16/04/2014 10:15 GMT+7

Pulitzer gọi tên Snowden

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Không nằm ngoài các dự đoán trước khi giải báo chí danh giá Pulitzer công bố ngày 14-4, các bài báo liên quan hồ sơ về do thám của tình báo Mỹ đã được vinh danh và cũng... gây nhiều tranh luận.

Loạt bài về NSA giành giải PulitzerBáo New York Times đoạt 4 giải PulitzerBáo Guardian, vụ Snowden và giải Pulitzer

H5heEvWO.jpgPhóng to
Hai nhà báo của tờ WP Barton Gellman (trái, người đã có trong tay hai giải Pulitzer) và Eli Saslow chia vui với đồng nghiệp sau khi đoạt giải. Eli đã đoạt giải trong hạng mục Báo chí điều tra - Ảnh: Reuters

Báo Guardian U.S (ấn bản tại Mỹ của tờ Guardian của Anh) và The Washington Post (WP) đã được Ủy ban Pulitzer 2014 trao giải thưởng danh giá “Phụng sự công chúng” nhờ đăng loạt bài liên quan vấn đề thu thập thông tin cá nhân của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), từ những tài liệu do “người thổi còi” Edward Snowden cung cấp.

Tại Đại học Columbia (New York), Ủy ban Pulitzer tuyên bố Guardian U.S được vinh danh vì có công trong việc châm ngòi cuộc tranh luận về mối quan hệ giữa chính phủ và công chúng xoay quanh những vấn đề như an ninh và quyền cá nhân. Trong khi đó, WP được đề cao vì đã đưa những bài viết rõ ràng để công chúng hiểu được vai trò của việc rò rỉ thông tin về NSA trong hệ thống an ninh quốc gia.

Bốn nhà báo có nhiều đóng góp cho thành công của loạt bài về NSA trên hai tờ báo này là Glenn Greenwald, Ewen MacAskill, Laura Poitras của Guardian U.S và Barton Gellman của WP. Báo Guardian dẫn lời tổng biên tập Alan Rusbridger: “Chúng tôi thật sự tự hào vì nền báo chí của chúng ta đã được công nhận bằng giải thưởng Pulitzer”.

Trách nhiệm với bạn đọc

"Tôi không thể tưởng tượng sự lựa chọn nào chính xác hơn giải Pulitzer. Áp lực bước qua lằn ranh đối với các nhà báo trong vụ này là rất lớn, bất chấp luật tự do báo chí ở Mỹ đã nới lỏng"

Giáo sư khoa truyền thôngMARK MILLER

Ngay từ khi cánh nhà báo bàn về giải Pulitzer, họ đã phải thừa nhận rằng không có loạt bài nào xứng đáng hơn loạt hồ sơ về NSA. Nhiều người ví nó sẽ gây tranh cãi như hồi Ủy ban Pulitzer 1972 quyết định trao giải cho loạt bài Pentagon Papers của tờ New York Times. Đó là loạt hồ sơ tuyệt mật của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan những dính líu chính trị và quân sự Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, đã bị chuyên viên quân sự Daniel Ellsberg tuồn cho báo chí.

Giáo sư danh dự khoa truyền thông của Đại học Quinnipiac, ông Paul Janensch nhận định rằng để chọn trao giải cho Guardian U.SWP, ắt hẳn ban giám khảo đã có những cuộc tranh cãi căng thẳng. “Người cung cấp thông tin lại đang xin tị nạn ở Nga nên tôi cho rằng đã có những cãi vã rất căng trước khi đi đến quyết định trao giải” - tờ Global Post dẫn lời giáo sư Janensch.

Những người ủng hộ các nhà báo phanh phui vụ NSA cho rằng Ủy ban Pulitzer đứng trước rủi ro mất uy tín nghiêm trọng nếu không trao giải thưởng cho câu chuyện báo chí lớn nhất thập kỷ. “Như thế nghĩa là họ đã đầu hàng phe hữu hay phe bảo thủ trong các vấn đề an ninh của chính trị Mỹ” - Christopher Simpson, giáo sư truyền thông Đại học American ở Washington, bình luận.

Nhà báo Doyle McManus của tờ Los Angeles Times cho rằng chọn lựa của ủy ban trao giải, gồm những thành viên uy tín từ báo New York Times, Wall Street JournalĐại học Columbia, cũng chính là một tín hiệu tôn vinh cho Snowden.

Những tiết lộ của Snowden đã gây tranh cãi ở Mỹ xoay quanh việc cân bằng giữa an ninh quốc gia và quyền bí mật cá nhân. Loạt bài đăng báo trên đã buộc chính quyền Tổng thống Barack Obama phải xem xét lại hoạt động của NSA và đưa ra nhiều cải tổ cũng như cam kết cải tổ mạnh mẽ. Theo nhà báo McManus, đây là một tiền lệ chưa hề có ở Mỹ.

Nhà báo này cho rằng đây là loạt điều tra quan trọng nhất của báo chí Mỹ trong năm 2013. Hai tờ báo trên không chỉ có công tóm lược núi tài liệu khổng lồ do Snowden cung cấp mà họ còn tập hợp một lực lượng phóng viên hùng hậu để chuyển những dữ liệu này thành những bài báo dễ hiểu cho bạn đọc. Tờ WP huy động đến 33 phóng viên để phân loại, sắp xếp và hỗ trợ cho loạt bài đăng trên báo này.

Áp lực lớn

AFP dẫn lời giáo sư khoa truyền thông Đại học New York Mark Miller đánh giá nhà báo Glenn Greenwald (nay đã nghỉ khỏi tờ Guardian và đang sinh sống tại Brazil) đã làm những điều mà cánh nhà báo Mỹ cho rằng nên làm, đó là phục vụ công chúng bằng việc đưa ra ánh sáng sự lạm dụng quyền lực quá mức của chính quyền. Những anh hùng báo chí thật sự của Mỹ thường là những kẻ “lập dị”, những người dám viết về các vấn đề thường bị chính quyền bác bỏ do bị cho rằng đó là “thuyết âm mưu”.

Các phóng viên thực hiện phỏng vấn Snowden sau khi nhân vật này sang Hong Kong, cũng đứng trước những trăn trở khi có quá nhiều áp lực từ Chính phủ Mỹ. Glenn Greenwald và đồng nghiệp Laura Poitras từng tâm sự rằng họ sợ sẽ bị bắt và phải ra tòa vì việc làm này. Bởi trước đó, giám đốc tình báo quốc gia Mỹ James Clapper từng tuyên bố khả năng xem các nhà báo tham gia vụ việc là “đồng phạm của Snowden”.

Tờ Boston Globe đoạt giải Tin nóng nhờ loạt bài về vụ đánh bom giải marathon Boston và cuộc săn lùng nghi can đánh bom. Tờ New York Times đoạt giải Ảnh tin nóng. Chris Hamby của Trung tâm Liêm chính công (Public Integrity) ở Washington DC được trao giải vì những điều tra của anh cho thấy giới luật sư và bác sĩ đã móc nối với nhau một cách có hệ thống để cùng bác bỏ những quyền lợi của giới thợ mỏ bị ung thư.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên