư tâm hồn - chứ không bị giằng xé bởi mưu sinh của đời sống thường nhật. Nền giáo dục cũng đang bị thị trường hóa nên người ta đặt rất nhiều niềm tin, kỳ vọng vào người thầy sẽ làm thay đổi cuộc đời học trò, thay đổi cả thế hệ và thay đổi cả dân tộc.

kLpkW1zm.jpgPhóng toẢnh: Tự Trung* Nhà báo HÀ THẠCH HÃN (phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ):

Bồi bổ tâm hồn người đọc

Con số 770 bài tham gia cuộc thi chỉ trong hai tháng phát động cũng đủ để cho thấy mức độ hưởng ứng nhiệt thành của bạn đọc đối với cuộc thi này. Từ những người đã vào diện “cổ lai hi” đến những em học sinh mới học lớp 6 cũng có bài viết dự thi. Trong đó có học trò viết về thầy mình, có con viết về mẹ - cũng là giáo viên của mình, có đồng môn viết về đồng môn, có thầy giáo viết về thầy giáo và có cả bà mẹ viết về thầy của con mình...

Và cũng hiếm có cuộc thi nào mà cả tác giả lẫn nhân vật trong bài lại có thân phận, số phận đặc biệt như cuộc thi “Thầy tôi”. Ở đó ta thấy bóng dáng người thầy hiện lên trong nghèo khó, chật vật nhưng luôn có tấm lòng độ lượng, tận tụy và thương yêu học trò như con đẻ của mình.

Cũng có những bài viết thú vị ở chỗ nhân vật chính trong bài vừa là giáo viên nhưng cũng vừa là mẹ đẻ của tác giả. Và chính cái tâm, sự khách quan, trong sáng của người thầy trong người mẹ ấy đã khiến nhân vật người thầy không những trở nên cao đẹp mà câu chuyện còn có giá trị như một bài học cảnh tỉnh đối với những ai vẫn thường hay ỷ lại, cậy thế...

Những bài viết góp phần lưu giữ những nét đẹp, gia cố thêm cho đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cho truyền thống “tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc vốn có phần mai một trong thời gian qua.

Và tất nhiên, đọc các bài viết của cuộc thi, ai cũng có thể bắt gặp hình ảnh của mình một thời, trong đó có thể cam khó, có thể bế tắc nhưng vẫn ngời lên cái tình thầy trò chan chứa, vẻ đẹp trong sáng và hồn hậu sau những tất bật lo toan, sau một ngày nhọc nhằn mưu sinh lắng lại.

Có lẽ đó mới là phần hồn cốt, là điều gặt hái được lớn nhất của cuộc thi này.

L.TRANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên