Quả cầu vàng cũng sử dụng mạng xã hội Twitter để tường thuật lễ trao giải, nhưng bị New York Times chê lộn xộn. Chẳng hạn, West Side Story của Steven Spielberg được giới thiệu là "mang lại liều thuốc tiếng cười" dù đây là một phim ca nhạc có nội dung bi kịch - Ảnh: IMDb
Năm nay, lễ trao giải không truyền hình trực tiếp, không phát trực tuyến, không nghệ sĩ, không báo chí và khán giả. Năm ngoái, các ngôi sao Hollywood tẩy chay, trả giải như một sự phủ nhận giá trị.
Người ta nói "Mua danh 3 vạn, bán danh 3 đồng". Nhưng với giải Quả cầu vàng, quá trình mất đi danh tiếng không đơn giản và nhanh chóng đến thế.
Đó là một chuỗi dài bê bối triền miên trong nhiều năm qua, đến lúc giọt nước làm tràn ly và Hollywood quyết định tẩy chay Quả cầu vàng như một sự trừng phạt.
Bị quay lưng vì cáo buộc tham nhũng, phân biệt chủng tộc
Nhà vận động Melissa Silverstein - người sáng lập Tổ chức Women in Hollywood - chất vấn về giá trị của Quả cầu vàng năm nay trên tờ Observer: "Nếu một giải thưởng được trao lẻ loi trong một "khu rừng", không ai nhìn thấy, thì nó có thực sự diễn ra không?".
Mọi năm, khung cảnh lễ trao giải Quả cầu vàng luôn đầy xa hoa với những bàn tiệc hào nhoáng của giới sao hạng A Hollywood. Họ đến đó không chỉ để trao giải, nhận giải, tán tụng nhau mà còn để tiệc tùng và say sưa. Quả cầu vàng từng là một nơi vừa danh giá vừa sành điệu như vậy.
Nhưng năm nay, các tên tuổi hạng A ấy đồng loạt quay lưng với Quả cầu vàng. Lễ trao giải diễn ra ở nơi nào đó không ai buồn quan tâm (trên thực tế là khách sạn Beverly Hilton ở Los Angeles như mọi năm), và danh sách giải thưởng được tiết lộ với báo chí mà không có bức ảnh nhận giải nào.
Lý do Quả cầu vàng rơi vào tình trạng bị căm ghét như hiện nay đều đến từ HFPA - Hiệp hội Báo chí nước ngoài tại Hollywood, ban tổ chức đầy bê bối của giải.
Đầu tiên, HFPA không có bất cứ thành viên da đen nào, dẫn đến thiếu đa dạng chủng tộc. Hiệp hội cũng có cách kết nạp thành viên khá mờ ám, nhiều nhà báo điện ảnh giỏi và giàu kinh nghiệm cho biết họ không có cách nào gia nhập.
Thứ hai, vì thiếu đa dạng, HFPA bị nhiều nghệ sĩ nổi tiếng và các hãng phim quay lưng. Mark Ruffalo, Scarlett Johansson, Tom Cruise... lên án giải. Cruise trả lại 3 giải đã được trao trước đây như một sự phủ nhận giá trị. Netflix, Amazon, WarnierMedia, Đài NBC... từng tuyên bố "nghỉ chơi" Quả cầu vàng.
Thứ ba, HFPA bị cáo buộc tham nhũng, tư lợi và nghi ngờ về tính công bằng của hệ thống bỏ phiếu. Emily in Paris, một phim bị giới phê bình chê bai, nhận 2 đề cử Quả cầu vàng năm ngoái sau khi nhà sản xuất mời 30 thành viên HFPA đi chơi Paris. Trong khi đó, phim truyền hình xuất sắc I May Destroy You hoàn toàn bị ngó lơ.
Cuối cùng, đó là cáo buộc tấn công tình dục và phân biệt chủng tộc. Vào tháng 4-2021, Phil Berk - chủ tịch HFPA - đã bị khai trừ khỏi tổ chức. Berk từng lên án phong trào Black Lives Matter và bị nam diễn viên Brendan Fraser tố sàm sỡ.
Quả cầu vàng là giải thưởng lớn còn HFPA là tổ chức lớn tại Hollywood. Điều này có nghĩa là những góc khuất đen tối có thể tồn tại, nhưng việc ban tổ chức dung túng các vấn đề trong thời gian dài khiến Hollywood căm ghét và chuyển sang ghẻ lạnh.
Cứu vãn được gì?
Quả cầu vàng 2022 năm nay có gì? Theo Variety, các thành viên của một số tổ chức phi lợi nhuận được mời làm người trao giải thay vì các sao Hollywood như mọi năm.
Ghi nhận hậu trường, Variety cho biết chỉ mất 3 phút để đến Beverly Hilton. Mọi năm, quãng đường này đông đúc như một cơn ác mộng. Năm nay, Quả cầu vàng đặc biệt tinh gọn với các thành viên ban tổ chức ăn mặc giản dị. Tổng số người tham dự là 200 người, đều đeo khẩu trang suốt chương trình.
Do không có thảm đỏ nên cũng không có các ngôi sao ăn diện lộng lẫy và không có nhiếp ảnh gia nào hoạt động. Các khách mời chụp ảnh "tự sướng" để ghi lại kỷ niệm.
Một thông báo từ HFPA sau lễ trao giải cho biết trong 25 năm qua, Quả cầu vàng đã quyên góp được 50 triệu USD để làm từ thiện. Để cải thiện hình ảnh, ban tổ chức trước đó đã tuyên bố sẽ gắn Quả cầu vàng với hoạt động từ thiện.
Helen Hoehne, chủ tịch mới của HFPA, cho biết tổ chức này đang nỗ lực đổi mới thông qua việc kết nạp những thành viên từ 50 quốc gia, nhằm giữ vị thế của giải. Trong 21 thành viên mới của tổ chức, có 29% là người da đen, một bước tiến về sự đa dạng.
Phim của Jane Campion và Steven Spielberg thắng giải
Điểm sáng Quả cầu vàng năm nay nằm ở chất lượng giải. The Power of the Dog, một trong những phim hay nhất năm 2021 của đạo diễn Jane Campion và Netflix, được trao giải Phim chính kịch hay nhất. West Side Story của Steven Spielberg giành giải Phim hài/nhạc kịch hay nhất.
Will Smith giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc phim chính kịch với vai diễn trong King Richard. Khá bất ngờ, minh tinh Nicole Kidman giành giải nữ chính với Being the Ricardos, vượt qua Kristen Stewart và Lady Gaga.
Nam diễn viên Hàn Quốc Oh Young Soo trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên được trao giải Quả cầu vàng khi ông thắng giải ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất phim truyền hình thể loại chính kịch với vai người chơi 001 - Oh Il Nam trong Squid Game (Trò chơi con mực).
Không ai trong số những tên tuổi trên có bức ảnh hay bài phát biểu nhận giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận