15/07/2018 01:08 GMT+7

Quả bóng vàng World Cup 2018: Modric hay Mbappe?

THÁI HÀ
THÁI HÀ

TTO - Tại các kỳ World Cup gần đây, FIFA thường trao 4 giải thưởng cá nhân cho các cầu thủ: cầu thủ hay nhất, vua phá lưới, cầu thủ trẻ hay nhất (cho các cầu thủ dưới 21 tuổi), thủ môn hay nhất.

Quả bóng vàng World Cup 2018: Modric hay Mbappe? - Ảnh 1.

Mbappe hay Modric sẽ là chủ nhân Quả bóng vàng World Cup 2018?

Nếu vua phá lưới là giải thưởng có ba-rem rõ ràng, dựa trên các tiêu chí số bàn thắng, số pha kiến tạo, số bàn từ tình huống bóng sống, thì những giải thưởng còn lại dựa trên các phiếu bầu, vì thế cũng khá là theo cảm tính.

Các quy tắc lựa chọn bất thành văn

Danh giá và gây nhiều luồng ý kiến khác nhau hơn cả là giải cầu thủ hay nhất (quả bóng vàng).

Từ năm 1982, giải quả bóng vàng World Cup mới được chính thức lập ra do hãng Adidas và tạp chí France Football tài trợ, chân sút Paolo Rossi là người đầu tiên giành giải. Ông cũng là vua phá lưới World Cup đó.

Sau này, FIFA cũng đã lập ra một danh sách các cầu thủ xuất sắc nhất của các kỳ World Cup trước đó. 

Những cầu thủ xuất sắc nhất qua các kỳ World Cup:
1930: Jose Nasazzi (Uruguay),
1934: Giuseppe Meazza (Ý),
1938: Leonidas (Brazil),
1950: Zizinho (Brazil),
1954: Ferenc Puskas (Hungary),
1958: Didi (Brazil),
1962: Garrincha (Brazil),
1966: Bobby Charlton (Anh),
1970: Pele (Brazil),
1974: Johan Cruyff (Hà Lan),
1978: Mario Kempes (Argentina),
1982: Paolo Rossi (Ý),
1986: Diego Maradona (Argentina),
1990: Salvatore Schillaci (Ý),
1994: Romario (Brazil),
1998: Ronaldo (Brazil),
2002: Oliver Kahn (Đức),
2006: Zinedine Zidane (Pháp),
2010: Diego Forlan (Uruguay),
2014: Lionel Messi (Argentina).

Nhìn vào danh sách, có thể thấy các cầu thủ được chọn nằm trong 4 đội lọt vào bán kết giải đấu. Từ năm 1982 đến nay, chỉ có 3 cầu thủ giành quả bóng vàng đến từ các đội vô địch giải: Rossi (1982), Maradona (1986), Romario (1994), họ đều xứng đáng.

Những kỳ khác, quả bóng vàng không trao cho cầu thủ thuộc đội vô địch: Schillaci (1990), Ronaldo (1998), Kahn (2002), Zidane (2006), Forlan (2010), Messi (2014).

Các tiêu chí chọn quả bóng vàng bất thành văn là: thành viên từ 4 đội vào bán kết, một cầu thủ kiến tạo lối chơi, ghi nhiều bàn thắng, là niềm cảm hứng cho cả đội bóng (đặc biệt là những đội bóng gây bất ngờ) tiến lên, tất nhiên đạo đức phải tốt, không nhận thẻ đỏ.

Bởi thế năm 2010, Forlan mới vượt qua Wesley Sneijder (Hà Lan) và David Villa (Tây Ban Nha) giành giải, dù Uruguay xếp hạng 4. Forlan có cùng 5 bàn thắng như Sneijder, Villa và vua phá lưới Thomas Muller (Đức).

Sai lầm từ việc tổ chức bầu chọn của FIFA

Tại các giải trước, tiểu ban kỹ thuật của FIFA đưa ra một danh sách rút gọn các ứng cử viên cho danh hiệu quả bóng vàng để đại diện các cơ quan truyền thông bầu chọn.

World Cup 2002, FIFA đưa danh sách này cho truyền thông và yêu cầu thu về phiếu bầu một ngày trước trận chung kết, Kahn có 25% phiếu, Ronaldo có 21%. Kahn chỉ để thủng lưới 1 bàn trong 6 trận khi giúp Đức vào trận chung kết, còn Ronaldo lúc đó đã có 6 bàn thắng.

Vào trận chung kết, Kahn mắc một sai lầm tệ hại, để ói bóng ra từ một cú sút không khó và Ronaldo lao vào ghi bàn. Tiếp theo, Ronaldo chích mũi giày ghi bàn thắng tuyệt đẹp để ấn định tỉ số 2-0. Kahn nhận giải quả bóng vàng sau trận đấu với tâm trạng nặng nề trong khi ai cũng thấy Ronaldo xứng đáng hơn với 8 bàn thắng cả giải.

4 năm sau, FIFA không học bài từ sai lầm trên, tiếp tục đưa giới truyền thông bầu chọn quả bóng vàng 1 ngày trước trận chung kết. Zidane được nhiều phiếu hơn Fabio Cannavaro.

Trận chung kết là vết nhơ lớn nhất trong sự nghiệp của Zidane khi anh không kiềm chế được bản thân, húc đầu vào ngực Marco Materrazzi, nhận thẻ đỏ rời sân, phá hủy cơ hội vô địch của đội Pháp.

Sau này, FIFA đổi cách làm, không tín nhiệm truyền thông nữa, tự họ chọn vào khi kết thúc hẳn giải đấu. Nhưng sự cảm tính của truyền thông lại chuyển thành cách chọn mang tính "mặt trận" của FIFA.

Việc trao giải quả bóng vàng cho Messi là kiểu trao mang tính an ủi cho cầu thủ này sau khi đội Argentina không vô địch.

Messi ghi được 4/6 bàn cho Argentina tại vòng bảng. Vào đến vòng knock-out, Messi ngừng ghi bàn, Argentina thắng Thụy Sĩ ở vòng 16 đội với bàn thắng ở hiệp phụ, thắng Bỉ 1-0 ở tứ kết, hạ Hà Lan khi thi sút 11m sau 120 phút hòa 0-0 và thua Đức 0-1 ở chung kết.

Tức là trong 4 trận vòng knock-out, Argentina chỉ ghi được 2 bàn thắng.

Luka Modric là ứng viên sáng nhất

World Cup năm nay, hy vọng các thành viên của tiểu ban kỹ thuật FIFA gồm các HLV và cầu thủ huyền thoại Carlos Alberto Parreira, Bora Milutinović, Marco van Basten, Alessandro Nesta, Andy Roxburgh và Emmanuel Amunike dựa vào các tiêu chí kỹ thuật sẽ sáng suốt hơn khi chọn cầu thủ xuất sắc nhất giải.  

Giải thưởng "cầu thủ hay nhất trận đấu" là một căn cứ tin cậy để xác định. Theo đó, trước 2 trận cuối cùng của giải (chung kết và tranh hạng ba), Luka Modric và Harry Kane mỗi người có 3 lần được chọn là "cầu thủ hay nhất trận đấu". Theo sau là Antoine Griezmann (2), Kylian Mbappe (2), Eden Hazard (2).

Trong số các ứng viên nói trên, Modric và Mbappe là hai ứng viên sáng nhất. Modric mới có 2 bàn thắng, Mbappe có 3 bàn nhưng Modric nổi lên với vai trò của người thủ lĩnh trên sân, kiến tạo các cơ hội, thúc đẩy các đồng đội kiên cường vượt qua 3 trận kéo dài 120 phút để đưa Croatia, một nước nhỏ có 4 triệu dân, lần đầu vào trận chung kết.

Modric có thể làm mọi việc trên sân, và cần nhớ, bên cạnh các tiêu chí kỹ thuật, tiêu chí "đưa đội vượt khó" rất quan trọng.

Nếu Modric giành quả bóng vàng thì giải cầu thủ trẻ xuất sắc nhất chắc chắn sẽ thuộc về Mbappe. Giải thủ môn hay nhất khả năng 50-50 về tay Hugo Lloris với những pha cứu bóng xuất thần đặc biệt trong trận gặp Bỉ, hoặc Danijel Subasic đã đây 4 cú sút 11m trên đường đưa Croatia vào chung kết.

THÁI HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên